Doanh nhân trần tình những lý do ‘chết thảm’

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 22/05/2013 - 4553 lượt xem.

Vẫn có hàng ngàn DN tiếp tục phá sản bất chấp lãi suất đã giảm, lạm phát được kiềm chế. Trong khi đó, có hàng chục ngàn DN khác đang “chết lâm sàng” chưa được khai tử. Có ngàn lý do ngoài chuyện lãi suất khiến đứa con doanh nghiệp của họ chết thảm.

1369183944_doanh nghiệp chết

Muôn nẻo đường dài

Cho đến nay, lãi suất đã hạ xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua nhưng DN vẫn khó khăn, thậm chí không muốn vay vốn làm ăn. Điều đó cho thấy, lãi suất chỉ là một phần của quá trình đưa DN dẫn đến chỗ khó khăn, mà còn rất nhiều nguyên nhân chung nữa góp phần khiến tình cảnh của DN thê thảm như hiện nay.

Theo một chuyên gia phê duyệt tín dụng cao cấp của một NH thì “Rất nhiều DN đã phải trả giá đắt vì bài học quản trị tài chính: lấy vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định dẫn đến mất cân đối vốn”. Nói dễ hiểu, các DN đã dùng các nguồn tiền ngắn hạn như mua nguyên vật liệu, nhân công… để đầu tư dài hạn. Khi lãi suất thấp họ còn có thể xoay xở nhưng khi lãi suất cao thì họ bị lãi vay đè “chết”.

Chủ một doanh nghiệp tư nhân về mút đệm khá nổi tiếng khu vực miền Trung đã phải cay đắng: “Khi kinh tế phát triển, đơn hàng chúng tôi nhiều lắm, tiền về thoải mái thì đương nhiên là có nhu cầu phải mở rộng sản xuất, nhà xưởng. Nhưng khi mở rộng, giải phóng mặt bằng khó khăn, các cơ chế, chính sách về nhà đất kéo dài mấy năm không thể giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng tiền ném vào đó ngày càng nhiều, và chúng tôi buộc phải sử dụng cả vốn lưu động để đầu tư. Dẫn đến mất cân đối tài chính”.

Ông này cho biết, hiện tại, đơn hàng DN vẫn có, thậm chí đơn hàng xuất khẩu còn nhiều, nhưng mà tiền để mua nguyên liệu, nhập hóa chất xử lý không có. DN bó tay chết đứng trước cơ hội làm ăn. Tình trạng này cũng diễn ra khá nhiều tại các DN khác, dẫn đến tình trạng mất cân đối vốn ngày càng nghiêm trọng.

Theo giám đốc một chi nhánh NH, “DN đã không chín chắn khi quyết định dùng vốn lưu động để đầu tư nhà xưởng nói riêng, đầu tư dài hạn nói chung vì làm cho DN không còn đủ tiền phục vụ sản xuất kinh doanh, dẫn đến không có tiền trả nợ khi đến kì hạn, dẫn đến nợ xấu”.

Trong khi đó, các DN phân phối thì đang “trầy trật” vì sức mua của nền kinh tế giảm, “Chúng tôi kinh doanh siêu thị, hàng vẫn phải có đủ trên kệ, nhân công vẫn phải duy trì, trả lương nhưng mà số tiền của người dân chi tiêu mua sắm ít đi thì cũng đành chịu”, Giám đốc một DN kinh doanh siêu thị tại Hà Nội cho hay.

Các loại hình khác cũng đang “đìu hiu” với một lí do khá mông lung mà xác thực: tình cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Trong khi đó, thời gian vừa qua, không ít vụ “vỡ nợ” đình đảm xảy ra và đương nhiên nó cũng kéo không ít các người là chủ DN dính bẫy, mất mát thậm chí là tán gia bại sản cũng chỉ vì các đường dây cho vay lãi cao này.

