Không thể phá sản theo luật: DN thành “Zombie”

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 25/07/2013 - 5017 lượt xem.

Luật phá sản gần như là một luật “chết” khi đa phần các điều luật đều không đi vào cuộc sống trong gần 10 năm nay. Luật “chết” “báo hại” DN không được chết và trở thành những xác chết biết đi – zombie tồn tại lay lắt.

375162_311911682275184_1128028202_n

 

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong tổng số trên 600.000 DN có đăng kí kinh doanh đang còn hiệu lực có tới hơn ¼ số DN không rõ về tình trạng pháp lý, có tồn tại hay không? Số liệu của Tổng cục Thuế còn cho thấy có đến gần 1/3 số DN đã dừng nộp thuế.

DN không thể phá sản ?

Mặc dù, Luật phá sản (Luật PS) đã có hiệu lực từ 20 năm nay. Tính từ Luật PS 1993, Luật PS DN sửa đổi 2004, pháp luật về phá sản đã có một quãng thời gian khá dài tồn tài. Tuy nhiên, rất nhiều DN và chuyên gia vẫn liên tục bức xúc về tình trạng DN không thể được toà án tuyên bố phá sản hay nói cách khác “DN chết mà không được chôn”.

Tại Diễn đàn DN VN giữa kỳ 2013, từ những số liệu và phản ánh thực tế của DN, VCCI đã đưa ra nhận định khá bi quan về vấn đề phá sản DN. Theo đó, dù được kỳ vọng là sẽ khắc phục những vướng mắc của Luật PS DN năm 1993, tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, Luật PS DN năm 2004 dường như vẫn đi theo “vết xe đổ” của luật cũ. Có tới 57 điều trên tổng số 95 điều của Luật PS năm 2004 được các tòa án, các cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Điều này cho thấy Luật PS năm 2004 còn quá nhiều điểm bất cập.

Rõ ràng nhất, có thể thấy rất khó để xác định DN “lâm vào tình trạng phá sản”. Tại Điều 3, Luật PS DN năm 2004 quy định: “DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Với quy định như vậy, theo các DN, điều luật này chỉ mang tính chất chung chung, thiếu chặt chẽ, chỉ là định tính, không phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính của DN khi lâm vào tình trạng phá sản. Thực tế, không phải cứ có nợ quá hạn là DN, HTX coi là lâm vào tình trạng phá sản được. Bởi, hầu hết các DN, HTX đều vừa là con nợ, lại vừa là chủ nợ. Thậm chí DN, HTX bị yêu cầu tuyên bố phá sản vẫn là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ mà họ quá hạn.

Hơn nữa, một quy định đã trở thành “đánh đố” đối với người nộp đơn mở thủ tục phá sản. Theo Điều 22, sau khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu thấy cần sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu thì tòa án yêu cầu người nộp đơn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của tòa án. Theo thẩm phán Phạm Tuấn Anh – Chánh tòa kinh tế TAND TP Hà Nội, quy định trên là bất khả thi. Bởi lẽ, người yêu cầu mở thủ tục phá sản thường rất khó tự thu thập chứng cứ.

Thậm chí, ngay cả khi Tòa án yêu cầu người rơi vào tình trạng PS nộp chứng cứ thì họ cũng còn bất hợp tác. Đằng này, Luật PS lại đặt ra cho chủ nợ thời hạn cung cấp tài liệu vẻn vẹn 10 ngày thì dường như không thể thực hiện được. Mặc dù, TP Hà Nội là một trung tâm kinh tế của cả nước với hàng trăm ngàn DN và con số DN chờ PS hoặc giải thể có thể cũng lên tới hàng chục nghìn DN. Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, cả năm trời toà án chưa hề tuyên bố phá sản vụ nào.

DN dân doanh đã khó có thể đáp ứng đủ thủ tục xin phá sản, DNNN còn khó hơn. Vì các DNNN muốn được phá sản còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chủ quản như bộ, UBND cấp tỉnh… Bản thân chủ DNNN, nếu có muốn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục PS DN mà chưa có ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý hoặc cơ quan chủ quản cũng không thể nộp đơn được.

