Ấn tượng đầu tiên

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 04/12/2012 - 11195 lượt xem.

Chuẩn bị phỏng vấn, hãy nhớ: Chỉ cần 30s là bạn có thể để lại ấn tượng với người khác. Các nghiên cứu cho thấy ấn tượng đầu tiên mà bạn tạo ra trong buổi phỏng vấn rất quan trọng. Nó giúp bạn lấy thiện cảm của người đối diện hay làm bạn mất điểm ngay ở phút tiếp theo.

Dưới đây là những cách giúp bạn làm chủ được tình huống và tạo ấn tượng tốt đẹp ngay từ những giây đầu tiên tiếp xúc:

Điều tiết được thời gian

Chẳng có gì tạo ấn tượng xấu hơn trong trong một buổi phỏng vấn là việc bạn đến muộn cả. Nên dành nhiều thời gian một chút đề phòng bạn còn phải tìm địa điểm phỏng vấn. Tuy nhiên đến sớm quá cũng không tốt hơn là mấy. Nếu bạn đến sớm hơn 15 phút và đứng chờ sẵn ở chỗ phỏng vấn thì điều này có thể khiến cho người phỏng vấn bạn cảm thấy vội vàng và bạn cũng sẽ bị tâm lý bồn chồn vì chờ đợi. Hãy nghe lời khuyên của chuyên gia: “Nếu bạn đến sớm thì hãy đến phòng đợi để tạo cảm giác thoải mái, hãy uống hoặc ăn nhẹ cái gì đó ở quầy cà phê gần đó”.

Lí tưởng nhất là đến sớm khoảng 5 đến 10 phút và luôn xử sự nhã nhặn và đúng mực với tất cả mọi người mà bạn gặp. Bạn sẽ không biết họ có những ảnh hưởng thế nào đến những quyết định tuyển dụng đâu.

Phong thái

Dù thích hay không thì người ta cũng luôn đánh giá qua vẻ bề ngoài, cho nên bạn nên xuất hiện trước buổi phỏng vấn với phong cách chuyên nghiệp là rất quan trọng.

Nhưng nếu bạn ăn mặc quá trang trọng thì bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt, không tự nhiên còn nếu ăn mặc tuềnh toàng quá thì người ta lại cho rằng bạn không thực sự nghiêm túc với công việc này.

Nên chọn thời trang công sở là phù hợp nhất, đừng quên giày dép và các phụ kiện đi kèm phải sạch sẽ và sáng bóng.

Đầu tóc cũng nên được quan tâm, ngoài ra bạn nên tắm rửa sạch sẽ, tốt nhất là tắm vào buổi sáng trước khi đi phỏng vấn. Cơ thể sạch sẽ thơm tho không chỉ khiến bạn dễ chịu, thoải mái mà còn tăng thêm sự tự tin cho bạn.

Bắt tay

 Cái bắt tay của bạn nói lên được nhiều điều. Nếu bạn bắt tay người ta quá nhẹ thì họ nghĩ bạn đang e ngại, thiếu tự tin. Bắt tay quá chặt thì nó bộc lộ bạn là người nhiệt tình thái quá và còn hơi bạo lực nữa và nó có thể gây đau đớn cho người khác. Hãy bắt tay với một độ vừa phải sao cho nó truyền tải được sự tự tin và nội lực của bạn.

Ngôn ngữ cơ thể

Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của những cử chỉ, hành động trong giao tiếp. Có nghiên cứu cho thấy 55% tín hiệu giao tiếp với nhau là thông qua những ngôn ngữ cơ thể.

Để chắc rằng mình gửi những tín hiệu đúng, hãy ngồi thẳng người, thẳng lưng và đừng bắt chéo chân hoặc ngồi quá thoải mái cho dù người phỏng vấn có làm thế đi chăng nữa.

Nếu bạn có lo lắng thì cũng đừng bồn chồn quá. Đừng nghịch ngợm với khuyên tai, xoắn tóc hay khoanh tay lại và cố nhìn vào mắt người đối diện.

Nếu nhìn chằm chằm vào người ta làm cho bạn ngại thì hãy nhìn vào sống mũi họ, như thế bạn vẫn vờ như đang nhìn thẳng vào họ mà vẫn không tỏ ra lơ đãng quá.

 

Theo Sức trẻ Việt Nam

 

Diễn đàn Webketoan