Nợ xấu tăng, VAMC chính thức ra mắt

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 25/07/2013 - 4522 lượt xem.

Ngày 26/7, VAMC sẽ chính thức ra mắt trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng trở lại…

 

DC-53ac1

Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng trong những tháng gần đây (đơn vị:%) – Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Một tuần sau khi có quyết định bổ nhiệm nhân sự, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức ra mắt sáng ngày 26/7 tới.

Như vậy, sau khoảng một năm xây dựng đề án, hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp lý, tổ chức cơ cấu nhân sự, VAMC chính thức bắt đầu đi vào hoạt động, trễ so với mốc hẹn ngày 9/7/2013 theo Nghị định 53 của Chính phủ.

Ngày 16/7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các quyết định điều động và bổ nhiệm các nhân sự quản trị, điều hành công ty này.

Cụ thể, giao ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC; điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (Agribank) giữ chức Phó chủ tịch thường trực; điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước, giữ chức thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc.

Các phó tổng giám đốc cũng được tiếp nhận và bổ nhiệm từ lãnh đạo thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Khi đi vào hoạt động, theo quy định tại Nghị định 53, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Ngân hàng Nhà nước dự kiến công ty này sẽ xử lý được khoảng 80 – 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% – 40%.

Như vậy, sau khoảng một năm chuẩn bị với nhiều ý kiến tranh luận, VAMC bắt đầu vào cuộc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Điểm đáng chú ý là sau khi giảm khá mạnh vào cuối năm 2012, nợ xấu lại có xu hướng tăng trở lại những tháng đầu năm 2013.

Cụ thể, sau khi giảm từ mức 4,86% của tháng 11/2012 xuống 4,08% trong tháng 12/2012, tỷ lệ nợ xấu đã liên tục tăng qua các tháng đầu năm 2013. Con số cập nhật chính thức của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm gần nhất là đến tháng 4/2013 với 4,67%. Còn theo con số của lãnh đạo chức năng công bố đến cuối tháng 5/2013 là 4,65%.

Cũng lưu ý rằng, tỷ lệ nợ xấu nói trên được cập nhật và công bố dựa trên tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua có một con số khác, cao hơn nhiều (từ 8 – 10% tùy thời điểm công bố) là qua giám sát từ xa của Cơ quan Thanh tra giám sát – Ngân hàng Nhà nước.

Liên quan đến nợ xấu, cuối tháng 5/2013, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định thực hiện lùi thời điểm thực hiện Thông tư số 02 về phân loại tài sản có, mức trích và phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư này trước đó ấn định thời điểm hiệu lực là từ 1/6/2013. Có những mục đích khác nhau, trong đó việc giãn Thông tư 02 được xem là giảm áp lực gia tăng nợ xấu trong hệ thống.

Đồng thời, việc thực hiện Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ thời gian qua cũng đã có tác động lớn tới tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống. Một báo cáo đầu tháng 6/2013 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không có quyết định này thì các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm 14,4 nghìn tỷ đồng…

Nay, VAMC chính thức đi vào hoạt động. Nếu công ty này thực hiện được kế hoạch dự kiến là xử lý được 80 – 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu đúng tiến độ, thì áp lực ngừng Quyết định 780 và áp dụng Thông tư 02 sẽ giảm bớt đối với các tổ chức tín dụng trong tương lai.

 

MINH ĐỨC

Nguồn Vneconomy.vn

Nhập môn kế toán quản trị