Hoàn thiện chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 03/01/2017 - 4341 lượt xem.

 

Bối cảnh hội nhập đang đặt ra những áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để việc hoàn thiện chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, cần có các giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện và hoàn cảnh phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng giai đoạn…

                                                                                Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015. Chính phủ cũng đã ban hành một số giải pháp chính sách thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh (Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định của Chính phủ về thuế và được hướng dẫn tại Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính). Các giải pháp chính sách thuế này cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn cho DN.

Năm 2015, chính sách thuế tiếp tục được triển khai theo hướng hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn với các ưu đãi thuế, về điều kiện, thời gian ưu đãi thuế rõ ràng, minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Năm 2016, Quốc hội thông qua Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế với một số điểm đáng chú ý như sau:

Về thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ nhất, bổ sung quy định về đối tượng, khoản thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:

– Miễn thuế TNDN đối với các trường hợp: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội (KT-XH) khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn…

– Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của DN ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn.

– Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn…

Thứ hai, bổ sung vào diện đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm các ngành: Dệt – may, da – giầy, điện tử – tin học; sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) hoặc tương đương…

Thứ ba, bổ sung vào diện đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với dự án sản xuất có quy mô lớn. Trường hợp dự án quy mô lớn đáp ứng thêm một trong các tiêu chí về doanh thu, về số lao động sử dụng hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng kinh tế kỹ thuật theo quy định của Chính phủ thì được xem xét kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% thêm 15 năm.

Thứ tư, bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế khi pháp luật về thuế TNDN có sự thay đổi. Cụ thể, DN có dự án đầu tư mở rộng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư hoặc đã thực hiện đầu tư giai đoạn 2009 – 2015 tính đến hết kỳ tính thuế năm 2015 đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 106/2016/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng theo quy định của Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015. Trong khi đó, DN có dự án đầu tư vào địa bàn được chuyển đổi thành địa bàn ưu đãi thuế sau ngày 01/01/2015 thì được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại kể từ khi chuyển đổi…

Thứ năm, bổ sung nguyên tắc về thu thuế TNDN đối với trường hợp DN đầu tư ra nước ngoài nhằm khuyến khích hợp lý đầu tư ra nước ngoài chuyển thu nhập về Việt Nam.

Thứ sáu, bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, ngành, địa phương được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ… và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật…

Về thuế giá trị gia tăng

Thứ nhất, bổ sung vào diện đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ, chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: Phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, bổ sung quy định về giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân: Là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có)…

Thứ ba, bổ sung quy định không áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% đối với thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu. Quy định này, góp phần ngăn chặn việc gian lận hoàn thuế đối với thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau xuất khẩu.

Thứ tư, bổ sung quy định cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn…

Về thuế thu nhập cá nhân

Thứ nhất, bổ sung thu nhập thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với: Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.

Thứ hai, quy định mới về thuế đối với cá nhân kinh doanh: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính, Luật số 106/2016/QH13 đã sửa đổi quy định về thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Về thuế tài nguyên

Thứ nhất, bổ sung vào diện đối tượng không thu thuế tài nguyên đối với: Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; Nước biển để làm mát máy…

Thứ hai, quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu:

– Trường hợp tài nguyên khai thác vừa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu: Đối với sản lượng tài nguyên tiêu thụ nội địa là giá bán đơn vị tài nguyên khai thác chưa bao gồm thuế GTGT; Đối với sản lượng tài nguyên xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu. Trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu thực hiện theo quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan.

Về quản lý thuế

Thứ nhất, bổ sung quy định người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có.

Thứ hai, quy định hồ sơ khai các loại thuế của DN (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên…) chỉ gồm tờ khai thuế.

Thứ ba, bổ sung quy định về tỷ giá tính thuế khi chuyển đổi đồng tiền nộp thuế từ ngoại tệ sang VND. Việc quy định tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh sẽ đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khắc phục những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế giảm chi phí quản lý và không ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.

Thứ tư, quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, trong đó quy định rõ người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Số thuế thiếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra hoặc do người nộp thuế tự phát hiện từ ngày 1/1/2015 tiền chậm nộp được áp dụng theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đồng thời, bãi bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% hiện hành.

Thứ năm, bổ sung quy định về kéo dài gia hạn nộp thuế không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày hoặc do phía khách hàng hủy hợp đồng hoặc kéo dài thời gian giao hàng không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Thứ sáu, quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế bằng văn bản khi người nộp thuế có yêu cầu.

Thứ bảy, quy định về trách nhiệm của người khai thuế và nộp thuế điện tử. Cụ thể: Người nộp thuế là tổ chức kinh doanh phải sử dụng các dịch vụ điện tử do cơ quan thuế cung cấp trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Bộ Tài chính; Người nộp thuế kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị và một số dịch vụ khác có sử dụng hệ thống máy tính tiền, hệ thống cài đặt phần mềm bán hàng để thanh toán thì phải thực hiện kết nối với cơ quan thuế để gửi thông tin cho cơ quan thuế theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế…


Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2016), Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016 của Quốc Hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;
  2. Chính phủ (2016), Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;
  3. Bộ Tài chính (2016), Công văn số 12165/BTC – TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cải cách quản lý hoàn thuế GTGT, theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 71.

 

PGS., TS. ĐOÀN THANH HÀ
Bài đăng trên tạp chí Tài chính kỳ II tháng 11/2016

Nguồn: Tổng cục thuế

 

Nhập môn kế toán quản trị