Giải đáp một số nội dung về thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn – Tổng cục thuế

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 07/12/2016 - 31253 lượt xem.

Ngày 23/11/2016, Tổng cục thuế ban hành thông báo 6294/TB-TCT về giải đáp một số nội dung tại Thông tư 130/2016/TT-BTC

I. Hoàn thuế GTGT

Tại khoản 3, điều 1, Thông tư 130 quy định: Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì….. được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Như vậy, cách xác định số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu hướng dẫn tại thông tư số 130 khác với hướng dẫn tại Thông tư 26, cụ thể:

– Thông tư 130 hướng dẫn: tính ra được VAT đầu vào của HHDV xuất khẩu rồi mới trừ (-) VAT đầu ra để so sánh với 300 triệu;
– Thông tư 26 hướng dẫn: lấy tổng VAT đầu vào trừ (-) VAT đầu ra rồi mới xác định tỷ lệ để tính ra số VAT đầu vào của HHDV xuất khẩu.

Câu hỏi 1: Trường hợp kỳ đề nghị hoàn vừa chịu sự điều chỉnh của Thông tư 26, vừa chịu sự điều chỉnh của Thông tư 130 (ví dụ từ tháng 05/2016 đến tháng 08/2016) thì việc xác định số thuế GTGT đầu vào của HHDV xuất khẩu được áp dụng theo công thức nào?
– Số thuế GTGT để lại (không được hoàn, do tiêu thức phân bổ như trên hoặc do bị khống chế theo doanh thu xuất khẩu) của các kỳ trước (kể cả kỳ trước tháng 07/2016), khi xác định tổng số thuế GTGT đầu vào trong kỳ sau để phân bổ thì có được cộng vào không?

Trả lời:

Trường hợp kỳ đề nghị hoàn từ tháng 05/2016 đến tháng 08/2016 thì việc xác định số thuế GTGT đầu vào của HHDV xuất khẩu được áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 130.
Số thuế GTGT còn được khấu trừ từ các kỳ trước chuyển sang nếu phục vụ xuất khẩu thì tiếp tục được tính để xác định số thuế được hoàn cho hàng xuất khẩu.

Câu hỏi 2: Đối với doanh nghiệp vừa có doanh thu xuất khẩu vừa có doanh thu nội địa, có được cộng số thuế GTGT sau phân bổ cho hàng nội địa kỳ trước chuyển sang vào số thuế GTGT để phân bổ cho hàng nội địa trong kỳ hoàn để bù trừ với số thuế GTGT đầu ra của hàng hóa tiêu thụ nội địa trong kỳ không?

Trả lời:

Về nguyên tắc, số thuế GTGT còn được khấu trừ của hàng nội địa kỳ trước được chuyển khấu trừ kỳ sau.

Câu hỏi 3: Tại khoản 4b Điều 1 Thông tư 130 hướng dẫn:

b) Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chitiết thi hành phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các văn bản hướng dẫn.
Hỏi thuế GTGT đầu vào của hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu theo quy định không được hoàn mà phải thực hiện khấu trừ, vậy số thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu này có được bù trừ với số thuế GTGT hàng bán nội địa trong kỳ được hoàn thuế không?

Trả lời:

Về nguyên tắc thì số thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu (để xuất khẩu) không được hoàn nhưng được bù trừ với số thuế GTGT hàng bán nội địa nếu đáp ứng điều kiện về kê khai khấu trừ.

Câu hỏi 5: Việc phân bổ để xác định số thuế GTGT được hoàn thực hiện như Thông tư 26 hay lũy kế từ kỳ phát sinh GTGT còn được khấu trừ đến kỳ đề nghị hoàn?

Trường hợp đơn vị xuất khẩu không có kỳ hoàn thuế liền trước thì khi xác định kỳ hoàn thuế phải tính từ thời điểm nào?

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130 (sửa đổi Điều 18 Thông tư số 219) đã quy định:
“ ….Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%”

Căn cứ quy định trên:
– Việc phân bổ để xác định số thuế GTGT được hoàn được tính lũy kể từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
– Trường hợp đơn vị xuất khẩu không có kỳ hoàn thuế liền trước thì kỳ hoàn thuế được tính từ kỳ phát sinh âm gần nhất.

Câu hỏi 6: Trường hợp CSKD có số thuế GTGT được khấu trừ phát sinh trước kỳ hoàn thuế tháng 07/2016 hoặc trước kỳ tính thuế Quý III/2016 nhưng chưa đủ điều kiện hoàn thuế theo Điều 18 Thông tư 219 do số lũy kế chưa khấu trừ hết mới được 10 tháng tính đến tháng 06/2016 nên tiếp tục chuyển số thuế còn được khấu trừ này đến tháng 09/2016 hoặc Q3/2016 mới đủ điều kiện hoan thuế theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 219 có được hoàn thuế không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Thông tư 219/2013/TT-BTC, Khoản 3, Điều 1, Thông tư 130:
Đến hết ngày 30/06/2016 nếu CSKD không đáp ứng điều kiện hoàn thuế GTGT theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì không được hoàn thuế.
……………
II. Về tiền chậm nộp tiền thuế
Trường hợp NNT khai thiếu tiền thuế của kỳ thuế phát sinh trước ngày 01/07/2016 nhưng sau ngày 01/07/2016, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra thì áp dụng tiền chậm nộp theo mức 0.05%/ngày từ ngày phải nộp theo quy định của pháp luật đến hết ngày 30/06/2016 đúng không?

Trường hợp NNT khai thiếu tiền thuế của kỳ thuế phát sinh trước ngày 01/07/2016 nhưng sau ngày 01/07/2016, người nộp thuế tự phát hiện thì áp dụng tiền chậm nộp theo mức 0.05%/ngày (hoặc mức phù hợp quy định của văn bản pháp luật từng thời kỳ) từ ngày phải nộp theo quy định của pháp luật đến hết ngày 30/06/2016 phải không?

Trả lời:

Về nguyên tắc, văn bản pháp luật thời kỳ nào thì áp dụng mức tính tiền chậm nộp của từng thời kỳ đó.
Do đó, đối với mức tính tiền chậm nộp trước ngày 01/07/2016 thì áp dụng mức phù hợp quy định của văn bản pháp luật từng thời kỳ từ ngày phải nộp theo quy định của pháp luật đến hết ngày 30/06/2016.

Xem chi tiết và đầy đủ : Tại đây

Nhập môn kế toán quản trị