Điều gì ảnh hưởng đến những quyết định tài chính của chúng ta?

Đăng bởi: Hân Trần - Friday 24/02/2023 - 687 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ II: QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN – QUYẾT ĐỊNH TÀI CHÍNH

BÀI 1 – ĐIỀU GÌ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TÀI CHÍNH CỦA CHÚNG TA?

Bạn có chi tiêu và tiết kiệm tiền như cách mọi người đang thực hiện ? Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một số người chi tiêu mạnh tay và những người khác có xu hướng cực kỳ tiết kiệm? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của chúng ta và làm cách nào mà chúng trở thành một phần của việc quản lý tài chính của chúng ta trong tương lai? Một khi nhu cầu cơ bản về ăn ở của chúng ta đã được đáp ứng, thì chúng ta cần đưa ra các quyết định tài chính khác. Điều gì thực sự ảnh hưởng đến việc chúng ta đưa ra những quyết định đó?

Nếu bạn được tặng một khoản tiền, bạn sẽ làm gì với nó? Câu trả lời phụ thuộc vào các giá trị của bạn và vào những điều quan trọng đối với bạn, những điều bạn muốn ưu tiên. Những giá trị hàng đầu của bạn sẽ là gì? Nếu an toàn là giá trị hàng đầu của bạn, thì bạn có thể có xu hướng tiết kiệm nó cho một số nhu cầu trong tương lai. Nhưng nếu tình bạn là một giá trị hàng đầu đối với bạn, thì có lẽ bạn muốn dành nó cho một số hoạt động mà bạn có thể làm với bạn bè của mình, có thể thực hiện một chuyến đi hoặc làm một cái gì đó khác đó là đặc biệt. Các giá trị rất cá nhân và thực sự không có đúng hay sai. Tất nhiên, có nhiều giá trị khác nữa. Việc xác định rõ các giá trị của bạn và điều gì quan trọng đối với bạn rất hữu ích, là bước đầu tiên trong việc lập kế hoạch tài chính. Khi bạn hiểu điều gì là quan trọng đối với bạn và những gì bạn coi trọng, thì bạn có thể chắc chắn rằng cách bạn sử dụng tiền đang giúp bạn hướng tới những điều quan trọng và hỗ trợ các giá trị mà bạn đang theo đuổi.

Vậy làm thế nào để chúng ta đạt được những giá trị này? Làm thế nào để chúng trở thành một phần của chúng ta? Những giá trị của chúng ta phát triển theo thời gian. Có lẽ chúng bắt đầu từ gia đình, khi chúng ta lớn lên, nhưng sau đó chúng có thể thay đổi khi chúng ta học hỏi nhiều điều mới mẻ, gặp gỡ những người mới, chúng ta kết bạn mới, bạn bè của chúng ta cũng có ảnh hưởng đến giá trị của chúng ta. Những thứ xung quanh chúng ta, như môi trường sống, xã hội bên ngoài, tôn giáo, và các phương tiện truyền thông nữa, xây dựng nên và phát huy tác dụng với các giá trị của chúng ta và ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của chúng ta.

Khi chúng ta trưởng thành và có nhiều trải nghiệm hơn trong việc chi tiêu, tiết kiệm và xử lý tiền bạc, chúng ta sẽ phát triển thói quen và thái độ về tài chính và những giá trị này ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. Đôi khi những thói quen và thái độ này tốt, chúng giúp chúng ta đạt được mục tiêu của bản thân, có lúc chúng lại kìm hãm chúng ta. Vì vậy, nếu nhận thức đúng về những thói quen và thái độ về tài chính, suy nghĩ về chúng ở cấp độ có ý thức chứ không chỉ phản ứng, thì rất tốt.

