Doanh nghiệp có thể được giảm mức đóng BHTN, quyền lợi của người lao động có bị ảnh hưởng?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 30/03/2017 - 5338 lượt xem.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng.

Có thể giảm 50% mức đóng vào Quỹ BHTNđây là nội dung tại dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức đóng Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động quy định tại điều 57 Luật Việc làm. Dự thảo trên gây ra lo ngại việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Giảm cho người sử dụng lao động

Theo dự thảo nêu trên, mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động sẽ được điều chỉnh giảm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN đến hết ngày 31-12-2019.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 2 phương án giảm đóng quỹ BHTN như sau:

+ Một là, giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động.

+ Hai là, giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động nhưng trong một giai đoạn nhất định.

Theo nội dung Tờ trình Quốc hội của Chính phủ, Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 mở rộng đối tượng tham gia BHTN nên số người tham gia BHTN năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, năm 2015 đã tăng 11,8% so với năm 2014, năm 2016 tăng 7,3% so với năm 2015 và vẫn có xu hướng tăng nhưng tỉ lệ tăng sẽ không cao ở những năm tiếp theo. Hiện nay, do kết dư của Quỹ BHTN lớn nên năm 2015, 2016 và một số năm tiếp theo, Quỹ BHTN không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà tổng thu BHTN trong năm chỉ bao gồm phần đóng của NLĐ và người sử dụng lao động theo quy định.

Việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là không lớn đối với chi phí doanh nghiệp

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2016 là 56.486 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ này vẫn bảo đảm an toàn. Như vậy, cùng với kết dư khá lớn của Quỹ BHTN và để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh thì việc điều chỉnh mức đóng của người sử dụng lao động vào Quỹ BHTN là điều cần thiết.

Cần cân nhắc thận trọng

Một số tính toán cho rằng, việc giảm mức đóng nêu trên sẽ giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này là không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp hiện nay. Ví dụ, một doanh nghiệp cỡ vừa – có quy mô dưới 300 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng thì tổng quỹ lương của doanh nghiệp này sẽ là 1,5 tỷ đồng.

Nếu giảm 0,5% mức đóng BHTN thì mỗi tháng doanh nghiệp cũng chỉ tiết kiệm được 7,5 triệu đồng. Đây là con số khá khiêm tốn đối với chi phí của một doanh nghiệp quy mô như trên. Số tiền này chắc chắn cũng không thể giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách pháp luật, kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng – Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, cơ quan soạn thảo đánh giá Quỹ BHTN tồn dư lớn nên cần điều chỉnh giảm là chưa hợp lý. Quỹ tồn lớn trong thời gian qua không phải do tỷ lệ đóng cao, mà là do quỹ chủ yếu mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp mà chưa chi cho đào tạo, chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ.

Phân tích từ phía các chuyên gia cũng cho thấy, Quỹ BHTN tồn lớn cũng không phải do số người thất nghiệp ít mà là do có nhiều NLĐ tham gia BHTN nhưng khi mất việc lại chưa được hưởng chế độ BHTN. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như người lao động không làm thủ tục vì ngại đi lại, tốn kém mà mức trợ cấp không đáng kể.

Thực tế cũng cho thấy, có nhiều trường hợp NLĐ bị thất nghiệp gặp khó khăn, mất thời gian khi làm hồ sơ xin trợ cấp. Thời gian tới, khi việc khai báo, nhận trợ cấp được đơn giản hóa khi cơ quan quản lý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý lao động, khai báo thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp thì mức chi của Quỹ BHTN cũng sẽ tăng. Điều này hoàn toàn có thể dẫn tới khả năng quỹ mất cân đối trong tương lai và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ.

Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ LĐ-TB-XH và các cấp có thẩm quyền cần cần phải tính toán, xem xét và cân nhắc một cách kỹ càng đối với điều chỉnh này bởi tác động của việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người lao động.

Nguồn:
Hùng Anh (Báo An Ninh Thủ Đô)
– Báo người lao động

Diễn đàn Webketoan