‘Biết lương của đồng nghiệp để định giá bản thân’

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 05/08/2013 - 9472 lượt xem.

Tò mò về lương của người khác có thể khiến nhân viên khó chịu, tốn thời gian để đoán mò mà lơ là công việc. Công khai thu nhập giúp người lao động biết được vì sao mình làm nhiều mà lương thấp hoặc ngược lại.

luong-1374740154_500x0

 Chia sẻ thông tin về mức lương với đồng nghiệp sẽ giúp người lao động biết được giá trị của mình trong công ty. Ảnh: Alamy

Rachel Sklar, sáng lập viên dự án việc làm cho nữ giới Change the Ratio cho rằng cách đơn giản nhất để người lao động biết mình có thể làm được bao nhiêu tiền là hỏi chính đồng nghiệp về lương của họ. Sklar chia sẻ, lời khuyên hữu dụng nhất mà cô từng nhận được khi đi làm là “biết giá trị bản thân mình, biết mình đáng gì và đâu là tiền mình làm ra”.

Chính vì thế Rachel khuyên mọi người đừng ngại mở lời hỏi chuyện tiền lương của người khác vì “tiền là chìa khóa cho sự chủ động về tài chính”. Biết được thu nhập của đồng nghiệp sẽ rất giá trị trong quá trình thương thảo về mức lương mỗi cá nhân nhận được khi làm việc. Các trang việc làm thường cung cấp khoản thù lao dao động, không có con số cụ thể cho từng vị trí ở mỗi công ty khác nhau.

Một chuyên gia cho rằng nếu một người biết được lương của những nhân viên khác trong công ty, họ sẽ có nhiều thông tin hơn khi đề xuất mức của mình, đồng thời mọi sự phân biệt đều được sáng tỏ.

Người ta thường giữ kín bí mật về thu nhập của mình vì cho rằng đây sẽ là đề tài nảy sinh ra sự ghen tỵ hoặc thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nhưng thực tế không hẳn tệ như vậy bởi đôi khi nhiều người đang làm cùng một công việc, thậm chí phải làm nhiều hơn mà lương lại thấp hơn. Biết được điều này cũng là một cơ hội để nhân viên tìm công việc khác giúp họ được trả tiền thỏa đáng hơn cho sức lao động của mình.

Brian Bader (20 tuổi), một cựu kỹ thuật viên của Apple chia sẻ với WSJ rằng anh bỏ việc sau khi nhận ra mình làm việc nhanh gấp đôi nhiều đồng nghiệp trong đội nhưng tiền lương thì chẳng hơn bao nhiêu. “Tôi thấy khó chịu về điều này. Tại sao tôi làm công việc có khối lượng gấp đôi mà chẳng thấy được trả tương xứng?”, Bader nói.

Một số công ty nhận ra mặt trái của việc che dấu nên bắt đầu cởi mở hơn trong việc thông báo thu nhập của nhân viên. Dane Atkinson, CEO của SumAll đã công khai lương của mọi người trong công ty và gọi việc giấu diếm này là “một trong những trò ác độc dễ làm nhất trong đời”.

“Bạn nói với một nhân viên rằng họ rất có giá trị và nhiều cơ hội, nhưng lại chẳng kể gì về sắp xếp trong công ty. Điều này có thể gây tổn thương cho một số người, rồi suốt quãng thời gian làm việc còn lại, họ phải giữ bí mật về điều này. Cuối cùng, nhân viên thấy bực tức vì có người làm được nhiều tiền hơn họ (cùng việc) mà chẳng có cách nào để chia sẻ”. Dane cho biết.

Namasté Solar là một ví dụ khác về công khai lương của nhân viên. Đồng sáng lập kiêm CEO Blake Jones cho biết quản lý thì phải giải thích được cho tất cả rằng vì sao cùng một công việc mà có người nhận được mức lương cao hơn người kia. “Thông thường lương là vấn đề khó nói, tế nhị. Lắm người tốn thời gian và sức lực chỉ để đoán xem anh A, chị B làm được bao nhiêu tiền thay vì tập trung làm việc”, Blake nói với BI.

Phương Linh

Nhập môn kế toán quản trị