Giả sử trong nhận thức của một người, việc có một khoản nợ thực sự là một điều rất tồi tệ, thậm chí gần như đến mức cực đoan, xem đó là một việc cần tránh. Vì vậy, khi có cơ hội vay một khoản tiền, phản ứng đầu tiên của người đó sẽ là không, tôi không muốn, tôi không vay. Điều này có thể tốt trong nhiều tình huống, có nghĩa là người đó đang tránh nợ, mức nợ thẻ tín dụng có thể thấp và họ sẽ không phải trả nhiều lãi vay trong suốt cuộc đời của họ. Đó là một điểm cộng. Nhưng nó cũng có thể là một bất lợi trong các tình huống khác. Trường hợp người đó muốn bắt đầu kinh doanh riêng, hoặc quay trở lại trường học để nâng cao kiến thức, thì sẽ đòi hỏi cần một khoản tiền và có thể cần phải vay. Nếu người đó chỉ phản ứng và sử dụng thói quen hay thái độ đã có của họ mà không suy nghĩ thấu đáo, thái độ tránh nợ nần đó có thể là một tiêu cực trong tình huống này. Việc có một khoản nợ trong tình huống này là cần thiết, đó là nợ tốt. Họ cần suy nghĩ thấu đáo hơn, việc vay nợ có lẽ là một ý kiến hay.

quyết định tài chính

TÍNH CÁCH VỀ TIỀN

Thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu và thảo luận về thói quen và thái độ về tiền và cách chúng ảnh hưởng đến việc ra quyết định tài chính của chúng ta. Mọi người bắt đầu nói đến tính cách về tiền. Việc phân loại thành những tính cách khác nhau giúp chúng ta xem xét những tính cách này thể hiện điều gì? Chúng ta hãy tìm hiểu về một số thuật ngữ được phát triển bởi bà Olivia Mellan, một chuyên gia trị liệu và tâm lý nổi tiếng của Mỹ trong việc xử lý xung đột về tiền. Việc nắm rõ các tính cách về tiền giúp chúng ta hiểu được rằng, khi chúng thể hiện khía cạnh cực đoan thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến chúng ta và các mối quan hệ với những người xung quanh. Tuy nhiên, mỗi người không hẳn thể hiện một tính cách về tiền mà thường là sự pha trộn các tính cách khác nhau.

  • Người tiết kiệm tiền thái quá. Có thể họ là một người thích việc lập ngân sách và họ có thể dành rất nhiều thời gian để “vọc” bảng ngân sách. Họ cũng có thể cảm thấy khó khăn khi tiêu tiền cho bản thân, đặc biệt là mua quà cho người khác. Người khác có thể nghĩ rằng mua một món đồ sẽ có ý nghĩa, họ có thể thấy những giao dịch mua đó là không cần thiết hoặc thậm chí có thể là phù phiếm. Tính cách này khiến họ luôn muốn sống tằn tiện, bỏ qua những sở thích hay hoạt động có thể mang lại hạnh phúc hay trải nghiệm. Nghĩ sâu xa thì việc tích trữ tiền có thể không gây ra vấn đề gì. Nó phụ thuộc vào mối quan hệ của người tích trữ tiền với người khác và cách họ cảm nhận về nó. Tuy nhiên, nếu một người luôn cảm thấy quá lo lắng hoặc căng thẳng về việc tiêu tiền, thì việc sửa đổi hành vi và thái độ này là cần thiết để họ phần nào tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Đó là người tích trữ tiền.
  • Người tiêu tiền, là một kiểu người ngược lại. Đây là kiểu người thích mua sắm và họ thích thưởng thức cảm giác đó. Họ có xu hướng chi tiền cho những thứ không cần thiết, mua về rồi cất tủ, không sử dụng đến. Vì vậy, họ sẽ có khả năng chi tiêu, đôi khi tất cả số tiền họ kiếm được và họ có thể không có khoản tiền tiết kiệm nào. Thậm chí họ có thể đang gánh nhiều khoản nợ. Họ nghiện chi tiêu ngay cả khi không có tiền, đang mắc nợ, sẵn sàng trả góp để mua sắm theo ý thích, thậm chí là giấu bạn bè và gia đình để chi những khoản lớn. Vì vậy, khi một người có thể nhận thức về tính cách tiền bạc của họ thì rất tốt. Điều này có thể giúp họ nếu họ muốn thay đổi hành vi chi tiêu và tiết kiệm.

