Cấm xuất cảnh vì nợ thuế 11,5 triệu đồng?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 08/11/2013 - 11335 lượt xem.

Sáng 5-11, bà Phạm Thị Hoa Quốc Hương (P.6, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất cảnh sang Singapore. Nhưng tại quầy làm thủ tục, công an cửa khẩu thông báo bà Hương chưa được phép xuất cảnh với lý do còn nợ thuế, dù bà khẳng định không nợ.

Trong khi bà Hương bức xúc cho rằng cơ quan thuế làm ăn tắc trách, gây ảnh hưởng đến uy tín và công việc làm ăn của mình dù đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, thì cơ quan thuế vẫn khẳng định “đã làm đúng (!?)”.

Bỗng dưng…bị cấm xuất cảnh

Theo Cục Thuế TP.HCM, trong hai năm gần đây đã có 248 trường hợp bị tạm dừng xuất nhập cảnh vì lý do nợ thuế. Trong đó chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2013 đã có 170 trường hợp bị cấm xuất cảnh, với số tiền thuế còn nợ là 80 tỉ đồng.

Bà Hương kể sau khi bị mời vào trong lập biên bản chưa cho xuất cảnh, bà đã bị thu giữ hộ chiếu và yêu cầu quay lại làm việc với Chi cục Thuế Q.Phú Nhuận. “Gần như ngay lập tức tôi gọi điện thoại cho người nhà để mang chứng từ, hóa đơn đóng thuế lên sân bay nhưng cũng không kịp. Chuyến công tác của tôi bị chấm dứt vì lý do đâu đâu” – bà Hương bức xúc.

Theo bà Hương, tháng 9-2011 bà có mở một cửa hàng bán quần áo thời trang nhưng đến tháng 10-2012 đã đóng cửa không hoạt động. Đến ngày 29-1-2013, bà đến Kho bạc Nhà nước (Q.Phú Nhuận) đóng 10,058 triệu đồng tiền thuế trong thời gian kinh doanh và tiền phạt đóng thuế của tháng 9-2011, tiền thuế môn bài trong thời gian từ năm 2011-2012 là 1,5 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dũng, chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Phú Nhuận, khẳng định bà Hương tự ý ngưng kinh doanh và còn nợ thuế. Chi cục Thuế Phú Nhuận đã lập các bước thủ tục gửi về địa phương nơi cư trú nhưng bà Hương không chịu đến thanh toán, nên chi cục thuế phải làm theo đúng trình tự là yêu cầu Cục Xuất nhập cảnh tạm dừng xuất cảnh với lý do còn nợ thuế.

Theo bà Hương, khi bị cấm xuất cảnh bà đã yêu cầu cán bộ đồn công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cho xem chứng từ thì thấy số thuế mà Chi cục Thuế Phú Nhuận thông báo bà còn nợ là 11,558 triệu đồng, bằng đúng tổng số tiền bà đã đóng cho Kho bạc Nhà nước vào ngày 29-1.

Tại cơ quan thuế, sau khi kiểm tra lại, nhân viên Chi cục Thuế Phú Nhuận lại nói bà còn nợ thuế kỳ tháng 9-2012 với số tiền 528.000 đồng. “để hi vọng sang Singapore kịp buổi họp, tôi đã đóng 528.000 đồng này – bà Hương bức xúc – Nếu tôi nợ 528.000 đồng thì vì sao Chi cục Thuế Phú Nhuận lại thông tin cho Cục Xuất nhập cảnh là tôi nợ hơn 11 triệu đồng?”.

Bà Hương cho rằng thời điểm nhận được thông báo và đóng thuế gần nhất là tháng 1-2013, lý do nào cơ quan thuế lại để lọt khoản thuế của tháng 9-2012 chưa thông báo? Theo ông Dũng, ngay sau khi nhận được phản ảnh, chi cục thuế đã liên hệ với Cục Xuất nhập cảnh để chuyển lệnh giải tỏa nhưng Cục Xuất nhập cảnh nói chỉ giải quyết sau 24 giờ. “Đối với trường hợp này chi cục thuế làm đúng chứ không sai” – ông Dũng khẳng định và cho biết hồ sơ cơ quan thuế còn lưu giữ đủ.

