Được và mất nhìn từ phi vụ chuyển giá của Keangnam

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 25/10/2013 - 10344 lượt xem.

Mặc dù đang tạo nên một diện mạo mới cho đất nước, nhưng không ít các chủ dự án lại đang trục lợi cho mình bằng động tác chuyển giá.

Những biểu tượng như Keangnam Landmark Tower, Lotte Centre, hay những khu đô thị tráng lệ như Nam Long,…đều do người nước ngoài bỏ vốn đầu tư, đang tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội. Nhưng phía sau đó lại có không ít những ông chủ dự án FDI về bất động sản có dấu hiệu chuyển giá, trục lợi hàng trăm tỷ đồng cho công ty mẹ giống như Keangnam Vina.

Đóng góp không nhỏ

Báo cáo chi tiết về tình hình các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hà Nội cho thấy, những đơn vị này đã góp phần không nhỏ cho bộ mặt của Thủ đô. Nhiều dự án, công trình mang tầm quốc tế như Keangnam Landmark, Lotte Centre, Nam Thăng Long,…

Điểm qua những dự án tầm cỡ đều do các tên tuổi lớn triển khai như Daewoo, Keangnam, Posco E&C, Hyundai, Gamuda, Capitaland, TSQ,…chủ yếu các DN đầu tư ở giai đoạn 2006-2010 chiếm phần lớn cả về vốn huy động và số dự án. Tổng số 41 dự án có tới 36 dự án ở giai đoạn này với số vốn đăng ký 5,67 tỷ USD chiếm tới gần 94% tổng vốn đầu tư.

Các DN này đã vay các tổ chức tín dụng, cổ đông trong nước 494 triệu USD chiếm 13% vốn đầu tư thực hiện, vay tổ chức tín dụng ngoài nước 1,22 tỷ USD chiếm 33% vốn đầu tư thực hiện, huy động từ khách hàng 463 triệu USD chiếm 12%.

Giai đoạn 2008 -2010 các dự án FDI nộp ngân sách nhà nước 1,8 tỷ USD, chủ yếu là thuế VAT chiếm 43%, thuế TNDN chiếm 45%, thuế sử dụng đất khoảng 257 triệu USD.

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay vốn đăng ký FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 19,2 tỷ USD, vốn thực hiện mười tháng ước tính đạt 9,6 tỷ USD, tuy nhiên, nguồn vốn chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, bất động sản chiếm phần nhỏ. Giai đoạn 2006-2010 là các năm bùng nổ nguồn vốn FDI vào BĐS.

Không thể phủ nhận những gì mà các dự án FDI về bất động sản đã, đang và sẽ đem lại, tuy nhiên, ẩn sau đó lại là những hoạt động kinh doanh bí hiểm, những “chiêu thức” móc tiền tinh vi che mắt các cơ quan thuế của Việt Nam để chuyển tiền làm lợi cho công ty mẹ ở nước ngoài, mà điểm hình là trường hợp của Keangnam –Vina mà báo chí vừa phơi bày mới đây.

“Ăn gian” không ít

Phi vụ chuyển giá cả ngàn tỷ đồng của Keangnam Vina đã được ngành thuế hoài nghi từ cuối năm 2012 sau khi doanh nghiệp này liên tục công bố khoản lỗ lũy kế lên tới 277 tỉ đồng nhằm trốn thuế TNDN.

Và mới đây nhất, theo báo Vietnamnet phản ánh, đại gia BĐS Hàn Quốc này chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh lên tới 1.220 tỉ đồng, để trục lợi cho công ty mẹ ở Hàn Quốc. Chỉ với động tác chủ đầu tư là Keangnam Vina ký một hợp đồng tổng thầu EPC với Keangnam Enterprise với tổng giá trị là 871 triệu USD. Tổng thầu này đảm nhận mọi công việc từ khảo sát, thiết kế, tư vấn, thu xếp vốn vay, quảng cáo, tư vấn tài chính,…cho tới cả khâu tư vấn pháp lý.

Bằng động tác này, thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD thực chất giảm chỉ còn 699 triệu USD. Trong khi đó, Keangnam Enterprise chỉ phải nộp thuế nhà thầu cho Việt Nam một khoản thấp hơn nhiều so với thuế TNDN theo quy định 25-28%.

Sau những nghi vấn vào cuối 2012, ngành thuế cũng đã làm rõ về khoản doanh thu “khủng” của Keangnam Vina về việc bán căn hộ cao cấp với giá trị khoảng 3500 tỷ đồng, trong khi đó chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC. Vì thế, Keangnam Vina bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế là 95,2 tỷ đồng.

duoc-va-mat-nhin-tu-phi-vu-chuyen-gia-cua-keangnam

Keangnam Landmark công trình biểu tượng của Hà Nội nhưng lại gặp không ít tai tiếng như chuyển giá, trốn thuế, khiếu kiện,…

Không chỉ có Keangnam Vina mà 62 doanh nghiệp FDI khác cũng đã lọt vào “tầm ngắm” của thanh tra ngành thuế. Qua báo cáo cho thấy, tổng số tiền mà các DN này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ là hơn 2.252 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập tính thuế TNDN là trên 2.599 tỷ đồng và truy thu thuế TNDN lên tới 214,5 tỷ đồng.

Còn bao nhiêu nữa như Keangnam?

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động chuyển giá của ngành thuế, trong tổng số 23 tỉnh, thành phố của Cục thuế, Tp.HCM là địa phương có số doanh nghiệp bị thanh tra nhiều nhất lên tới con số 16 đơn vị, số tiền điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ là trên 362,5 tỷ đồng, số tiền điều chỉnh tăng thu nhập tính thuế TNDN là hơn 166,4 tỷ đồng, truy thu thuế TNDN hơn 15 tỷ đồng.

Tiếp sau đó là Hà Nội với 9 doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh tra, tổng số tiền điều chỉnh tăng thu nhập tính thuế TNDN là hơn 1.223 tỷ đồng. Hà Nội đứng đầu về số thuế truy thu FDI chuyển giá là 98 tỷ đồng, TP.HCM với hơn 15 tỷ đồng, Thái Bình hơn 7 tỷ đồng, Quảng Ninh, Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng, Hải Phòng 1,3 tỷ đồng.

Mới đây, Cục thuế Tp.HCM cũng đã công bố kết quả thanh tra 140 DN kê khai lỗ, kết quả đã điều chỉnh giảm lỗ là 1.705 tỷ đồng, truy thu 143,5 tỷ đồng. Trong đó, đã lộ ra nhiều “chiêu” chuyển giá biến lãi thành lỗ để trốn thuế, đặc biệt là ngành may mặc, da giày,…

Những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thường kê khai lỗ triền miên, thường là các chiêu chuyển giá qua các giao dịch liên kết với công ty anh em ruột ở nước ngoài như về phí quản lý của phía nước ngoài, chi phí chuyên gia, lãi vay ngân hàng…

Riêng về lĩnh vực BĐS ở Hà Nội, báo cáo của Hà Nội về các dự án FDI về BĐS có tới 17 dự án khu đô thị, khu nhà ở, 66 dự án văn phòng, thương mại, khách sạn, căn hộ,…Trong đó, 7 dự án chuyển cho DN trong nước, 7 dự án nhận chuyển nhượng từ đối tác trong nước thành 100% vốn nước ngoài.

Kiều Thuật

Theo Trí Thức Trẻ