“Hung thần” đòi nợ thuê

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 17/01/2013 - 7538 lượt xem.

 Quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ khá nghiêm ngặt nhưng thời gian gần đây hoạt động này đã trở nên bát nháo, khiến những người làm ăn khó khăn càng bị dồn đến bước đường cùng.

Đầu tháng 1.2013, một nhóm thanh niên mặt mày bặm trợn, đầu đội mũ kết, sập xuống che nửa mặt, xăm đầy người, đeo bảng tên ghi “nhân viên thu hồi nợ” của một công ty ở Q.9 (TP.HCM) xuất hiện trước trụ sở một công ty cổ phần ở P.2, Q.Tân Bình la lối, khủng bố tinh thần nhân viên và tìm đến tận nhà riêng của tổng giám đốc công ty đe dọa vợ con của vị này nhằm gây áp lực yêu cầu trả nợ. Mỗi lần như vậy, công ty chỉ biết gọi điện cầu cứu công an phường.

“Họ đến la ó, cố tình gây mất mặt, uy tín, danh dự của công ty đối với khách hàng nhằm tạo áp lực, chứ không hề muốn gặp gỡ nói chuyện lịch sự. Trong khi đó, việc nợ nần của công ty tôi và chủ nợ đã được đưa ra tòa xét xử và đang thi hành án”, lãnh đạo của công ty này than phiền.

Một nạn nhân của nhóm đòi nợ thuê – Ảnh: C.T.V

Xông vào công an phường

Trước đó, đầu tháng 11.2012, người thân của chủ nợ ở Q.3 đã kéo đến một nhà hàng nằm trên đường Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình đòi nợ và dẫn đến xô xát. Sau đó vài ngày, khi công an phường mời hai bên về trụ sở làm việc thì phía chủ nợ dẫn theo nhóm đòi nợ thuê mặc đồng phục, đội nón kết có gắn quốc huy, đeo công cụ hỗ trợ giống loại súng K54 để “thị uy” và khăng khăng đòi vào công an phường.

Mặc dù cán bộ công an đã giải thích họ không liên quan gì đến chuyện xô xát và không cần có mặt ở đây nhưng nhóm đòi nợ thuê có vẻ rất chuyên nghiệp này tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi có thể đi theo thân chủ bảo vệ bất cứ nơi nào!”. Rồi nhóm người này tiếp tục xông vào và đã xảy ra giằng co với công an phường. Trước sự hung hãn của họ, công an phường đã gọi điện cho cảnh sát hình sự quận xuống hỗ trợ. Khi đó nhóm người này mới chịu lên xe jeep bỏ đi…

Tương tự, giữa năm 2012, một công ty đòi nợ thuê ở Q.Tân Bình được một công ty mua bán vật liệu xây dựng ở Q.8 thuê, đã đến công ty cổ phần đầu tư xây dựng ở Q.Bình Thạnh… nằm dài trên ghế sô pha trong phòng giám đốc ăn vạ. Chưa hết, nhóm người này còn theo dõi đến tận nhà riêng của ông giám đốc uy hiếp, đe dọa tính mạng của vợ con ông.

“Tôi là đảng viên, là người có học. Thế nhưng, nhóm người đại diện cho một doanh nghiệp đòi nợ, được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động lại cư xử không đàng hoàng chút nào cả. Từ cách ăn mặc bặm trợn cho đến lời lẽ khiếm nhã, thái độ cư xử như côn đồ không thể chấp nhận được”, vị giám đốc này bức xúc.

Tin nhắn khủng bố của một công ty đòi nợ thuê

Bắt cóc, tra tấn con nợ

Khâu kiểm tra hồ sơ giấy tờ con nợ có nợ chủ nợ hay không là việc làm cực kỳ quan trọng trước khi công ty đòi nợ thuê ký hợp đồng đi đòi nợ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận hay vì một lý do nào khác, không ít công ty đòi nợ thuê chỉ cầm giấy nợ (do chủ nợ cung cấp, không cần xác minh) rồi kéo người đến tìm con nợ gây áp lực. Điển hình là trường hợp của ông C. (ngụ Q.8, giám đốc một doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng). Ông C. kể: “Do các chủ đầu tư giải ngân chậm nên chưa có tiền trả cho các đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. Tôi đã giải thích cho họ hiểu và kiện ra tòa. Thế nhưng, một trong số những đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng đã tìm đến lực lượng đòi nợ thuê và chúng tôi phải “chịu trận” với đám khủng bố này”.

Mới đây, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) – Công an TP.HCM đã tiếp nhận xử lý một trường hợp của công ty đòi nợ thuê ở Hà Nội đưa lực lượng vào “gõ nhầm cửa” một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn Q.Bình Thạnh, khiến doanh nghiệp này phải phát đơn kêu cứu.

Nghiêm trọng hơn là trường hợp của ông P.T.H (ngụ Q.Gò Vấp). Trước đây, ông H. có nợ bà G. 900 triệu đồng. Khoảng tháng 4.2011, trong một lần ông H. đến nhà bạn ở đường Lý Chính Thắng, Q.3, vừa bước ra khỏi cổng đã bị 4 nhân viên của một công ty đòi nợ thuê khống chế lên taxi đưa về văn phòng đánh đập, đe dọa giết chết để đòi 900 triệu đồng cho chủ nợ. Nhóm người này tra hỏi ông H. tại sao không trả tiền cho chủ nợ (?). Ông H. cố giải thích do món nợ đang được tòa thụ lý giải quyết vì đang tranh chấp; nếu tòa tuyên án thì ông H. sẽ thi hành. Nhưng lý lẽ của ông H. chỉ được đáp trả bằng những trận dùi cui tới tấp đánh xuống đầu. Sau đó, nhóm này buộc ông H. viết giấy cam kết trả 900 triệu đồng, trả làm 3 lần trong vòng 5 tháng. Kế tiếp, chúng đọc cho ông H. viết khống một giấy vay tiền ghi tên chủ nợ là một người lạ hoắc với nội dung “vay 500 triệu đánh bạc ở Vũng Tàu” rồi cam kết phải trả vào ngày 21.4.2012.

Do bị đánh quá nặng, ông H. được đưa đi bệnh viện cấp cứu và đã tìm cách tố cáo với công an. Lập tức, bọn chúng nhắn tin đe dọa nếu không rút đơn tố cáo thì sẽ sát hại hết cả nhà, khiến ông H. phải dọn nhà đưa gia đình đi ẩn náu. Đến nay, vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

 

Hầu hết là nợ không rõ ràng

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ PC64 – Công an TP.HCM, cho biết: “Các khoản nợ hầu hết đều không rõ ràng, thế nhưng các công ty đòi nợ thuê vẫn ký hợp đồng đi đòi nợ mà không tìm hiểu sự việc đến nơi đến chốn. Theo quy định, khoản nợ không có chứng từ chứng minh; khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác thì công ty đòi nợ thuê không được ký hợp đồng để đi đòi nợ”.

 

Đàm Huy

Theo thanh niên

Nhập môn kế toán quản trị