CV 8355/BTC-TCT, 8356/BTC-TCHQ hướng dẫn triển khai một số quy định về thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 05/07/2013 - 37618 lượt xem.

Ngày 28/06/2013, Bộ Tài Chính ra Công văn số 8355/BTC-TCT về việc triển khai một số quy định có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế  và Công văn số 8356/BTC-TCHQ  hướng dẫn tạm thời của Bộ Tài chính về thời hạn nộp thuế, về xác định trước mã số, trị giá hàng xuất nhập khẩu theo Luật Quản lý thuế sửa đổi .

Theo đó, về khai thuế GTGT theo quý như sau:

Khai thuế GTGT theo quý áp dụng với người nộp thuế GTGT có tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề dưới 20 tỷ đồng.

+ Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động SXKD, việc khai thuế GTGT được thực hiện theo tháng. Sau khi SXKD đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm trước liền kề để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý.

+ Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo tháng hay kê khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế đủ điều kiện khai thuế GTGT theo quý thì không phải kê khai thuế GTGT tháng 7/2013 mà thực hiện kê khai quý III/2013 (thuế GTGT phải nộp ngân sách tháng 7, tháng 8, tháng 9/2013) chậm nhất là ngày 30/10/2013. Trường hợp không đủ điều kiện khai theo quý thì thực hiện khai thuế GTGT tháng 7/2013 chậm nhất là ngày 20/8/2013 theo quy định hiện hành.

Thời kỳ khai thuế theo quý:

Việc thực hiện khai thuế theo quý hay theo tháng được ổn định trọn năm dương lịch và ổn định theo chu kỳ 3 năm. Riêng chu kỳ ổn định đầu tiên được xác định kể từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 31/12/2016. 

Cách xác định doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ năm trước liền kề làm điều kiện xác định đối tượng khai thuế GTGT theo quý:

+  Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là Tổng doanh thu trên các Tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch (bao gồm cả doanh thu chịu thuế GTGT và doanh thu không chịu thuế GTGT).

 + Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tại trụ sở chính cho đơn vị trực thuộc thì doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị trực thuộc.

Tính tiền chậm nộp đối với việc chậm nộp tiền thuế

Xác định tiền chậm nộp tiền thuế:

Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức tiền chậm nộp theo mức quy định tại Khoản 32, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế

Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết, cụ thể như sau:

Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh sau ngày 01/07/2013:

♣ 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thứ chín mươi (90).
♣ 0,07% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày chậm nộp thứ chín mươi mốt (91) trở đi.

Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/07/2013 nhưng sau ngày 01/07/2013 vẫn chưa nộp thì tiền chậm nộp được tính như sau: trước ngày 01/07/2013 thực hiện theo Luật Quản lý thuế; từ ngày 01/07/2013 trở đi thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế.

Các nội dung liên quan đến quản lý thuế TNCN, hộ khoán, cá nhân cho thuê tài sản.

* Về việc xác định khai thuế TNCN theo tháng hoặc theo quý

– Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã hoạt động từ trước 1/7/2013 đã xác định hình thức khai thuế TNCN theo quý hoặc theo tháng cho cả năm 2013 thì từ tháng 7/2013 điều chỉnh lại theo thực tế phát sinh. 

– Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thành lập và hoạt động từ 01/7/2013 thực hiện xác định hình thức khai thuế theo tháng hoặc quý theo nguyên tắc nêu trên để áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2013.

Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã hoạt động trước 1/7/2013 và được cơ quan thuế xác định số thuế khoán phải nộp của năm 2013 thì không điều chỉnh lại tỷ lệ thu nhập chịu thuế TNCN.

– Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số từ 1/7/2013 phải khai thuế GTGT, thuế TNCN theo từng lần phát sinh trên hóa đơn và nộp thuế GTGT, thuế TNCN trước khi nhận hóa đơn.

Đối với cá nhân cho thuê tài sản: Cá nhân có thu nhập từ cho thuê tài sản được lựa chọn một trong hai hình thức khai thuế theo quý hoặc khai thuế theo từng lần phát sinh không phân biệt hợp đồng đã ký từ trước 1/7/2013, không phân biệt kỳ thanh toán trên hợp đồng.

