Ngân hàng hớ nặng vì tài sản thế chấp bốc hơi

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 29/08/2012 - 5745 lượt xem.

 

Ngân hàng thuê người canh 24/24 giờ nhưng lô hàng là tài sản thế chấp vẫn “bốc hơi". Một lô hàng gán cho nhiều nơi nhưng chủ nợ không hay.
Thế chấp heo, gà, chim cút để vay ngân hàng
Chết vì đem lợi nhuận đổ vào bất động sản, chứng khoán

Gần đây, nhiều tổ chức tín dụng đã đâm đơn khởi kiện, tố cáo chủ doanh nghiệp lừa đảo liên quan đến các khoản vay thế chấp bằng hàng hóa. Cách đây vài tháng, cơ quan chức năng phát hiện Công ty chế biến thủy sản An Khang (Cần Thơ) đã dùng 2 kho hàng 300 tấn thực phẩm đông lạnh, nhưng lại được kê lên 1.000 tấn, để thế chấp vay vốn cùng lúc tại 5 ngân hàng.

Giữa lúc 5 ngân hàng còn đang bàn tính phương án giải chấp 2 kho hàng để thu hồi khoản nợ 305 tỷ đồng, thì lãnh đạo Công ty An Khang đã mở kho cho nông dân vào lấy sạch hàng trừ nợ tiền mua cá. Vụ việc vỡ lở, lãnh đạo Công ty An Khang bị khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chi nhánh Vietcombank Hải Phòng đang có nguy cơ bị Công ty cổ phần kinh doanh kim khí Hải Phòng “xù nợ”. Đến ngày 18/10/2011, công ty này có dư nợ và lãi phát sinh hơn 46 tỷ đồng. Nhưng tài sản thế chấp cho khoản vay này là hàng tồn kho (gồm 1.635 tấn thép cuộn và 2.280 tấn thép tấm) đã “bốc hơi” từ lâu.

Việc cho vay thế chấp bằng hàng hoá, dễ gây nợ xấu và rủi ro cao Trong ảnh: Một lô hàng thép, Cty Thái Sơn (Hải Phòng) đã thế chấp vay vốn của cả chục ngân hàng. Ảnh: TP.
Việc cho vay thế chấp bằng hàng hoá, dễ gây nợ xấu và rủi ro cao Trong ảnh: Một lô hàng thép, Cty Thái Sơn (Hải Phòng) đã thế chấp vay vốn của cả chục ngân hàng. Ảnh: TP.

Theo các cổ đông, ông Phạm Văn Thưởng, Giám đốc Công ty đã bán hết hàng và đem tiền đầu tư việc khác mà ngân hàng không hay biết.

Cùng thời gian này, Công ty kim khí Hải Phòng có nợ quá hạn Tổng Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) chi nhánh Nam Định 39 tỷ đồng và lãi quá hạn 8,6 tỷ đồng. Đây là khoản vay đầu tư dự án nhà máy vôi Thanh Hóa.

Tuy nhiên, công ty này đã bán hàng hóa mà không trả tiền cho PVFC Nam Định. Hiện mới chỉ có Vietcombank Hải Phòng khởi kiện dân sự đòi nợ, thay vì tố cáo con nợ lừa đảo.

Điển hình nhất của vụ bán hàng thế chấp là Công ty TNHH công nghiệp – thương mại Thái Sơn (trụ sở tại Hải Phòng) vay vốn của 13 tổ chức tín dụng với số nợ hơn 735 tỷ đồng.

Ngày 8/8, hai cha con ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch – Tổng giám công ty bị khởi tố, bắt giam về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Vụ việc vỡ lở khi cuối năm 2010, ông Phạm Hải Thanh (con trai ông Thụ) đã vay 270 tỷ đồng của chi nhánh Ngân hàng Đông Á (tại TP HCM) để mua 12.000 tấn thép, thế chấp bằng chính lô hàng này.

Nhưng ông Thanh nhiều lần bán số hàng này (bán lòng vòng cho các Công ty cũng của cha con ông Thu), để tạo hồ sơ hàng hoá ảo, rồi lấy chính những hồ sơ này làm tài sản thế chấp vay tiền của nhiều ngân hàng, rút tiền trả cho những khoản nợ khác, thay vì trả tiền cho Ngân hàng Đông Á.

