Cấu trúc vốn là gì? Thành phần và các nhân tố ảnh hưởng

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Monday 12/06/2023 - 3054 lượt xem.

Cấu trúc vốn là một yếu tố giúp doanh nghiệp xác định tình trạng tài chính hiện tại, hồ sơ rủi ro nhằm đánh giá khả năng tương thích với các chiến lược mua lại hoặc đầu tư cụ thể. Cùng Webketoan tìm hiểu thêm về thuật ngữ cấu trúc vốn, thành phần cấu tạo cũng như các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp qua bài viết dưới đây!

Cấu trúc vốn là gì?

Theo học thuyết Modigliani và Miller (1958), hay còn có tên gọi tắt là học thuyết MM, sự lựa chọn giữa nợ và vốn chủ sở hữu không liên quan đến giá trị công ty.

Lý thuyết này dựa trên các giả định:

  • Thị trường là thị trường cạnh tranh hoàn hảo: Không có chi phí giao dịch, thuế và chi phí phá sản
  • Các nhà đầu tư có kì vọng đồng nhất: Các nhà đầu tư có cùng một kì vọng với dòng tiền tạo ra bởi doanh nghiệp
  • Không có rủi ro khi vay và cho vay
  • Không có chi phí đại diện (agency cost): Không có xung đột lợi ích giữa ban giám đốc và cổ đông
  • Các quyết định đầu tư và quyết định huy động vốn là độc lập: Thu nhập hoạt động không phụ thuộc vào nguồn hình thành tài sản của công ty

Trong lý thuyết này, giá trị của công ty không phụ thuộc vào cấu trúc công ty do giả định thị trường cạnh tranh hoàn hảo, không có rủi ro khi vay và cho vay và các quyết định đầu tư và quyết định huy động vốn là độc lập, các nhà đầu tư có thể thay đổi cấu trúc vốn bằng cách vay hoặc cho vay trên chính tài khoản của họ mà không tốn chi phí.

Giả sử cấu trúc vốn của công ty đang là 50% nợ và 50% vốn chủ sở hữu, tuy nhiên các nhà đầu tư muốn thay đổi cấu trúc vốn thành 70% nợ và 30% vốn chủ sở hữu. Lúc này, các nhà đầu tư có thể vay tiền để mua lại cổ phiếu của họ đến khi cấu trúc vốn của công ty trở nên như nhà đầu tư mong muốn mà không tốn chi phí.

 

Cấu trúc vốn là gì?

Thành phần của cấu trúc vốn

Nguồn vốn vay

Đây là vốn vay dưới hình thức khoản vay hoặc trái phiếu. Ưu điểm của hình thức vốn này là cổ phần quyền sở hữu vẫn thuộc về doanh nghiệp, tuy nhiên sẽ đi kèm với chi phí trả nợ cũng như lãi phát sinh trong tương lai. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn xem đây như một lựa chọn đáng cân nhắc vì khoản có sẵn rộng rãi, dễ mua và không cần từ bỏ quyền sở hữu.

Hình thức vốn này bao gồm bốn loại:

  • Khoản cho vay hoặc thẻ tín dụng: Doanh nghiệp mới thường bắt đầu với khoản vay gia đình, khoản vay tài chính từ ngân hàng/tổ chức tài chính hoặc đưa các chi phí phát sinh vào thẻ tín dụng.
  • Trái phiếu dài hạn: Đây được coi là loại nợ an toàn nhất vì công ty sẽ có nhiều năm để trả nợ gốc và chỉ cần thanh toán lãi suất hàng tháng.
  • Thương phiếu ngắn hạn: Giúp doanh nghiệp thỏa mãn những yêu cầu về vốn lưu động hàng ngày như hóa đơn điện nước, thuê mặt bằng, bảng lương,…
  • Tài trợ của nhà cung cấp: Một doanh nghiệp có thể tiến hành bán sản phẩm trước thời hạn thanh toán hóa đơn cho nhà cung cấp. Việc này sẽ giúp tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hiệu quả trong khi doanh nghiệp không phải trả khoản chi phí nào.

Nguồn vốn chủ sở hữu

Đây là cổ phần sở hữu của một công ty, có khả năng trao đổi để lấy vốn. Lợi thế khác biệt của nguồn vốn chủ sở hữu so với nguồn vốn vay là không đi kèm với kỳ vọng hoàn trả. Vì vậy, vốn cổ phần có thể xem như là tài sản dự phòng trong vòng đời doanh nghiệp hoặc khi hoạt động kinh doanh đình trệ hoặc doanh thu thấp. Bất lợi của hình thức vốn này là doanh nghiệp phải từ bỏ một phần quyền sở hữu.

Hình thức vốn chủ sở hữu bao gồm hai loại: Góp vốn và thu nhập giữ lại.

