Bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì? Các phương thức bảo lãnh

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 08/11/2023 - 3920 lượt xem.

Bảo lãnh phát hành chứng khoán có vai trò cực kỳ quan trọng trong mỗi đợt phát hành. Đây là yếu tố giúp các công ty giảm thiểu rủi ro thua lỗ và tiết kiệm chi phí cho đợt phát hành một cách đáng kể. Cùng Webketoan tìm hiểu thêm về khái niệm, phương thức thực hiện và quy trình liên quan qua bài viết dưới đây!

Bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì?

Khoản 31 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc cam kết với tổ chức phát hành nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết hoặc cố gắng tối đa để phân phối số chứng khoán cần phát hành của tổ chức phát hành”.

Ta có thể hiểu đơn giản rằng, bảo lãnh phát hành chứng khoán (Securities issuance guarantee) là cam kết bao tiêu một phần hoặc toàn phần chứng khoán của tổ chức phát hành.

Bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì?

Tại sao phải bảo lãnh phát hành chứng khoán?

Đảm bảo cho việc phát hành thành công chính là mục tiêu lớn nhất của bảo lãnh phát hành chứng khoán, nhất là đối với những doanh nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường có khả năng đối mặt với rủi ro thất bại do định giá không phù hợp. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư thường dè dặt và mong muốn có mức giá chứng khoán thấp hơn thị trường để tăng khả năng sinh lời. Trong khi đó, các doanh nghiệp phát hành lại muốn định giá cao.

Ngoài ra, việc được bảo lãnh phát hành chứng khoán cũng phần nào chứng minh được uy tín của doanh nghiệp, từ đó tăng tỷ lệ thành công và thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư tiềm năng.

Các phương thức bảo lãnh phát hành chứng khoán

Bảo lãnh với cam kết chắc chắn

Bảo lãnh với cam kết chắc chắn (Firm commitment underwriting) là phương thức bảo lãnh mà tại đó, tổ chức bảo lãnh cam kết mua toàn bộ số chứng khoán sẽ được phát hành ra thị trường, dù có phân phối hết hay không.

Điều này giúp đảm bảo chắc chắn rằng bên phát hành có thể phân phối chứng khoán một cách thành công. Bên cạnh đó, tổ chức bảo lãnh sẽ được mua với giá chiết khấu nhằm hưởng chênh lệch với giá bán thị trường.

Bảo lãnh với cố gắng cao nhất

Bảo lãnh với cố gắng cao nhất (Best efforts underwriting) là phương thức bảo lãnh mà tại đó, tổ chức bảo lãnh sẽ đóng vai trò đại lý phân phối cho tổ chức phát hành và chỉ cam kết cố gắng hết sức để bán số chứng khoán được phát hành ra thị trường. Trong trường hợp số chứng khoán đó không thể phân phối hết thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện trao trả số chứng khoán còn lại cho tổ chức phát hành mà không chịu bất kỳ hình phạt nào.

Bảo lãnh theo phương thức tất cả hoặc không

Bảo lãnh tất cả hoặc không (All or Nothing) là phương thức bảo lãnh mà tại đó, tổ chức bảo lãnh sẽ được yêu cầu phải bán được một lượng chứng khoán nhất định. Nếu tổ chức bảo lãnh không thể phân phối được hết như đã thỏa thuận thì đợt phát hành sẽ bị hủy bỏ, toàn bộ số chứng khoán đã được bán ra sẽ bị thu hồi lại và hoàn tiền cho nhà đầu tư.

Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu – tối đa

Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu – tối đa là sự kết hợp của bảo lãnh với cố gắng cao nhất và bảo lãnh tất cả hoặc không. Đối với hình thức này, tổ chức bảo lãnh có thể tự do chào bán chứng khoán đến mức tối đa đã được quy định sẵn. Trong trường hợp số lượng chứng khoán bán ra thấp hơn so với mức quy định thì toàn bộ đợt phát hành sẽ bị hủy bỏ.

Bảo lãnh theo phương thức dự phòng

Bảo lãnh theo phương thức dự phòng (Standby Underwriting) được diễn ra khi công ty phát hành bổ sung cổ phiếu và cổ đông của công ty không lựa chọn mua thêm. Lúc này, công ty phát hành sẽ cần được bảo lãnh dự phòng về quyền mua không thực hiện cũng như chuyển nhượng ra thị trường. Trong đó, tổ chức bảo lãnh đóng vai trò là người mua cuối cùng hoặc chào bán hộ cổ phiếu.

Quy trình bảo lãnh phát hành chứng khoán

Quy trình bảo lãnh bao gồm 4 bước được diễn ra tuần tự như sau:

  • Bước 1: Phân tích và đánh giá khả năng phát hành

Công ty chứng khoán tiến hành phân tích và đánh giá khả năng phát hành, các nội dung được kiểm tra bao gồm: tình hình hoạt động của công ty; tình hình tài chính; thị trường trong nước và quốc tế; thị trường các sản phẩm chính; các khía cạnh pháp lý của việc phát hành.

  • Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng

Sau khi đánh giá khả năng phát hành của doanh nghiệp, công ty chứng khoán sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng theo Điều 18 Luật chứng khoán năm 2019 và hồ sơ xin phép phát hành; lựa chọn thành viên tổ hợp; định giá chứng khoán; nộp hồ sơ xin phép bảo lãnh…

  • Bước 3: Phân phối chứng khoán

Hoạt động phân phối chỉ diễn ra sau khi tổ chức phát hành đảm bảo người mua chứng khoán đã có thể tiếp cận được Bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng được công bố tại các địa điểm quy định Bản thông báo phát hành. Song song với đó, công ty chứng khoán phải đảm bảo việc phân phối chứng khoán công bằng, công khai và thời hạn đăng ký mua chứng khoán tối thiểu cho nhà đầu tư là 20 ngày.

  • Bước 4: Bình ổn và điều hòa thị trường

Tổ chức bảo lãnh sẽ thực hiện mua chứng khoán trên thị trường với mức giá như đã dự kiến nhằm ngăn chặn việc các nhà đầu tư mua với mức giá thấp hơn.

Bảo lãnh phát hành chứng khoán là hoạt động vô cùng quan trọng và đem lại nhiều lợi ích cho cả bên công ty phát hành cũng như tổ chức bảo lãnh. Ngoài giúp đảm bảo việc phát hành chứng khoán diễn ra thành công, đây còn là lợi thế đối với những công ty mới xuất hiện trên thị trường thông qua việc nâng cao uy tín để có thể đem lại nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Thông qua bài viết trên, Webketoan hy vọng có thể giải đáp thắc mắc cho bạn những thông tin liên quan về các khía cạnh và quy trình liên quan đến việc phát hành chứng khoán. Đừng quên theo dõi thêm nhiều tin tức tài chính khác tại Webketoan!

Tham khao: luatminhkhue.vn, thuvienphapluat.vn