Do đó, ngân hàng này đã tố cáo cha con ông Thụ lừa đảo. Tuy nhiên, đến khi sự việc vỡ lở, ngân hàng mới phát hiện, các lô hàng thế chấp của Công ty Thái Sơn với 11 ngân hàng (sau Đông Á) chỉ là “tài sản ảo”, được luân chuyển bằng hồ sơ mua bán trong nhóm công ty con.

Một chủ nợ của Công ty Thái Sơn phần trần rằng, vì Công ty Thái Sơn mua bán hàng lòng vòng qua 8 công ty con, mà các đơn vị này hoạt động độc lập. Cho nên, một lô hàng được thế chấp tại nhiều nơi thì ngân hàng cũng khó kiểm soát được.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) cho biết: “Khoản vay thế chấp bằng hàng hóa có rủi ro rất lớn, nhất là với hàng tồn kho luân chuyển nếu khâu kiểm soát hàng tồn kho lỏng lẻo”.

Theo ông Hoàn, để chống thất thoát hàng, các ngân hàng luôn kiểm soát chặt chẽ hóa đơn, chứng từ của lô hàng, cử người bảo vệ sang tận kho hàng và kiểm tra thường xuyên.

Nếu hàng hóa giảm giá trị so với định giá ban đầu, ngân hàng còn yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm tiền hoặc bổ sung tài sản bảo đảm.

Trên thực tế, có chuyện hài hước là: Cán bộ tín dụng xuống kiểm tra hàng hóa, thấy hàng vẫn nằm trong kho thì rất yên tâm. Kỳ thực, doanh nghiệp đã bán lô hàng đó hoặc đem thế chấp cho nhiều ngân hàng khác.

Đơn cử, chi nhánh PVFC Hải Phòng đã cử người giám sát hàng hóa 24/24 giờ và trực tiếp thu tiền bán hàng, nhưng vẫn bị Công ty Thái Sơn “qua mặt” bán hết hàng (lô thép 1.200 tấn), để lại số nợ quá hạn lên tới 94 tỷ đồng. Hiện, chủ nợ này đang khởi kiện Công ty Thái Sơn để thanh lý tài sản đảm bảo (trụ sở công ty), hi vọng thu hồi nợ.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mất hàng thế chấp là lỗi của cả doanh nghiệp và bên cho vay. Nhất là, ngân hàng đã không dùng biện pháp ngăn ngừa rủi ro, không làm đúng theo quy trình. Do đó, trong nhiều năm qua, nhiều ngân hàng có nợ xấu cũng là vì cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho

“Nếu doanh nghiệp thuê người bảo vệ, làm đúng quy trình mà hàng hóa vẫn thất thoát, thì dứt khoát là rủi ro về đạo đức của cán bộ ngân hàng và đơn vị bảo vệ”- ông Hoàn nói và chỉ rõ, việc kiểm soát hóa đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng thế chấp của ngân hàng chắc chắn có vấn đề.

Vì để biết tình trạng hàng hóa (còn hay đã bán) và xác nhận đúng hàng của mình, ngân hàng phải đối chiếu số liệu trên sổ sách với thực tế hàng tồn kho. Như vậy, việc thất thoát hàng hóa, chắc chắn phải có sự thông đồng, tiếp tay của nhiều người.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trước khi nhận thế chấp hàng tồn kho, ngân hàng cần đánh giá 3 điều kiện: Hàng có giá trị, có thị trường tiêu thụ, và có thể kiểm soát được. Chỉ khi hội đủ 3 yếu tố thì hàng tồn kho mới trở thành tài sản bảo đảm.

Sau đó, ngân hàng phải cân nhắc tỷ lệ cho vay hợp lý, có thể là 30-50% giá trị hàng tồn kho, hoặc có thể cho vay trên 50% (tùy theo chất lượng tài sản bảo đảm), chứ không thể cho vay 100%.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, sẽ còn nhiều ngân hàng phải nhận “quả đắng” khi cho vay thế chấp bằng hàng hóa, mà rủi ro lớn nhất là mất vốn.

Trong các vụ việc trên, khoan hãy kết tội ngân hàng “gà vịt”, điều quan trọng là tìm giải pháp để thu hồi vốn, trong đó, phần lớn là vốn của nhà nước.

(Nguồn: http://ebank.vnexpress.net)