Doanh nghiệp “thở phào” vì được hoãn chuyển nhóm nợ xấu

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 26/04/2013 - 4577 lượt xem.

 

.ututruyt

Quyết định 780/2012/QĐ- NHNN đã giúp cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khoảng 272 nghìn tỷ đồng đang có nguy cơ bị vô hiệu bởi “tấm lá chắn” Thông tư 02. 

Trước sự than phiền của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lùi hạn áp dụng thông tư này nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phải “soi gương” để nhìn lại mình.

Trong các đợt tiếp xúc giữa đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước và đại diện hàng nghìn doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng tại gần 40 tỉnh, thành phố diễn ra trong hơn một tháng qua, phần lớn các ý kiến đều muốn Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có.

Doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nói gì?

Năm 2012, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ hối thúc ngành ngân hàng cần cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp có triển vọng phục hồi sản xuất nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. 

Theo chỉ đạo này, ngày 23/4/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép tổ chức tín dụng khi gia hạn nợ cho khách hàng thuộc nhóm trên được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi điều chỉnh. 

Đánh giá về hiệu quả của quyết định này, tại “Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tỉnh Long An” vừa diễn ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Việc áp dụng Quyết định 780 đã giúp các doanh nghiệp và hệ thống tổ chức tín dụng cơ cấu lại khoản nợ tới 272 nghìn tỷ đồng thêm một thời gian mà đáng lẽ, theo chuẩn mực phân loại nợ hiện tại, chúng phải lộ ra”.

Tuy nhiên, “niềm vui” nói trên đối với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng cũng “ngắn chẳng tày gang” khi 9 tháng sau đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2013/TT- NHNN. 

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Dương than thở: “Nếu theo tinh thần Thông tư 02 thì kể từ 1/6/2013, toàn bộ khách hàng có nợ gia hạn đều bị chuyển nhóm nợ xấu. Như vậy, ý nghĩa của giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã không được thực hiện trọn vẹn”. 

Theo bà Dung, trong điều kiện khó khăn vẫn còn đeo bám nền kinh tế trong vài năm tiếp theo, các tiêu chí phân loại nợ theo định tính và định lượng nhiều lúc không phản ánh đúng bản chất nợ của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, được xếp hạng “3A” theo định tính nhưng có thời điểm doanh thu về chậm (do đối tác trì hoãn trả nợ hoặc ngân sách chậm thanh toán), nếu tổ chức tín dụng gia hạn gốc hoặc lãi, lập tức doanh nghiệp bị xếp nhóm nợ xấu với thời gian ít nhất 1 – 3 tháng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm nói: “Chúng tôi dự đoán là cuối 2012 đầu 2013 tình hình sẽ tốt, sản phẩm tiêu thụ được thì việc áp dụng Thông tư 02 vào 1/6/2013 là bình thường. Tuy nhiên, thị trường vẫn diễn biến phức tạp, dòng tiền của doanh nghiệp luân chuyển khó khăn mà áp ngay Thông tư 02 là doanh nghiệp chết ngay vì không được cơ cấu lại nợ, bị chuyển nhóm xấu, không được vay tiếp”.

Ngân hàng “tự soi gương”

Theo ông Thắng, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tiệm cận với nguyên tắc quản trị ngân hàng của Basel II và có ý nghĩa như “tấm đệm” hay “lá chắn” bảo vệ an toàn hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn thì quản lý cũng phải “liệu cơm gắp mắm”.

Còn nếu Ngân hàng Nhà nước khăng khăng áp dụng doanh nghiệp đã khó càng khó hơn, nợ xấu tăng thêm, kênh vốn tín dụng càng bế tắc và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị đình trệ.

Từ áp lực này, ngày 18/4/2013, tại Hội nghị triển khai giải pháp tiền tệ ngân hàng thúc đẩy hồi phục sản xuất ở Long An, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phân trần: khi ban hành Quyết định 780 thì tổng số nợ mà các ngân hàng cơ cấu lại cho khách hàng khoảng 272 nghìn tỷ đồng, tương ứng 10% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu không có chính sách này, đâu đó có 10% nợ đã thành nợ xấu. Hiện nay, nợ xấu xấp xỉ 5 – 6%, nếu cộng thêm 10% (nếu không áp dụng Quyết định 780) thì tổng nợ xấu sẽ lên tới 15 – 16% tổng dư nợ. Con số này sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. 

Với doanh nghiệp, có thể trước mắt sẽ bị nợ xấu đeo bám và tiếp tục gia tăng, dẫn đến khó tiếp cận vốn nhưng ít nhiều vẫn hy vọng gỡ gạc lại ở năm sau. Nhưng với ngân hàng thì khi nợ xấu tăng, phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, không những không có lợi nhuận mà còn lỗ thê thảm. 

“Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng ngay thông tư để nhận diện đúng hơn về con số thực, bản chất nợ xấu; còn lộ trình áp dụng đối với doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước không hối thúc thực hiện ngay mà sẽ có lộ trình phù hợp”, Thống đốc nói.

Như vậy, điều này được hiểu là doanh nghiệp tạm thời “thở phào” khi không bị soi chiếu lên “thông tư 02” nhưng tổ chức tín dụng vẫn phải thống kê, phân loại đúng đủ để báo cáo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chưa phải thực hiện ngay việc trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. 

Một câu hỏi đặt ra là: có phải trì hoãn Thông tư 02 thì các khoản nợ xấu sẽ tạm thời biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và ngân hàng, trong khi thực tế, chúng vẫn treo lơ lửng đâu đó? Và nếu nghĩ rằng, “nước chưa đến chân, chưa cần nhảy” thì đến một lúc nào đó, khoản nợ xấu đổ ập đến thì mọi chuyện trở nên quá muộn. 

Vấn đề ở đây, điều hành kinh tế vĩ mô cần nhắm đến mục tiêu phục hồi sản xuất với nhiều giải pháp về giảm thuế, chi phí năng lượng, nguyên liệu… cho doanh nghiệp thay vì chỉ “hoãn binh” nợ xấu. 

Và khi sự luân chuyển dòng tiền trở lại với doanh nghiệp thì không những nền kinh tế thoát khỏi bế tắc tín dụng, nợ xấu được giải tỏa mà những mục tiêu điều hành của kinh tế vĩ mô cũng thành hiện thực.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Diễn đàn Webketoan