Một số câu hỏi về BHYT, BHXH tiêu biểu được trả lời bởi BHXH Việt Nam

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 01/07/2016 - 11707 lượt xem.


Đăng ký KCB tại bệnh viện này nhưng lại muốn sinh ở bệnh viện khác
Câu hỏi:

Hiện tôi có thắc mắc về việc thông tuyến BHYT từ ngày 1/6/2016 như sau:
Vừa qua tôi có đăng ký bảo hiểm y tế thuộc bệnh viện nhân dân Gia định – Quận Bình Thạnh Tp HCM. Tôi đang trong thời gian đầu việc mang thai em bé nên đang dự tính sử dụng dịch vụ y tế trong việc khám & sinh con. Không biết tôi có thể dùng thẻ BHYT này để sử dụng quá trình khám & sinh con này tại bệnh viện Từ Dũ – Quận 1 – TP HCM được không? Nếu dùng thẻ bảo hiểm y tế này thì có được hưởng gói hỗ trợ BHYT tương đương như ở Bệnh viện Gia định nơi tôi đăng ký bảo hiểm được không? hay số phần trăm dịch vụ sẽ thấp hơn nơi đăng ký chính? Mong quý cơ quan bảo hiểm trả lời cho thắc mắc này của tôi để tôi có định hướng khám chữa bệnh đúng đắn ngay từ ban đầu.

Trả lời: 

Về nguyên tắc khi Bà đến sinh con tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (bệnh viện tuyến tỉnh) nhưng được chuyển tuyến sang Bệnh viện Từ Dũ (bệnh viện tuyến tỉnh) thì quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT.

Trường hợp Bà tự đến sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT.

Bị tai nạn lao động khi chưa có thẻ BHYT

Câu hỏi:

Tháng 2/2016 công ty tôi có ký HĐLĐ với 1 người lao động và tham gia đóng BH cho người đó luôn. Nhưng do là tháng nghỉ tết và phải chờ dữ liệu nên ngày 25/02 công ty tôi mới chuyển chứng từ đi và đến 08/03 công ty tôi nhận được thẻ BHYT của người lao động. Ngày 19/2 người lao động bị tai nạn giao thông trên đường về nhà và được xác nhận là tai nạn lao động (không suy giảm khả năng lao động). Nằm viện đến ngày 29/2 thì xuất viện. Do chưa có thẻ BHYT nên người lao động phải thanh toán 100% viện phí. Trong thời gian người lao động nghỉ điều trị công ty tôi vẫn trả lương bình thường. Vậy cho tôi hỏi, công ty tôi có phải thanh toán tiền viện phí mà người lao động đã thanh toán hay không? Nếu có thì mức thanh toán là bao nhiêu %? Trong trường hợp này công ty tôi có thể làm hồ sơ gửi BH đề nghị thanh toán không?

Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 16 Luật BHYT nêu rõ thẻ BHYT của đối tượng người lao động có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Theo đó, ngày 25/02 công ty của Bà mới chuyển danh sách lao động tham gia BHXH và BHYT và đến ngày 08/03 thì nhận được thẻ BHYT.

Theo Tiết b Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 47 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam nêu rõ: thời hạn sử dụng trên thẻ BHYT của đối tượng người lao động được tính từ ngày đầu tiên của tháng đóng BHYT đến ngày 31/12 trong năm. Như vậy:

-Trường hợp công ty đóng BHYT cho người lao động vào ngày 25/02 thì thẻ BHYT của người lao động có thời hạn sử dụng bắt đầu từ ngày 01/02, khi đó, người lao động sẽ làm thủ tục thanh toán trực tiếp chi phí KCB với cơ quan BHXH;

-Trường hợp công ty đóng BHYT cho người lao động sau ngày 01/03 thì thẻ BHYT của người lao động có thời hạn sử dụng bắt đầu từ ngày 01/03, khi đó công ty phải thanh toán toàn bộ chi phí trong phạm vi, quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người đó đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ (căn cứ Điểm b Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT).

Đăng ký KCB 1 nơi nhưng lại đi khám ở tỉnh khác nơi đã đăng ký

Câu hỏi:

Mẹ tôi đăng ký khám bệnh tại bệnh biện đa khoa Đồng Nai, nhưng giờ thì mẹ tôi về quê Bắc Giang, mẹ tôi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang nhưng họ bảo không được thanh toán BHYT, vậy BHYT đó giờ không sử dụng được ạ?

Trả lời:

Trường hợp mẹ của bạn đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhưng muốn được hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cần xuất trình thêm giấy xác nhận tạm trú hoặc giấy công tác tại Bắc Giang để được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh đúng tuyến. Trường hợp không có giấy xác nhận tạm trú hoặc giấy công tác thì được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh trái tuyến. Các trường hợp khám chữa bệnh cấp cứu được quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến, người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT (còn hạn sử dụng) và giấy tờ tùy thân hợp pháp.

Đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu

Câu hỏi:
Bố em hiện tại đủ 60 tuổi, không đủ tuổi tái cử mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội mới được 16 năm.. em nghe nói có thể đóng 1 lần để nghỉ hưu theo thông tư 01/2016 phải không anh (chị)?

Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH và BHXH tự nguyện; Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, trường hợp Bố của bạn đủ 60 tuổi có 16 năm đóng BHXH thì được đóng BHXH tự nguyện một lần thời gian còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí.

Đề nghị bạn liên hệ với đại thu BHXH, BHYT tại xã hoặc cơ quan BHXH cấp huyện nơi cứ trú để được hướng dẫn cự thể.

Bị ung thư, cần làm thủ tục gì để được bảo hiểm chi trả?

Câu hỏi:

Bạn Hoài Thương (Vĩnh Phúc) hỏi: Em năm nay 25 tuổi, em tham gia BHYT tại cơ quan. Em vừa đi khám và chẩn đoán bị ung thư vú. Em biết nếu giờ em muốn được mổ thì bảo hiểm có chi trả viện phí cho em không? Nếu muốn được bảo hiểm chi trả thì em cần làm những thủ tục gì ạ?
Trả lời:

Theo quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 3, Điều 16 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, đối với người lao động tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Vì vậy, khi có thẻ BHYT thì Bà sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi điều trị ung thư vú thì Bà phải được cơ sở đăng ký KCB ban đầu chuyển lên tuyến KCB liền kề hoặc tuyến cao hơn nếu tuyến liền kề không điều trị được.

Không xuất trình thẻ lúc nằm viện thì hồ sơ gửi cơ quan BHYT như thế nào?

Câu hỏi:
Tôi có người nhà nằm viện vào đầu 02/2016 thuộc Bệnh viện huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nhưng không có trình thẻ BHYT lúc nằm viện. Vậy cho tôi hỏi bây giờ có thanh toán trực tiếp được hay không? Thủ tục như thế nào?
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế: Trường hợp không xuất trình thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh thì được thanh toán trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp gồm có:

– Giấy ra viện;

– Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan);

– Thẻ Bảo hiểm y tế và một trong các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, bằng lái xe…

Đề nghị Ông mang hồ sơ, chứng từ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ để được hướng dẫn giải quyết.
#################################

Những câu hỏi và trả lời trên đã được lượt bớt những thông tin không cần thiết

Mời độc giả xem nhiều câu hỏi hơn tại đường link dưới, WKT chỉ trích một số câu hỏi tiêu biểu

Nguồn: Trang chủ BHXH Việt Nam

Diễn đàn Webketoan