Xung quanh về chề độ thai sản được hường 4/6 tháng tiền lương trước ngày 01/05/2013

  • Thread starter Kế Toán Già Gân
  • Ngày gửi
Kế Toán Già Gân

Kế Toán Già Gân

Già mà ham
150090_325099270934957_194859786_n.jpg

Ảnh mang tính họa - Nguồn: Internet

Trong cùng ngày 17/1/2013, Bảo hiểm xã hội TP. HCM có hai câu trả lời trên Hệ thống đối thoại doanh nghiệp về chế độ lương trong thời gian nghỉ thai sản khiến giới doanh nghiệp ngơ ngẩn, không biết phải giải thích thế nào với các thai phụ nghỉ sinh ngay từ đầu năm 2013

✓ Hỏi: Theo quy định mới ban hành thì lao động nữ sinh con sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản 06 tháng. Vậy giả sử Công ty chúng tôi có một lao động nữ nghỉ thai sản từ tháng 03/2013 thì có được hưởng chế độ thai sản 06 tháng hay không?

✓ BHXH TP.Hồ Chí Minh trả lời: ✓

Theo quy định của Bộ Luật Lao động sửa đổi bổ sung, có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 thì lao động nữ nêu trên sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng. Tuy nhiên, tiền trợ cấp thai sản vẫn thực hiện theo Luật BHXH là 4 tháng.

✓ Hỏi: Tôi dự sinh ngày 15/2/2013, theo luật lao động mới thì tôi được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Vậy xin hỏi:

1. Thời gian nghỉ 6 tháng này, tôi nhận được tiền trợ cấp thai sản là 6 tháng hay vẫn 4 tháng?

2. Tôi nghỉ sinh với chế độ 6 tháng, từ ngày 15/2/2013 đến 15/8/2013. Tuy nhiên, hợp đồng lao động của tôi hết hạn ngày 15/6/2013. Công ty dự kiến sẽ không tiếp tục hợp đồng với tôi vì công ty không có nhu cầu sử dụng lao động nữa. Vậy, trong trường hợp này tôi có được đăng ký hưởng BHTN hay không? Và tôi phải đăng ký ngay khi hết hợp đồng là từ 16/6/2013 hay khi tôi hết chế độ thai sản là 15/8/2013?​

✓ BHXH TP.Hồ Chí Minh trả lời: ✓

1. Việc tính trợ cấp thai sản thực hiện theo Luật BHXH. Hiện nay, Luật BHXH chưa có thay đổi nên cơ quan BHXH vẫn giải quyết tiền trợ cấp thai sản 4 tháng.

2. Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này.”

Giả sử bà đáp ứng được điều kiện đóng BHTN, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bà phải đăng ký thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng tính từ ngày 16/6/2013. Nếu không tìm được việc làm mới trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp thì nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại các điểm tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố.​

✒ ✒ ✒ Một số người khác lại dẫn chứng tại:

Khoản 2 Điều 240 Bộ Luật Lao Động số 10/2012/QH13 ban hành ngày 18/06/2012 (Bộ luật lao động 2012) đã quy định:

“…2. Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành:

b. Quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định này.

Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà đến ngày 01/05/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật này…”

Từ quy định trên cho thấy:
Quy định tại Điều 39 (Thời gian hưởng chế độ khi sinh con) của Luật bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động 2012 kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật lao động 2012 có hiệu lực mà đến ngày 01/05/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh theo Điều 39 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động 2012 (cụ thể 06 tháng theo Điều 157 – Nghỉ thai sản của Bộ luật lao động 2012). Từ đó, mức hưởng chế độ thai sản tại Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội phải trả cho thời gian 06 tháng hưởng chế độ khi sinh con .

Điều đó khẳng định “Không cần chờ sửa Luật BHXH mới hưởng 6 tháng lương thai sản”

Có lẽ cơ quan này chưa tham khảo quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 : "Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau".

Theo đó, điểm b Khoản 2 Điều 240 Bộ Luật lao động mới 10/2012/QH13 được ban hành sau và của cùng cơ quan Quốc hội nên mặc nhiên được áp dụng mà không phải chờ sửa đổi Điều 31 Luật BHXH 71/2006/QH11 .

★ ✩ ✮ ✯ ✰ ☆★ ✩ ✮ ✯ ✰ ☆★ ✩ ✮ ✯ ✰ ☆
Thật ra việc BHXH TP. HCM chỉ chấp nhận thanh toán lương thai sản theo hạn mức 4 tháng tại thời điểm này (trước ngày 1/5/2013) vẫn hợp lý, trừ việc đòi sửa Luật BHXH. Theo công thức tính mức hưởng chế độ thai sản khi nghỉ sinh con quy định tại điểm 5.b, Khoản 1 Mục II Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH thì:

Mức hưởng khi nghỉ việc sinh con hoặc nuôi con nuôi = Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Số tháng nghỉ sinh con hoặc nghỉ nuôi con nuôi theo chế độ

Điều đáng lưu ý là số tháng nghỉ sinh con theo quy định hiện hành vẫn 4 tháng, do đó mức hưởng chế độ thai sản thanh toán trước ngày 1/5/2013 tính theo 4 tháng là hoàn toàn phù hợp, thậm chí không thể khác với quy định hiện hành của Bộ Lao động TBXH.

Kể từ sau ngày 1/5/2013, Bộ Lao động Thương binh Xã hội chắc chắn sẽ có hướng dẫn chi tiết việc thanh toán (bổ sung) 2 tháng lương thai sản theo quy định mới của Bộ Luật 10/2012/QH13 mà những người nghỉ sinh trong khoảng thời gian từ 1/1/2013 đến 30/4/2013 mặc nhiên được hưởng.

Các doanh nghiệp khi "tạm ứng" chế độ thai sản cho các thai phụ cần giải thích rõ vấn đề này để tránh bị cho là thanh toán không đầy đủ chế độ thai sản.
★ ✩ ✮ ✯ ✰ ☆★ ✩ ✮ ✯ ✰ ☆★ ✩ ✮ ✯ ✰ ☆

Theo Huỳnh Thanh Long (LVN)​
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA