Nghi vấn DN FDI chuyển giá: Bao giờ có kết luận?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 22/05/2013 - 5413 lượt xem.

Vấn đề chuyển giá ở các doanh nghiệp (DN) tên tuổi như Adidas, Metro, Coca-Cola… vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Sự chậm trễ này có thể khiến các nhà đầu tư FDI này chịu áp lực của dư luận, thậm chí là một cuộc khủng hoảng về quan hệ công chúng.

coca-cola-soundwave-2013

Cả Coca-Cola và người tiêu dùng cần có một kết luận minh bạch
 
Gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện video “Chuyện của Mai” có nội dung phản đối mạnh mẽ Coca-Cola sau nghi án chuyển giá nhằm trốn thuế tại Việt Nam. Sở dĩ diễn ra sự phản ứng này là do sự chậm trễ trong điều tra và đưa ra kết luận từ các cơ quan quản lý có trách nhiệm. 

Trong gần 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ nên hãng không phải đóng thuế. Chỉ riêng trong năm 2010, hãng này đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam.

Lũy kế, con số thua lỗ mà Coca-Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu USD trong thập kỷ vừa qua. Cho dù liên tục kêu lỗ như vậy, song trong kế hoạch 3 năm tiếp theo của công ty này, Coca-Cola vẫn dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến Coca-Cola không tránh khỏi nghi án chuyển giá.

Đáng chú ý là trong danh sách các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị nghi vấn dính đến chuyển giá hoặc trốn thuế còn xuất hiện nhiều thương hiệu lớn khác, trong đó có cả Pepsi, Adidas, thậm chí là Samsung.

Thành lập từ năm 1993, doanh thu của Adidas Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động tại Việt Nam nhưng Adidas vẫn thường xuyên báo lỗ.

Trước nghi vấn dành cho các DN Mỹ, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, đã có những nhận định: “Tại những quốc gia có khung pháp luật chặt chẽ, kín kẽ và minh bạch thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Việt Nam không may là không nằm trong số đó”.

Ông Adam Sitkoff còn cho rằng, mặc dù mọi việc đang tranh cãi song vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Coca-Cola có hành vi bất hợp pháp ở Việt Nam.

“Ngay cả như ở Mỹ, nhiều công ty lớn vẫn không phải trả thuế mặc dù họ dường như hoạt động thành công”, đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội nói thêm .

Một tập đoàn có lịch sử lâu đời như Coca-Cola thừa hiểu phải giải quyết ra sao khi gặp phải sự phản ứng từ hai phía: cơ quan quản lý quốc gia sở tại và người tiêu dùng.

Riêng về cơ quan quản lý, chuyện chuyển giá bằng cách này hay cách khác đều đã được đem ra mổ xẻ, ngay chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phải đăng đàn trả lời. Nhưng nhìn chung, việc giải quyết rốt ráo vấn đề này vẫn chưa được cơ quan quản lý thực hiện.

Cùng lúc này, một thông tin mới sẽ càng khiến bộ phận thu hút đầu tư nước ngoài lo nghĩ là việc công bố đầu tư lớn của Coca-Cola vào Indonesia.

Giám đốc Tài chính Coca-Cola Amatil Indonesia (CCAI – có trụ sở tại Úc), ông Stuart Comino cho biết, nhà sản xuất và phân phối thương hiệu Coca-Cola cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương này sẽ đầu tư 500 triệu USD trong vòng 3 – 4 năm tới vào Indonesia.

Ông Stuart Comino cho biết thêm, công ty sẽ chi 90 triệu USD trong năm nay, bao gồm 40 triệu USD xây dựng một nhà máy mới tại Semarang, tỉnh Trung Java, 20 triệu USD và 30 triệu USD cho hai dây chuyền sản xuất đồ uống tại Surabaya, tỉnh Đông Java và Cibitung, tỉnh Tây Java.

Theo báo cáo tài chính năm 2012 của CCAI, Indonesia và Papua New Guinea ghi nhận doanh thu cao nhất so với các thị trường khác mà công ty đang có mặt, bao gồm Úc, New Zealand và Fiji, trong đó Indonesia đạt mức tăng trưởng 10,3% đối với các thương hiệu quen thuộc như Coke, Sprite và Fanta.

Tổng giám đốc CCAI, ông Erich Rey nói rằng doanh thu của công ty sẽ đạt mức tăng trên 10% năm nay và sẽ vẫn dẫn đầu thị trường nước giải khát có ga ở Indonesia.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cũng giống như thị trường Indonesia, trong suốt những năm qua, Coca-Cola luôn nằm trong top dẫn đầu về thương hiệu ưa chuộng nhất, nhưng xét về lợi nhuận, trong khi Coca-Cola Indonesia luôn báo cáo sự tăng trưởng, thì trái lại Coca-Cola Việt Nam toàn… lỗ.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đã có đề án về chống chuyển giá nhưng phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc điều tra chuyển giá sẽ chỉ áp dụng với một số DN, không áp dụng đồng loạt để tránh ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trước phản ứng của người tiêu dùng, muốn hay không thì cơ quan quản lý nên sớm đưa ra kết luận về các nghi án chuyển giá trong thời gian qua. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng dư luận, vừa bảo vệ được những nhà đầu tư FDI chính đáng không bị rơi vào cuộc khủng hoảng về quan hệ công chúng tại Việt Nam.

 

HẢI ANH
Nguồn DNSG Online
Nhập môn kế toán quản trị