Sai luật?

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho rằng họ chỉ đóng vai trò thực hiện việc đề nghị của cơ quan thuế theo luật định. Tuy nhiên các luật sư cho rằng việc tạm dừng xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nếu công ty còn nợ thuế là trái luật. Theo luật sư Trần Xoa – giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, quy định cơ quan thuế chỉ có quyền đề nghị dừng xuất cảnh với cá nhân còn nợ thuế, còn với trường hợp doanh nghiệp còn nợ thuế thì cơ quan thuế không có quyền dừng xuất cảnh với chủ doanh nghiệp.

Về tình, việc ra nước ngoài của doanh nghiệp là để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, tìm đường bán hàng nhằm có tiền để trả nợ thuế. Trong khi đó cơ quan thuế lại dừng xuất cảnh xem như chặn đường làm ăn của doanh nghiệp. “Xét về cả tình và lý, rõ ràng cơ quan thuế đã sử dụng quyền lực không đúng quy định” – luật sư Trần Xoa nói.

Trong khi đó cơ quan thuế lại cho rằng việc dừng xuất cảnh với chủ doanh nghiệp là đúng luật, căn cứ trên văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Cụ thể, theo văn bản 1850 ngày 18-5-2009 của Tổng cục Thuế quy định cơ quan thuế có quyền yêu cầu dừng xuất cảnh với cá nhân có dấu hiệu bỏ trốn khỏi VN mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

“Khi đề nghị tạm dừng xuất cảnh, cơ quan thuế đều làm theo đúng quy trình, và chỉ khi xác định rõ doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn (ba tháng không nộp tờ khai, xác minh địa điểm kinh doanh không còn hoạt động, phường xã xác nhận bằng văn bản và cơ quan thuế ra thông báo) thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm dừng xuất nhập cảnh” – một cán bộ ngành thuế nói.

Cũng theo vị này, tạm dừng xuất cảnh là biện pháp rất hiệu quả để thu những khoản khó đòi với những doanh nghiệp đã tẩu tán tài sản, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cơ quan thuế cũng làm rất thận trọng vì việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, chỉ trong trường hợp đã xác định đúng là doanh nghiệp đã bỏ trốn và cơ quan thuế không thể truy lùng được nữa thì mới dùng đến biện pháp cuối cùng này.

Cuối tháng 5-2012, Công ty CP Delta đã khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu tòa hủy công văn của Cục Thuế TP.HCM đề nghị dừng xuất cảnh đối với tổng giám đốc công ty. Trước đó ngày 7-9-2011, sau khi bác bỏ ưu đãi đầu tư mà Công ty CP Delta được hưởng và yêu cầu nộp thuế đất hơn 8,6 tỉ đồng, Cục Thuế TP.HCM ra văn bản về đề nghị dừng xuất cảnh đối với tổng giám đốc Công ty CP Delta.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử của TAND TP.HCM, hội đồng xét xử nhận định người có nợ thuế mà xuất cảnh để định cư ở nước ngoài hoặc có dấu hiệu bỏ trốn mới là đối tượng để dừng việc xuất cảnh. Mặt khác, việc nợ thuế nếu có là nợ của Công ty Delta chứ không phải là nợ của cá nhân chủ công ty. Do đó nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ của công ty, không phải là nghĩa vụ cá nhân. Việc Cục Thuế ban hành văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền dừng việc xuất cảnh với chủ công ty là không đúng pháp luật. Tòa tuyên hủy công văn của Cục Thuế.

 

LÊ NAM – ÁNH HỒNG

Nguồn báo tuoitre.vn