 Người lo lắng về tiền. Người lo lắng về tiền bạc có xu hướng lo lắng về tiền bạc mọi lúc. Họ muốn kiểm soát tiền của mình và vì vậy họ có thể dành nhiều thời gian để kiểm tra số dư tài khoản, xem tiền của họ ở đâu. Điều thú vị là, việc có nhiều tiền hơn không khiến họ bớt lo lắng hơn. Vì vậy, đây là một khía cạnh thú vị đáng để suy nghĩ. Việc quan tâm đến tiền bạc và biết nó đang ở đâu là một điều tốt. Nhưng nếu nỗi lo lắng thường trực trong cuộc sống của bạn, thì đó có thể là một thời điểm tốt để suy nghĩ về việc liệu bạn có muốn thực hiện một số bước kiểm soát và điều chỉnh những cảm xúc này hay không?

  • Người thờ ơ với tiền. Họ không muốn làm gì liên quan gì đến tiền, không muốn nghĩ về tiền, và họ thường chậm thanh toán các hóa đơn. Họ có thể không biết mình có bao nhiêu tiền, cũng như không biết họ đang chi bao nhiêu tiền. Và thực sự đối với họ, tiền nghe có vẻ nhàm chán và việc quan tâm đến tiền có thể là quá sức với họ. Thực tế, người thờ ơ với tiền có thể cảm thấy không có khả năng quản lý tiền của mình. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ nếu họ không có trách nhiệm về tài chính. Tuy nhiên, thông qua học hỏi và thực hành, họ có thể đạt được sự tự tin và năng lực để xử lý tài chính cho bản thân và tìm thấy sự cân bằng, và không gặp rắc rối với việc thanh toán trễ các hóa đơn, hoặc không gặp phải rắc rối khi đứng trước các sự cố bất ngờ.
  • Người ghét tiền, đây là một trong những kiểu người thú vị. Thoạt đầu, chúng ta có thể băn khoăn, ai sẽ cảm thấy như vậy? Thực tế, chúng ta có thể nhận ra một số người như vậy. Người ghét tiền tin rằng tiền là xấu xa và là nguyên nhân của mọi vấn đề. Họ tin rằng không nên để tiền ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng trong cuộc sống. Họ không muốn tích lũy tiền. Họ có thể gặp khó khăn nếu họ được thừa kế một khoản tiền hoặc họ được thăng chức và được tăng lương cao hơn. Điều đó có thể khiến họ cảm thấy rất khó chịu và họ có thể tránh né việc đầu tư tiền.
  • Người tích lũy tiền. Họ thích có rất nhiều tiền. Và trên thực tế, họ luôn làm việc để tích lũy tiền. Và điều đó có thể gây khó khăn cho việc tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống, khi mà họ luôn làm việc để tạo ra nhiều của cải hơn, họ có thể không có đủ thời gian dành cho những người yêu thương và thiếu kết nối với mọi người. Họ có thể thực sự chỉ cảm thấy thỏa mãn khi họ đang làm việc để kiếm được nhiều tiền hơn và tích lũy nó. Và bạn có thể tưởng tượng, họ cũng có thể cảm thấy khó khăn khi tiêu tiền.

Những tính cách về tiền tiêu biểu trên cho chúng ta góc nhìn về những thái cực ảnh hưởng đến chi tiêu, quyết định tài chính và hành vi tiết kiệm của mọi người. Những tính cách về tiền này thường có cả những thuộc tính tốt và không tốt trong cách chúng ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của chúng ta. Không thể khẳng định rằng tính cách này tốt hơn tính cách khác. Việc nhận thức đúng về tính cách về tiền giúp bạn đưa ra quyết định tài chính phù hợp, đảm bảo rằng bạn đang tiến tới mục tiêu của mình chứ không chỉ phản ứng bởi vì đó là thói quen và thái độ về tiền bạn đã phát triển trong suốt cuộc đời của mình.

Nguồn: Hana Tran
Biên tập: Trần Thị Mai Hân (Hana Tran)

Diễn đàn Webketoan