3 yếu tố ổn định giá trị tiền đồng

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 05/12/2012 - 7173 lượt xem.

Các chuyên gia cho rằng, kết quả của sự ổn định tiền đồng được hình thành trên ba trụ cột chính: cung-cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, kìm giữ lạm phát, kiểm soát các khoản vay và nợ bằng ngoại tệtrong ngân hàng.

Điều này càng khẳng định dù trong điều kiện thị trường có biến động, các yếu tố vĩ mô diễn biến phức tạp, tiền đồng vẫn vững vàng khi tâm lý thị trườngđã ổn định là điều không thể xem thường.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc nâng cao giá trị VND, kìm giữ được tỷ giá và lạm phát khiến tín dụng ngoại tệ “xì hơi”, là một thành công rất lớn của NHNN trong năm 2012.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD suốt từ 24/12/2011 cho đến nay. Tỷ giá giao dịch tại các NHTM cũng như trên thị trường tự do, có thời điểm cũng biến động, song với biên độ rất nhỏ và ngay lập tức lại duy trì thế ổn định. Đặc biệt, chênh lệch tỷ giá giữa 2 thị trường đã được thu hẹp. Trong khoảng 5 năm gần đây, chưa có năm nào chênh lệch giá USD giữa ngân hàng với thị trường tự do chỉ khoảng 50-60 đồng/USD kéo dài gần một năm qua.

Tỷ giá ổn định trong khi lãi suất tiết kiệm ngoại tệ thấp (1-2%/năm), còn lãi suất tiết kiệm tiền đồng trung bình trong năm qua từ 9-11%/năm đã kích thích người dân bán USD gửi tiết kiệm tiền đồng.

Có thể nói các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hợp lý của NHNN đã chặn đứng nạn găm giữ USD trên tài khoản của tổ chức kinh tế ngay từ những tháng đầu năm 2012, cơ chế mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp mở rộng hơn. Tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ của dân cư giảm nhanh, biểu hiện rõ nét là hết quý III/2012 tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ tại TP. Hồ Chí Minh giảm 14%, trong khi lượng tiền đồng của dân cư gửi tiết kiệm trong các ngân hàng tăng 28,4% so với cuối năm 2011.

Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, chênh lệch giá mua bán USD không lớn, kỳ vọng tỷ giá tăng không còn, cộng với lãi suất tiết kiệm VND hấp dẫn là nguyên nhân khiến người dân mạnh tay bán ngoại tệ cho ngân hàng. Bên cạnh đó cơ cấu cho vay vốn bằng ngoại tệ trong các ngân hàng đã có sự dịch chuyển tích cực, dư nợ cho vay ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2012 giảm 4,25%, trong khi cho vay tiền đồng của các ngân hàng trên địa bàn tăng 3,7% 

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là kết quả của hàng loạt các biện pháp như: trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp, giảm trạng thái ngoại hối và thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ. Ngoài ra, thị trường vàng đến giữa năm 2012 được quản lý chặt chẽ, vàng lậu không có đất sống, mặc dù có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên dưới 3 triệu đồng/lượng.

Sự ổn định của giá trị đồng nội tệ trong gần một năm qua có yếu tố từ việc kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Mặc dù từ đầu quý IV đến nay chỉ số giá tiêu dùng có dịch chuyển lên, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dự kiến lạm phát cả năm chỉ khoảng 8%. Một lãnh đạo NHNN ở TP. Hồ Chí Minh nói, để duy trì ổn định cho tiền đồng trước mắt cần đảm bảo chính sách tài chính công hiệu quả, cùng với đó là việc kiểm soát lạm phát, nhập siêu và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, nổi lên vấn đề hiệu quả luân chuyển vốn phải hướng vào phục vụsản xuất kinh doanh, hạn chế phát sinh nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của các định chế tài chính.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kết quả của sự ổn định tiền đồng được hình thành trên ba trụ cột chính: cung – cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, kìm giữ lạm phát, kiểm soát các khoản vay và nợ bằng ngoại tệ trong ngân hàng. Điều này càng khẳng định dù trong điều kiện thị trường có biến động, các yếu tố vĩ mô diễn biến phức tạp, tiền đồng vẫn vững vàng khi tâm lý thị trường đã ổn định là điều không thể xem thường.

Theo Thời báo ngân hàng

Diễn đàn Webketoan