* Về việc cấp MST cho người phụ thuộc

– Đối với người phụ thuộc phát sinh từ 1/7/2013 và người nộp thuế phải khai đầy đủ thông tin theo mẫu 16/ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư thay thế Thông tư số 28/2011/TT-BTC. Trên cơ sở thông tin trên mẫu 16/ĐK-TNCN cơ quan thuế thực hiện cấp MST cho người phụ thuộc và thông báo cho người nộp thuế biết.

– Đối với người phụ thuộc đã phát sinh trước 1/7/2013 thì tạm thời được tiếp tục tính giảm trừ gia cảnh. Cơ quan thuế sẽ cấp MST cho đối tượng này vào thời điểm quyết toán năm 2013.

Công văn 8356 hướng dẫn tạm thời của Bộ Tài chính về thời hạn nộp thuế, về xác định trước mã số, trị giá hàng xuất nhập khẩu theo Luật Quản lý thuế sửa đổi .

Theo đó:

Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, trong đó điều kiện để áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu đó là:

♦ Người nộp thuế phải có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (trên cơ sở cam kết của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết)

♦ Người nộp thuế có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất 02 năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và trong 02 năm đó được cơ quan hải quan xác định là:

+ Không bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

+ Không bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế;

♦ Người nộp thuế không nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai;

♦ Người nộp thuế không bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán trong 02 năm liên tục tính từ ngày đăng ký tờ khai hải quan trở về trước;

♦ Nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Các trường hợp thanh toán được coi như thanh toán qua ngân hàng xử lý tương tự như quy định tại khoản 4 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 194/2010/TT-BTC.

♦ Trường hợp không trực tiếp nhập khẩu, người ủy thác phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên và có hợp đồng ủy thác nhập khẩu;.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất bao gồm cả trường hợp gửi kho ngoại quan để tạm nhập – tái xuất phải tạm nộp các loại thuế liên quan (như hàng hóa nhập khẩu kinh doanh) vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc; Khi tái xuất sẽ được hoàn trả.

Thời hạn nộp thuế đối với một số trường hợp đặc thù, trừ trường hợp được nộp dồn tiền thuế nợ quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế:

♦  Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan một lần để xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần thì thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định và áp dụng đối với từng lần thực tế xuất khẩu, nhập khẩu;

♦  Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn trong sự giám sát của cơ quan hải quan, nhưng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạm giữ để điềutra, chờ xử lý thì thời hạn nộp thuế đối với từng trường hợp thực hiện theo quy định nhưng được tính từ ngày cơ quan nhà nước có thẩmquyền có văn bản cho phép giải tỏa hàng hóa đã tạm giữ;

♦ Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu trước ngày 01/07/2013 để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập – tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện kê khai nộp thuế trước khi được chuyển tiêu thụ nội địa.

Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sau ngày 01/07/2013 để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng tái xuất nguyên liệu, vật tư thì tính lại thờihạn nộp thuế, tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng.

Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sau ngày 01/07/2013 để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng xuất khẩu sản phẩm ngoài thời hạn nộp thuế; nhập khẩu theo loại hình kinh doanh tạm nhập – tái xuất nhưng tái xuất ngoài thời hạn nộp thuế thì phải trả tiền chậm nộp kể từ ngày quá thời hạn nộp thuế đến ngày thực xuất khẩu sản phẩm/tái xuất hoặc đến ngày thực nộp thuế (nếu ngày thực nộp thuế trước ngày thực xuất khẩu sản phẩm/tái xuất).

♦ Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng đã được thông quan nếu kiểm tra, xác định hàng hóa không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, thì phải trả tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định (nếu có);

Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo thuộc đối tượng được xét miễn thuế, trong thời gian chờ xét miễn thuế, người nộp thuế phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về số tiền thuế phải nộp. Trường hợp kiểm tra, xác định hàng hóa không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, thì phải tính lại thời hạn nộp thuế và phải trả tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định (nếu có).

♦  Trường hợp khai báo nộp bổ sung tiền thuế thiếu, tiền thuế do cơ quan hải quan ấn định thì thời hạn nộp thuế được tính từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng.

Ngoài ra, công văn còn hướng dẫn, hồ sơ về thủ tục xác định trước mã số hàng hóa xuất, nhập khẩu ; trường hợp, điều kiện, hồ sơ xác định trước trị giá hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Xem toàn bộ văn bản và download về tại thư viện Webketoan.

 

 

Diễn đàn Webketoan