Chi phí và cách phân loại chi phí trong kế toán quản trị

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 19/04/2023 - 3387 lượt xem.

Đối với những nhà quản trị thì việc quản lý chi phí phát sinh trong doanh nghiệp sao cho có hiệu quả luôn là mối quan tâm hàng đầu bởi vì lợi nhuận thu được nhiều hay ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của những chi phí đã chi ra. Do đó, vấn đề được đặt ra là làm sao để có thể hoạch định và kiểm soát được tốt các khoản chi phí. Nhận diện, phân tích các hoạt động làm phát sinh ra chi phí là điểm mấu chốt để nhà quản trị có thể quản lý tốt chi phí. Từ đó có những quyết định đúng đắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hãy cùng Webketoan tìm hiểu về các cách phân loại chi phí trong doanh nghiệp.

Học kế toán quản trị cùng Webketoan.edu: tại đây

1. Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động

Để trợ giúp các nhà quản lý trong việc vạch kế hoạch và kiểm soát chi phí, người ta có thể phân loại chi phí theo chức năng hoạt động của tổ chức. Theo đó, chi phí có thể được phân loại thành:

Chi phí sản xuất (manafacturing costs) và chi phí ngoài sản xuất (non-manufacturing costs).

các loại chi phí trong kế toán

Chi phí sản xuất: Chi phí sản xuất được phân loại thành ba khoản mục chi phí:

  • Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (direct material costs): Là những chi phí nguyên vật liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất để cấu tạo thành thực thể của sản phẩm. Chi phí này có thể tính trực tiếp cho từng loại sản phẩm
  • Chi phí nhân công trực tiếp (direct labor costs): Nhân công trực tiếp là những người trực tiếp sản xuất sản phẩm, lao động của họ gắn liền với việc sản xuất sản phẩm, sức lao động của họ hao phí trực tiếp cho sản phẩm được sản xuất
  • Chi phí sản xuất chung (manufacturing overhead costs): Các chi phí này bao gồm các chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng kế toán tập hợp chi phí khác nhau nên không thể quy nạp trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí được. Chi phí sản xuất chung bao gồm chi phí nguyên liệu gián tiếp, chi phí lao động gián tiếp, chi phí khấu hao tài sản cố định, các chi phí tiện ích như điện, nước, và các chi phí sản xuất khác.

Chi phí ngoài sản xuất: Khi tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí ở ngoài khâu sản xuất. Các chi phí này gọi là chi phí ngoài sản xuất, bao gồm: Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

  • Chi phí bán hàng: Chi phí bán hàng là những chi phí phát sinh liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, bao gồm toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện và đẩy mạnh quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa và đảm bảo việc đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
  • Chi phí quản lý: Chi phí quản lý doanh nghiệp là những chi phí phát sinh liên quan đến việc tổ chức, quản lý hành chính và các chi phí liên quan đến các hoạt động văn phòng của doanh nghiệp mà không thể xếp vào loại chi phí sản xuất hay chi phí bán hàng.

2. Phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí

Xem bài viết chi tiết: Tại đây!

Dựa vào cách ứng xử của chi phí theo sự biến đổi của mức độ hoạt động, chi phí của tổ chức được phân loại thành:

  • Chi phí cố định (fixed costs): Chi phí cố định là chi phí không thay đổi theo sự thay đổi của mức hoạt động trong phạm vi nhất định.
  • Chi phí biến đổi (variable costs): Chi phí biến đổi là chi phí thay đổi trên tổng số theo sự thay đổi của mức hoạt động của tổ chức (ví dụ như sản lượng, số giờ lao động, số giờ máy…).
  • Chi phí hỗn hợp (mixed cost): Chí phí hỗn hợp là loại chi phí vừa mang yếu tố của chi phí biến đổi, vừa mang yếu tố của chi phí cố định.

3. Phân loại chi phí theo đối tượng chi phí

Theo phương pháp tập hợp chi phí cho một đối tượng chịu chi phí, các chi phí được phân loại thành:

  • Chi phí trực tiếp (direct costs): Chi phí trực tiếp đối với một đối tượng chịu chi phí là loại chi phí liên quan trực tiếp đến đối tượng chịu chi phí và có thể tính trực tiếp cho đối tượng đó một cách hiệu quả/ít tốn kém (cost-effective).
  • Chi phí gián tiếp (indirect costs): Chi phí gián tiếp đối với một đối tượng chịu chi phí là loại chi phí liên quan đến đối tượng chịu chi phí, nhưng không thể tính trực tiếp cho đối tượng chịu chi phí đó một cách hiệu quả.

4. Các cách phân loại khác

  • Chi phí kiểm soát được và chi phí không kiểm soát được

Nếu một nhà quản lý có thể kiểm soát hoặc quyết định về một loại chi phí, thì chi phí ấy được gọi là chi phí kiểm soát được bởi nhà quản lý đó. Ngược lại, chi phí mà nhà quản lý không có khả năng kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng lớn lên nó thì được phân loại là chi phí không kiểm soát được đối với nhà quản lý đó.

  • Chi phí chênh lệch (differential costs)

Có những khoản chi phí hiện diện trong phương án này nhưng lại không hiện diện hoặc chỉ hiện diện một phần trong phương án khác. Những chi phí này được gọi là chi phí chênh lệch (differential costs). Chi phí chênh lệch có hai loại là: Chi phí chênh lệch tăng (incremental costs), trường hợp chi phí trong phương án này lớn chi phí trong phương án kia; và chi phí chênh lệch giảm (decremental costs), trong trường hợp chi phí trong phương án này bé hơn chi phí trong phương án kia.

  • Chi phí cơ hội (opportunity costs)

Chi phí cơ hội được định nghĩa là lợi ích (lợi nhuận) tiềm tàng bị mất đi khi chọn một phương án này thay vì chọn phương án khác.

  • Chi phí chìm

Chi phí chìm là những chi phí đã phát sinh do quyết định trong quá khứ. Doanh nghiệp phải chịu chi phí này cho dù bất kỳ phương án nào được chọn. Vì vậy, trong việc lựa chọn các phương án khác nhau, chi phí này không được đưa vào xem xét, nó không thích hợp cho việc ra quyết định.

Kết lại, chi phí được phân loại như thế nào còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề của từng nhà quản trị. Dù đứng ở góc độ nào để nhìn nhận chi phí thì mục tiêu cuối cùng của việc phân loại cũng là để quản lý, kiểm soát chi phí một cách hữu hiệu và hiệu quả nhất. Từ đó, nhà quản trị có thể sử dụng những thông tin chi phí có được cho các quyết định của mình.

Hi vọng bài viết này của Webketoan sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về các cách phân loại chi phí, từ đó hiểu được việc phân loại chi phí theo các tiêu thức khác nhau phù hợp với từng mục đích sử dụng và có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh!!!

Nguồn tham khảo: Giáo trình Kế toán quản trị – Đại học UEH

                                    Sách Managerial Accounting – Tác giả Garrison, Noreen, Brewer

 

Diễn đàn Webketoan