Hướng dẫn xử lý 6 vướng mắc quan trọng khi thực hiện Luật thuế XNK mới

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 21/06/2017 - 4432 lượt xem.

1. Về áp dụng định mức miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Trường hợp miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng quy định tại Điều 8, miễn thuế đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản 1 Điều 27 và miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được áp dụng cho từng lần xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Về quản lý thuế đối với hàng hóa tái nhập để tái chế

Trường hợp doanh nghiệp tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu để tái chế thì không phải nộp thuế trong thời hạn tái chế nếu doanh nghiệp đã đăng ký thời hạn tái chế với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập. Quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà doanh nghiệp chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

3. Về xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công sau khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công

Người nộp thuế thực hiện thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa theo quy định tại Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Kết quả xử lý không thuộc các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế thì phải kê khai nộp thuế, kết quả xử lý thuộc các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế thì được giải quyết miễn thuế, không thu thuế theo quy định.

4. Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất từ ngày 01/9/2016

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn theo quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời hạn tạm nhập tái xuất. Hết thời hạn tạm nhập, tái xuất mà chưa tái xuất thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định và khi tái xuất được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2015/NĐ-CP.

5. Về thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu

a) Về thuế giá trị gia tăng

Trường hợp người nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì được miễn thuế nhập khẩu và thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì không được miễn thuế nhập khẩu và phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.

b) Về thuế bảo vệ môi trường

Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

6. Về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP

Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp nếu đáp ứng quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP; trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì không được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.

Về việc khai mã loại hình đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa nhưng không đáp ứng quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP: mã A12 – Nhập kinh doanh sản xuất.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với các trường hợp vướng mắc phát sinh kể từ ngày 01/09/2016 theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Nguồn tham khảo: Công văn 7778/BTC-TCHQ, ngày 13/06/2017

Nhập môn kế toán quản trị