  • Góp vốn: Hình thức vốn này là khoản tiền đầu tư từ các cổ đông/nhà đầu tư thiên thần/nhà đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp để đổi lấy quyền sở hữu hoặc cổ phần. Nguồn vốn đến từ nhà đầu tư thiên thần và nhà đầu tư mạo hiểm càng ngày càng hiếm và khó tiếp cận khi buộc chủ sở hữu doanh nghiệp từ bỏ một phần quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp mới được nhà đầu tư thiên thần tài trợ ít hơn 3%. Đối với nhà đầu tư thiên thần, con số này thậm chí còn ít hơn 1%.
  • Thu nhập giữ lại: Hình thức vốn này là khoản lợi nhuận của các năm trước được doanh nghiệp giữ lại và sử dụng nhằm củng cố bảng cân đối kế toán. Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn có thể tài trợ cho các hoạt động tăng trưởng, mở rộng hoặc mua lại.

Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn

  • Quy mô kinh doanh: Quy mô và quy mô của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp với quy mô nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những khoản cho vay dài hạn vì mối lo ngại liên quan đến khả năng trả nợ, lãi suất cao và điều kiện trả nợ nghiêm ngặt. 
  • Doanh thu: Việc trả nợ định kỳ với mức lãi suất cố định sẽ phù hợp với doanh nghiệp có triển vọng thu nhập cao và tương đối ổn định. Ngược lại, doanh nghiệp có doanh thu biến động cao vì phụ thuộc vào doanh số bán hàng sẽ có xu hướng sử dụng cổ phiếu vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Giai đoạn của chu kỳ sống: Doanh nghiệp nằm ở giai đoạn đầu của chu kỳ sẽ có khả năng thất bại cao hơn các doanh nghiệp đã đã ở trạng thái ổn định. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần sử dụng tỷ lệ vốn cổ phần thường đáng kể hơn để tài trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì đi kèm với lãi suất cố định nên hình thức vay nợ không được khuyến khích ở giai đoạn này.
  • Cạnh tranh: Thu nhập của doanh nghiệp có nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ có xu hướng dao động hơn doanh nghiệp ít cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp nên có nhiều cổ phần hơn trong cơ cấu vốn.
  • Mức độ tín nhiệm: Doanh nghiệp có điểm uy tín thấp trong việc hoàn trả các khoản vay nợ đúng hạn sẽ có thể đối mặt với những điều khoản nghiêm ngặt và lãi suất cao hơn những doanh nghiệp có vị thế tín dụng tốt trên thị trường. Đây chính là một trong nhưng yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nguồn vốn vay của doanh nghiệp.
  • Kiểm soát: Ban quản lý không được huy động vốn thông qua cổ phần để tránh sự can thiệp từ bên ngoài vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, cổ đông sở hữu có quyền bổ nhiệm giám đốc cũng như làm loãng cổ phần của chủ sở hữu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức vay nợ để huy động vốn. Trong trường hợp doanh nghiệp thanh toán các khảon vay và lãi đúng hạn, chủ nợ sẽ không có quyền can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không tiến hành thanh toán khoản tín dụng, chủ nợ có thể loại bỏ ban quản lý hiện tại để nắm quyền điều hành.
  • Tình trạng thị trường vốn: Nhà đầu tư và chủ nợ có xu hướng tiến hành xác định liệu doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu hay nợ hơn để tài trợ cho hoạt động của họ. Trong thực tế, sẽ xuất hiện trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu phổ thông nhưng không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tài trợ tiền cho những hoạt động có tính rủi ro cao của doanh nghiệp. Điều này bắt buộc ban quản lý phải huy động vốn từ những nguồn khác, ví dụ như thị trường nợ.
  • Chi phí vốn: Chi phí huy động vốn chịu ảnh hưởng bởi tỷ suất lợi nhuận mà các nhà cung cấp kỳ vọng. Tỷ suất này phụ thuộc vào rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Vậy nên, cổ đông phổ thông sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn khi không nhận được tỷ lệ cổ tức cố định và chỉ được hưởng lợi sau khi cổ đông ưu đãi nhận được cổ tức. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp phải trả lãi cho các khoản nợ trong mọi trường hợp cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu và giấy nợ.
  • Chính sách thuế: Các chính sách về thuế của chính phủ đối với vốn cổ phần và công cụ nợ cũng có vai trò quan trọng trong cấu trúc vốn. Nếu chính phủ tăng mức thuế dành cho lợi nhuận đầu tư thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư có thể chuyển ra khỏi cổ phiếu. Tương tự, nếu các công cụ dài hạn khác và lãi suất trái phiếu bị ảnh hưởng bởi những quyết định của chính phủ thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp.

Qua bài viết trên, Webketoan đã cung cấp đến bạn những thông tin quan trọng về cấu trúc vốn. Đây là thuật ngữ mà nhà đầu tư cũng như chủ doanh nghiệp cần lưu ý vì đề cập đến việc doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu và khoản vay nợ để làm phương tiện tài trợ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất và mua tài sản.

Nguồn tham khảo: www.investopedia.com, corporatefinanceinstitute.com

Diễn đàn Webketoan