TĐ-TCT-TCTC: Lỗ nặng vì đầu tư tài chính

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 05/08/2013 - 4952 lượt xem.

Một trong những điểm đáng chú ý khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 là các khoản đầu tư, góp vốn tại tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), tổ chức tài chính – ngân hàng đa phần không thu được lợi nhuận, thậm chí có nguy cơ mất vốn.

TĐ-TCT: Từ lỗ đến lỗ

Trên cơ sở kiểm toán 27 TĐ, TCT, KTNN cho biết tổng các khoản đầu tư tài chính của các TĐ, TCT tính đến 31-12-2011 là 25.750 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào các công ty con và công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Kết quả kiểm toán cho thấy một số đơn vị không đầu tư ngoài ngành, việc đầu tư tài chính được thực hiện theo quy định, nhưng hiệu quả đầu tư thấp. Nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn như PVC đầu tư vào công ty liên kết PVC-SG lỗ 85,8 tỷ đồng, PVC-Land lỗ 66,4 tỷ đồng; CTCP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến 31-12-2011 là 1.090 tỷ đồng (vốn điều lệ 982 tỷ đồng).

Công ty mẹ – Habeco đầu tư vào doanh nghiệp khác năm 2011 lỗ hơn 195 tỷ đồng; công ty mẹ – TCT Công nghiệp Sài Gòn phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính hơn 162 tỷ đồng (tương đương 13% giá trị đầu tư); Vinafood2 đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vận tải biển không hiệu quả… 

Hầu hết công ty tài chính được kiểm toán đầu tư vào CP niêm yết năm 2010, 2011 đều thua lỗ và phải trích lập dự phòng: đầu tư chứng khoán niêm yết của Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà lỗ 41 tỷ đồng; Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam đầu tư vào Quỹ Đầu tư Chứng khoán Hà Nội, năm 2011 quỹ này lỗ 87,3 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị có các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. Chẳng hạn như công ty mẹ – Vinafood1 đầu tư hơn 118 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng hơn 42 tỷ đồng; Công ty mẹ – Vinachem góp vốn vào CTCK VIC 22 tỷ đồng nhưng phải trích lập dự phòng 18,5 tỷ đồng, mua cổ phần tại TCTCP Bảo Minh 16 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 5,6 tỷ đồng; Vinafood2 đầu tư chứng khoán của CTCP Vận tải biển Việt Nam 59,5 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 47,7 tỷ đồng và mua CP của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam gần 52,3 tỷ đồng nhưng theo giá niêm yết chỉ còn khoảng 16,6 tỷ đồng…

Số liệu từ KTNN còn cho thấy, một số đơn vị không tuân thủ Nghị định 09 của Chính phủ về quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Hiện công ty mẹ – Vinachem chưa thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm theo quy định; công ty mẹ – TCT Bến Thành đầu tư ra ngoài 1.605 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 425 tỷ đồng…

Tổ chức tài chính: Không hiệu quả

Tại 6 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Theo KTNN, tại các đơn vị được kiểm toán hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận đều có hoạt động đầu tư, góp vốn, liên doanh, liên kết, song hiệu quả của các khoản đầu tư còn thấp, nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị kể từ thời điểm đầu tư và nguy cơ mất vốn cao.

Chẳng hạn, tỷ lệ thu nhập từ hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần trên tổng giá trị đầu tư năm 2011 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ 3,1% đến 3,4%, nhưng tổng giá trị chứng khoán vốn đầu tư sẵn sàng để bán năm 2011 của BIDV suy giảm 62% giá trị.

Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) đầu tư 102 tỷ đồng vào CTCK MHB nhưng công ty này có số lỗ lũy kế đến hết năm 2011 là 114 tỷ đồng. TCT PVI tỷ lệ đầu tư dài hạn so với số vốn đầu tư dài hạn bình quân 5% và hơn 70% giá trị các khoản đầu tư dài hạn có hiệu quả đầu tư thấp hoặc chưa hiệu quả.

KTNN còn nhận định các khoản đầu tư vào trái phiếu của các công ty chứa đựng nhiều rủi ro. Cụ thể, Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà đầu tư 150 tỷ đồng vào trái phiếu CTCP Cơ khí điện tử T&T từ nguồn huy động ngắn hạn và số tiền này đã đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ; Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel cũng đầu tư 250 tỷ đồng vào trái phiếu CTCP Cơ khí điện tử T&T, nhưng số tiền này không phản ánh trong báo cáo tài chính và không có tài liệu chứng minh việc sử dụng số tiền.

3 công ty tài chính là Sông Đà, Điện Lực, Than – Khoáng sản mua 600 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Sông Đà Thăng Long nhưng dự án của công ty này bị chậm tiến độ, không có nguồn trả nợ, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Sông Đà Thăng Long đang gặp nhiều khó khăn.

Hay Công ty Tài chính Xi măng đầu tư trái phiếu TĐ Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, dù báo báo cáo thẩm định có nêu tác động và rủi ro của việc đầu tư và tình hình tài chính của Vinashin, trong đó đánh giá tỷ lệ nợ ở mức cao gấp 15 – 17 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng 93- 97% tổng tài sản và không có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn quyết định đầu tư. 

Thị trường ngân hàng: Khó kiểm soát

Theo đánh giá của KTNN, năm 2011, cơ bản Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành lãi suất dần phù hợp với thị trường… Song lạm phát cả năm vẫn ở mức cao (18,13%), vượt so với chỉ tiêu Quốc hội điều chỉnh (từ 15% đến 17%); nhu cầu vốn giá rẻ cho nền kinh tế chưa được đáp ứng đầy đủ (lãi suất cho vay nền kinh tế còn cao); tăng trưởng tín dụng 14,45% không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Chính phủ (15-17%); tỷ lệ nợ xấu liên tục gia tăng từ 2007, đặc biệt năm 2011 tăng đột biến 3,07%; hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN đối với hoạt động cho vay, tái cấp vốn chưa kịp thời và đầy đủ; một số ngân hàng, tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn vi phạm tỷ lệ an toàn theo quy định chưa được cảnh báo, ngăn ngừa và chấn chỉnh kịp thời; việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường.

IMG_0837

 

 Nguồn ĐTTC

Diễn đàn Webketoan