Bất động sản: Chết theo dây

Bất động sản có lẽ là quả đắng ám ảnh nhất hiện tại. Ở đây, bất động sản suy giảm không chỉ là nhà đất không bán được, các DN môi giới phải cầm cự, chống chọi với “cái nguy cơ sụp đổ” mà nó còn kéo theo hàng loạt DN thuộc các ngành công nghiệp liên quan cũng đi theo như xi măng, gạch, sắt thép…

Xi măng thì miễn bàn vì tình cảnh hiện tại đã nói lên tất cả. Thậm chí, cả ngành sản xuất gạch nhẹ (loại gạch không nung) được ưu đãi vay vốn của nguồn quỹ bảo vệ môi trường, được Bộ Xây dựng ưu đãi bằng cách ban hành quy định xây nhà cao tầng phải bằng loại gạch này cũng đang “ngắc ngoải”.

Với việc hình thành cả chuỗi như này, khi tình hình khó khăn như hiện tại, chắc chắc cả chuỗi cũng sẽ phát sinh nợ quá hạn theo. Đặc biệt nguy hiểm hơn, các công ty này dùng các khoản phải thu, quyền đòi nợ để thế chấp tại NH, trong tình cảnh hiện nay, thì các TSĐB này không khác gì tín chấp.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp không liên quan gì đến bất động sản cũng đang “ôm hận” vì ngành này. Nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận đang ngậm trái đắng vì trót đầu tư tiền của vào BĐS. “Ngày xưa khi BĐS lên cao, chỉ cần lướt là có thể kiếm tiền tỉ dễ dàng. Nhưng càng lướt, khi thị trường đi xuống thì lại không rút ra được và ngâm vốn ở BĐS, dẫn đến thiếu cả tiền làm hàng”.

Chắc chắn, số lượng doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp dính dáng đến BĐS không phải là ít và giờ họ đang đành chờ việc xử lý bán tài sản. Nhưng bán được trong lúc này quả là kỳ tích.

Vốn rẻ tắc vì nợ xấu

Các ngân hàng đã bắt đầu rục rịch giảm lãi suất, nhưng để tiếp cận vay vốn được ngân NH không đơn giản. “Ngày xưa, khi kinh tế tốt, các ngân hàng thẩm định có vẻ thoáng hơn, nhưng mà quả thực bây giờ nhiều khi ngân hàng rất xét nét các điều kiện, thậm chí nhiều món vay ngày xưa thấy giám đốc chi nhánh đã quyết được nhưng bây giờ đều thấy chờ cấp cao phê duyệt”, một doanh nhân cho biết.

Giám đốc một chi nhánh NH cho biết: “Thực tế, thời gian vừa qua phát sinh quá nhiều rủi ro, trong đó đặc biệt là rủi ro liên quan đến các hành động lừa đảo, đặc biệt là hàng tồn kho nên khẩu vị rủi ro của Ngân hàng cũng có phần chặt lại. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp bị mất cân đối vốn, tính khả thi của phương án kinh doanh thấp thì rất khó để giải ngân”.

Các DN muốn đến được với đồng vốn ngân hàng sẽ còn phải trải qua rất nhiều rào cản kỹ thuật. “Ngày xưa, tình hình tốt thì thẩm định có thể thoáng, còn tình hình hiện tại, quá nhiều rủi ro mà NH lại chia trách nhiệm nặng nên chúng tôi không thể có cái nhìn thoáng như xưa. Chưa kể, gần đây, kiểm soát nội bộ, Thanh tra siết chặt”, lãnh đạo một CN NH cho vay.

Như vậy, một vòng luẩn quẩn đang diễn ra: DN muốn được vốn vay thì phải đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, có phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả để trả gốc lãi. Tuy nhiên, sau một thời gian khó khăn, thì DN lại đang cần vốn để sản xuất kinh doanh thì mới làm ra được lợi nhuận, và quay lại trạng thái bình thường.

Như vậy, chỉ phá bỏ cái vòng luẩn quẩn này mới giúp DN hữu hiệu. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia nghĩ tới việc khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ DN. Đó là một đòi hỏi thực tế.

Nguyễn Thanh Ngọc
Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

 

Nhập môn kế toán quản trị