Doanh nghiệp kiến nghị về nợ thuế

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 21/10/2013 - 5716 lượt xem.

Không đòi hỏi được xóa nợ, giãn nợ thuế, nhiều doanh nghiệp chỉ mong muốn được khoanh tiền lãi, giảm tiền phạt thuế để có thêm thời gian khôi phục sản xuất, tránh rơi vào đổ vỡ, phá sản.

det

Các doanh nghiệp cần được sự giúp đỡ thiết thực, mạnh mẽ hơn về chính sách thuế – Ảnh: Ngọc Thắng

“Chưa có thời điểm nào mà ngành thuế lại cưỡng chế, truy thu thuế quyết liệt như hiện nay”, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á, nói khi trao đổi với PV Thanh Niên. Nắm trong tay nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trên các lĩnh vực điện, vật liệu điện, xây dựng…, bà Loan thẳng thắn thừa nhận hiện tại hầu hết các DN đang rơi vào hoàn cảnh rất bết bát, hoạt động cầm chừng, không có lãi. Chính vì vậy chính sách hỗ trợ giãn thuế thu nhập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa. “DN làm không có lãi, chết rồi thì lấy đâu ra tiền nộp thuế mà thu. Cơ quan thuế cứ nay đòi cưỡng chế, phạt với lãi suất (LS) cao chỉ đẩy DN đang ngắc ngoải vào chỗ chết thôi”, bà Loan bức xúc.

Dù vậy, bà Loan “không phản đối việc cơ quan thuế cưỡng chế, truy thu đảm bảo cân đối ngân sách cho nhà nước”, mà cho rằng “cần phải có sự sàng lọc”. “DN nào có tiền mà chây ì không nộp, cố tình bỏ trốn thì chắc chắn phải xử mạnh tay. Còn DN làm ăn đàng hoàng vì khó khăn nhất thời thì phải tạo điều kiện để họ sống. Vì họ có sống được mới có tiền trả lương lao động, mới có tiền nộp ngân sách nhà nước”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc một công ty khai thác đá tại Ninh Bình, cũng ngậm ngùi chia sẻ trong suốt 2 năm qua dù nhu cầu làm đường, cầu cống vẫn rất lớn nhưng vì DN nợ tiền thuế, nợ ngân hàng nên có hợp đồng mà không thể vận hành máy móc để khai thác. “Chúng tôi chỉ khó khăn tạm thời, trong khi mỏ đá rất tiềm năng, quy mô lớn. Nếu được hoãn giãn thuế thì chắc chắn sẽ hồi phục, có tiền mua thêm máy xúc, máy đào để hoạt động. Nhưng vừa qua cơ quan thuế truy khiếp quá nên không làm ăn gì được”, ông Đạt buồn rầu nói.

Một doanh nhân có hai công ty kinh doanh bất động sản và tư vấn xây dựng tại TP.HCM cũng than hiện nay công ty tư vấn thì đang nợ thuế, công ty bất động sản kinh doanh đỡ hơn nhưng cũng khá bi đát. Ông này cho biết khó khăn nhất đối với các DN hiện nay là nợ thuế giá trị gia tăng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì gần như hoạt động không có doanh thu, lợi nhuận nên không nộp được thuế.

“Tiền phạt cao hơn tiền nợ thuế”

Nhiều DN kiến nghị cơ quan quản lý cần sớm có chính sách thiết thực hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho DN. Bà Phạm Thị Loan cho rằng kỳ họp Quốc hội 13 sắp khai mạc, Chính phủ nên trình giải pháp mạnh mẽ hơn, đặc biệt về xóa, khoanh, giãn tiền phạt, tiền LS nợ thuế. “Tiền lãi, tiền phạt thuế nếu có thể thì miễn cho DN, còn nếu không thì giảm ít nhất 50%, hoặc khoanh nợ, giãn ra. DN đã không có tiền để nộp thuế rồi còn bị phạt thật quá khổ”, bà Loan đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cũng cho rằng hiện LS phạt chậm nộp thuế quá hạn 0,05%/ngày, tính ra một tháng lên tới 18%/năm, cao gấp rưỡi LS vay ngân hàng thì không DN nào chịu nổi. “Quá 90 ngày còn bị tăng LS lên 0,07%/ngày là quá cao, tiền phạt cao hơn cả tiền nợ thuế”, ông Đực nói. Cũng theo ông Đực, để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp đỡ DN, ngành thuế nên cho các DN được nộp dần trong một thời gian nhất định kèm theo cam kết, chứ không phạt. “Nên sàng lọc đối tượng, chỉ giúp đỡ DN tốt, còn làm ăn hiệu quả; với DN chây ì, trốn tránh thì phải cưỡng chế, truy thu”, ông Đực đề nghị thêm.

ititity

Anh Vũ

Nguồn báo TN Online

Diễn đàn Webketoan