Bộ Tài chính đề xuất nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 21/12/2012 - 5814 lượt xem.

Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ 21 vấn đề, trong đó nổi bật là gia hạn nộp thuế và giảm thuế TNDN; giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm tới cho một số đối tượng…

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2013, căn cứ tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013, bao gồm 21 vấn đề, cụ thể như sau:

1.Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho các đối tượng sau:

– Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng). Số thuế TNDN được gia hạn không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có thưởng, thu nhập từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội.

– Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở được gia hạn đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư – kinh doanh nhà ở, không phân biệt quy mô doanh nghiệp và số lao động sử dụng.

2. Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013đối với các doanh nghiệp sau đây đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

– Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng), không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có thưởng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội.

– Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, gạch, ngói (Chỉ gia hạn số thuế GTGT phải nộp đối với sản phẩm là nhà ở, sắt, thép, xi măng, gạch, ngói; trường hợp không hạch toán riêng được thì phân bổ theo tỷ trọng doanh thu).

3.Giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong nước không có khả năng sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo các cam kết lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều chỉnh tăng thuế lên mức trần cam kết đối với các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được và có sản lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước để khuyến khích sản xuất trong nước.

4.Áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ 01/7/2013(sớm hơn 06 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN)đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).

5.Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ 01/7/2013 (sớm hơn 06 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về nhà ở.

6. Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội.

7. Giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

8.Bổ sung ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN để thực hiện từ 01/7/2013 (sớm hơn 06 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN). Thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.

9. Tổng kết Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để bổ sung vào Luật Nhà ở hoặc Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12, theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

10.Hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp từ ngày 01/01/2012 đến hết ngày 14/11/2012 đối với túi nylon làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 của Chính phủ.

11.Không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: (i) Đối với ô tô đăng ký lần đầu: Mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; (ii) Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi: Mức thu không quá 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

12.Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010 (theo chính sách thu tiền thuê đất trước ngày Nghị định số 121/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành). Trường hợp tiền thuê đất sau khi được giảm vẫn lớn hơn 2 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì được giảm tiếp tiền thuê đất đến mức bằng 2 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010.

Sửa đổi quy định về thủ tục giảm tiền thuê đất theo hướng đơn giản trong triển khai thực hiện (nội dung sửa đổi này cũng được áp dụng cho các trường hợp đủ điều kiện giảm tiền thuê đất trong năm 2012 nhưng chưa được xử lý do vướng mắc về hồ sơ).

13.Cho phép các chủ đầu tư dự án đã được nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế.

Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian được gia hạn nộp tiền sử dụng đất cụ thể cho từng dự án sau khi báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

14. Cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp (kinh phí giải phóng mặt bằng, Quỹ đầu tư, Quỹ phát triển đô thị…) mua nhà ở làm quỹ nhà tái định cư, quỹ nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên… Trường hợp các đối tượng này thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì được trừ vào các khoản phải nộp ngân sách hoặc ngân sách thoái trả tiền sử dụng đất đã nộp.

15. Hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam (NHPTVN) và các Quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương, trong đó tập trung vào các giải pháp sau:

– Sử dụng 250 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để cấp bổ sung Quỹ dự phòng bảo lãnh tại NHPTVN. Thực hiện đánh giá lại khả năng quy mô bảo lãnh tín dụng của NHPTVN để xác định nhu cầu vốn cho phù hợp; đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ nguồn chi đầu tư phát triển trong một số năm tiếp theo để cấp vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng tại NHPTVN.

– Tăng cường nguồn lực tài chính cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương từ các nguồn: thu từ cổ phần hóa mà các địa phương chưa nộp về trung ương, ngân sách địa phương để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại địa phương.

– Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cam kết góp vốn vào Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại địa phương theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001.

– Kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường nắm bắt hoạt động bảo lãnh tín dụng trên địa bàn và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời để các cơ quan thực hiện đúng quy định của pháp luật.

16. Giao Ngân hàng phát triển Việt Nam cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; và thực hiện: i) Xem xét gia hạn thời gian cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ 12 năm lên tối đa 15 năm (tổng thời gian vay vốn tối đa 15 năm) đối với một số dự án kết cấu hạ tầng kinh tế có quy mô đầu tư lớn gặp khó khăn trong lĩnh vực sản xuất điện, cung cấp nước sạch, xi măng, thép, môi trường; ii) Xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản.

17.Ngân hàng phát triển Việt Nam bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng (gồm 5.000 tỷ đồng trong hạn mức huy động vốn của Ngân hàng phát triển Việt Nam năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 và phát hành thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngoài hạn mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2013) cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn ngoài số vốn 5.000 tỷ đồng hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 1589/TTg-KTTH ngày 03/10/2012. Mở rộng đối tượng cho vay là các công trình bê tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả đường liên xã, liên huyện).

18. Nghiên cứu xây dựng phương án phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Quản lý nợ công. Khuyến khích các địa phương có tiềm lực mạnh về tài chính xây dựng phương án và tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo đúng quy định tại Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công.

19. Ban hành Nghị định thay thế Nghị định 142/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ điều chỉnh cơ chế quản lý tài chính, xác định tỷ lệ hợp lý để lại phần lãi dầu khí nước chủ nhà và tiền đọc tài liệu cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí.

20. Sửa đổi Nghị định 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ về xử lý nợ tồn đọng đối với các DNNN theo hướng tăng cường trách nhiệm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý nợ, xử lý kịp thời nợ xấu đã phát sinh và ngăn chặn khả năng phát sinh nợ xấu mới; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thắt chặt quản lý đầu tư của doanh nghiệp.

21. Hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ tồn đọng và cổ phần hoá DNNN. Sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa để bổ sung năng lực cho DATC để chủ động tham gia quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và nợ đọng của các ngân hàng thương mại.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và xử lý nợ xấu; còn đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XIII, tháng 5/2013.

 

Theo TTVN/MOF

Nhập môn kế toán quản trị