Trả DN quyền được chết

Trước thực trạng khủng hoảng kinh tế cũng như những bế tắc liên quan đến pháp luật về phá sản, các chuyên gia pháp lý đề xuất, Luật PS sửa đổi cần phải rút gọn thủ tục phá sản, hay đơn giản hóa thủ tục này. Bởi việc chậm ra quyết định tuyên bố phá sản tạo ra nhiều bất lợi và rủi ro trong các quan hệ kinh tế. Trong quá trình chờ tòa tuyên phá sản, các nguồn lực của DN dừng hoạt động, không những lãng phí mà còn liên lụy đến các DN đang hoạt động lành mạnh khác. Với nhiều mục tiêu lợi ích cục bộ khác nhau, việc không cho DN phá sản đang tạo ra nhiều ảo tưởng về những lợi ích trước mắt. Ví dụ thay vì để DN phá sản thì ngân hàng do sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận đã cho đảo nợ, hay bơm vốn duy trì sự sống cho DN. Điều này chỉ làm tăng thêm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó còn có một thực tế khác, do lo ngại DNNN phá sản sẽ ảnh hưởng đến thành tích của cơ quản quản lý nhà nước, sợ phơi bày các yếu ké quản lý… người ta sẽ trì hoãn và biện minh bằng nhiều lý lẽ khác như gây thất nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn lao động, ảnh hướng đến an sinh khu vực… Trong khi đó, nếu cho những DNNN yếu kém ấy phá sản thì không những ngưng được việc cung ứng tài chính một cách vô ích mà còn giúp tái cơ cấu DN, đặt ra nền tảng một DN khác hiệu quả và minh bạch hơn.

TS Dương Đức Chính – Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội cho rằng, cần phải coi việc phá sản là hiện tượng khách quan của nền kinh tế thị trường, là hiện tượng bình thường trong tiến trình phát triển của nền kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, việc loại bỏ các DN, HTX thua lỗ là cần thiết. Qua đó, ngân sách nhà nước sẽ giảm được gánh nặng về tài chính, nhất là đối với các DNNN. Luật cũng không nên coi những người điều hành DN bị phá sản giống như “tội phạm” kinh tế mặc dù họ cũng có một phần trách nhiệm trong việc điều hành để DN rơi vào tình trạng phá sản. Vì xét cho cùng, việc để DNNN phá sản một phần trách nhiệm cũng thuộc về cơ quan chủ quản thực hiện giám sát thiếu chặt chẽ.

Theo ông Chính, luật cần quy định rõ cơ quan có chức năng về tài chính, có kinh nghiệm về tư vấn và xác định giá trị tài sản. Ví dụ như Bộ Tài chính cần tham gia việc định giá tài sản đảm bảo. Luật cũng cần quy định thống nhất phương pháp định giá tài sản đảm bảo của các DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản…

Mặc dù, Luật PS xác định Tòa án có vai trò trung tâm trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Giải quyết phá sản chủ yếu là công việc của Tòa án mà thẩm phán là người đại diện. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hà – Viện Khoa học xét xử (Toà án nhân dân tối cao), Tòa án sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự phối hợp tích cực của cơ quan thi hành án. Chính vì vậy, cần phải quy định rõ trách nhiệm cũng như thủ tục giải quyết vấn đề tài sản của cơ quan thi hành án sau khi DN được công bố phá sản.

Các chuyên gia cho rằng, trước hết, cần xây dựng Luật PS theo hướng rút gọn thủ tục, tạo động lực để các DN sử dụng thủ tục phá sản. Tuy nhiên, từ pháp luật đến cuộc sống cần một cuộc cách mạng về tư duy. Trước hết, hãy coi phá sản là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế.   

Nguồn báo TTTC

Nhập môn kế toán quản trị