Thuế TNDN sớm về mức 20%

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 10/04/2013 - 7136 lượt xem.

Tại Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 3-2013, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tính toán phương án tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về mức 20%.

DN31758444509Đây cũng là ý kiến được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới đây, khi thảo luận về sửa đổi Luật Thuế TNDN. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bài toán “được và mất” khi giảm thuế cần được tính toán kỹ.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN của Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông sẽ điều chỉnh giảm từ 25% xuống 23%, đồng thời điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 25% xuống còn 20% áp dụng đối với DN có quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).

Trước một số ý kiến đề nghị nên giảm về một mức 20%, đại diện Bộ Tài chính cho biết với mỗi phần trăm (%) thuế suất giảm xuống, ngân sách giảm 6.032 tỷ đồng. Như vậy, nếu đồng loạt hạ xuống 20%, ngân sách sẽ hụt đi trên 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh cân đối ngân sách đang ngày càng khó khăn.

Vị này nói cơ quan soạn thảo đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và đi đến thống nhất là cần thiết phải cho những DN có điều kiện khó khăn hơn cả, DN dễ bị tổn thương nhưng lo được nhiều việc làm cho xã hội “đi trước” hưởng thuế suất 20%. Số này chiếm khoảng gần 88% tổng số DN cả nước, quy mô nhỏ nhưng số lượng đông. Như vậy số DN được áp dụng thuế suất thấp hơn theo lộ trình chiếm khá cao.

Lo ngại giảm thuế sẽ hụt thu là điều dễ hiểu đối với cơ quan quản lý, điều hành ngân sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn DN phải ngừng hoạt động, quan điểm trên chưa hẳn đã đúng.

Tại phiên họp UBTVQH vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không cho rằng giảm thuế là “mất”. Ông đề nghị Chính phủ cần tính toán việc giảm thuế sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh như thế nào. Nếu giảm hẳn một bước 5% thuế, có thể năm đầu sẽ hụt thu, nhưng các năm tiếp theo do được hưởng thuế thấp DN sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng đầu tư, sản suất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm, tăng thêm nguồn thu trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách.

Lý giải vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng về mặt kinh tế, khi giảm thuế, lợi nhuận của DN để lại được nhiều hơn, lợi nhuận sau thuế chia cho người góp vốn nhiều hơn và tiền đó có thể vừa sử dụng cho tiêu dùng, vừa sử dụng để tái đầu tư.

Tuy nhiên, lợi ích tăng thêm do thuế TNDN được giảm mới chỉ là kỳ vọng, trong khi số tiền giảm thu ngân sách nhìn thấy ngay và chúng ta cần cân nhắc giữa lợi ích trong kỳ vọng và chi phí thực tế đã phát sinh.

Quan điểm trên không phải không có lý, nhưng vẫn nhuốm màu chủ quan của cơ quan điều hành thuế, bởi thực tế đã chứng minh lợi ích từ giảm thuế không chỉ là kỳ vọng. Báo cáo của chính Bộ Tài chính cho biết, khi giảm thuế suất phổ thông từ 28% xuống 25%, thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN vẫn tăng trưởng.

Giai đoạn 2009-2012 kinh tế khủng hoảng nhưng số thu thuế (không kể dầu thô) vẫn đạt mức bình quân 85.000 tỷ đồng/năm, mức tăng trưởng bình quân lên tới 21,85%/năm. Như vậy, nếu áp dụng chính sách “khoan sức dân”, dù thuế suất có giảm vài điểm phần trăm, ngân sách vẫn được lợi chứ không mất như tính toán của cơ quan soạn thảo.

Đây có lẽ cũng là vấn đề được Chính phủ nhìn nhận để đi đến quyết định giao cho Bộ Tài chính tính toán phương án giảm thuế TNDN xuống 20%. Tất nhiên, thời điểm áp dụng mức thuế thấp này còn phải bàn, nhưng rõ ràng DN và nền kinh tế không thể chờ đến năm 2020 để được hưởng mức thuế này như lộ trình mà Bộ Tài chính đề ra.

Hàm Yên (Hà Nội)
Theo  báo  SGĐT

Diễn đàn Webketoan