Những cỗ máy tài chính ngầm lợi hại

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 27/02/2013 - 4470 lượt xem.
Một số thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam đã bị thâu tóm thông qua các SPV.

Nếu cổ đông của công ty bạn sở hữu một số doanh nghiệp mới thành lập không có liên quan gì với nhau và bỗng một ngày, họ ủy quyền hết cho một người thì rõ ràng công ty bạn đã bị đối thủ thâu tóm bằng SPV (Special Purpose Vehicle). Không chỉ được dùng để thực hiện mục tiêu thâu tóm, cỗ máy tài chính ngầm này còn có nhiều công dụng lợi hại khác.

SPV là các công ty được lập ra để thực hiện một mục đích đặc biệt, nhưng tuyệt nhiên không phải để sản xuất. SPV có nguồn gốc từ Mỹ và nở rộ ra khắp nơi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Việt Nam là một thị trường mới nổi nhưng các SPV lại khá phổ biến và có nhiều hình thức.

15667_SBS-Sacombank

Nghi vấn SBS gánh lỗ thay công ty mẹ là Sacombank đã từng đặt ra

Ở Việt Nam, các SPV xuất hiện nhiều trong lĩnh vực tài chính. Trong lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp Việt hầu như chưa quen với loại hình này. Phổ biến là ở các liên doanh, nhiều ông chủ Việt do chưa quen với loại hình SPV nên dễ gặp rắc rối.

Mới đây nhất là trường hợp của Công ty Dệt May Phong Phú, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Phong Phú liên doanh với Công ty Dệt may đa quốc gia ITG (Mỹ) vào năm 2007. Sau một thời gian hợp tác êm đẹp, đầu năm 2012, liên doanh này tan rã do xảy ra một số tranh chấp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tiết lộ của Giám đốc một công ty tư vấn tài chính tại TP.HCM (không muốn nêu tên), ITG Việt Nam, đơn vị liên doanh với Phong Phú, là một SPV. Do đó, việc giải quyết tranh chấp với ITG Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Có không ít trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra. Một số tập đoàn nước ngoài lập công ty con tại Việt Nam, nhưng bản chất là SPV. Công ty này sẽ hợp tác lập ra liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất hàng hóa. Trong quá trình hoạt động, SPV này sẽ chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm bằng cách mua lại trực tiếp. Thông qua đó, SPV dùng nhiều cách để mua giá thấp, bán nguyên liệu giá cao hoặc nâng cao chi phí quản lý. Mục đích là làm cho liên doanh đó lỗ hoặc giảm lợi nhuận. Bằng cách này, SPV có thể chuyển phần lớn lợi nhuận về cho tập đoàn mẹ. Đây cũng chính là chuyện liên quan đến những tranh cãi chưa có hồi kết, khi không ít tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ lớn trong năm rồi.

Vị Giám đốc của công ty tư vấn tài chính nói trên cho rằng ngoài việc chuyển lỗ, còn có một cái lợi nữa là khoanh vùng trách nhiệm, tránh ảnh hưởng đến uy tín công ty mẹ. Như trường hợp của liên doanh Phong Phú – ITG, chỉ có pháp nhân ITG Việt Nam chịu trách nhiệm. “Đây cũng là công cụ hiệu quả để thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam thời gian qua”, vị này nhận xét.

Khá nhiều SPV ra đời tại Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu thành lập để thâu tóm các doanh nghiệp Việt. Điển hình là vụ thâu tóm ầm ĩ Ngân hàng Sacombank (STB). Khá nhiều cổ đông của Sacombank là các công ty mà tên tuổi chẳng được mấy người biết đến và cũng không dễ tìm thấy thông tin liên quan. Ở những trường hợp thâu tóm tương tự, những công ty vừa mới xuất hiện cũng tham gia mua cổ phần của đối tượng, sau đó ủy quyền hoặc bán lại cho người đại diện nhóm. Vì thế, thị trường không dễ nhận biết và cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát.

Theo chuyên viên nghiên cứu của một quỹ đầu tư tại TP.HCM (không muốn nêu tên), việc lập ra các SPV để xử lý nợ xấu và làm sạch báo cáo tài chính của công ty mẹ ở Việt Nam cũng không phải là hiếm. Vị này cho biết việc sụt giảm lợi nhuận đột biến của một số ngân hàng trong năm 2012 có liên quan một phần đến các SPV.

“Kinh tế Việt Nam gặp khó khăn từ năm 2008, nhưng hằng năm nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn. Có thể các SPV đã giúp các ngân hàng làm sạch phần lớn nợ xấu. Đến khi họ bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra và bắt buộc phải trích lập đầy đủ thì nợ xấu lại tăng lên và lợi nhuận sụt giảm bất thường”, vị này nhận xét.

Trường hợp của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) là một ví dụ. Vào quý II/2011, SBS báo lỗ 163 tỉ đồng. Đến cuối năm, con số này được nâng lên 610 tỉ đồng và sau kiểm toán, Công ty báo lỗ 788 tỉ đồng. Đến quý I/2012, SBS báo lỗ thêm 660 tỉ đồng nữa. Nghi vấn SBS gánh lỗ thay công ty mẹ là Ngân hàng Sacombank đã được đặt ra lúc đó.

Theo vị chuyên viên nghiên cứu trên, các tập đoàn tư nhân cũng hay sử dụng SPV, như một tập đoàn tư nhân trong lĩnh vực thực phẩm có trụ sở ở TP.HCM. Chủ tịch tập đoàn này liên tục lập ra các SPV để làm sạch các khoản lỗ do những khoản đầu tư xấu mang lại. Thậm chí, ông còn cho nhân viên đứng tên các công ty này để tránh bị chú ý. “Có khi bây giờ, ông cũng chẳng nhớ tập đoàn mình có bao nhiêu công ty con nữa”, vị này nói.

Nói đến việc tránh bị chú ý, đã có không ít ông chủ Việt Nam đã sử dụng SPV một cách có hiệu quả. Đó là chuyển phần sở hữu cá nhân về công ty riêng do họ sở hữu 100% vốn. Đã xuất hiện một số trường hợp như thế trên thị trường.

Chẳng hạn, hồi tháng 8.2011, vợ chồng Chủ tịch Công ty Kinh Đô đã chuyển hơn 14,5 triệu cổ phiếu về Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên PPK do ông Chủ tịch sở hữu. Trước đó, một số người thân của Chủ tịch Ngân hàng Sacombank cũng đã chuyển gần 15 triệu cổ phiếu STB về Công ty Sản xuất Thương mại Thành Thành Công, do vợ vị này làm Chủ tịch.

Tương tự, hồi tháng 5.2012, ông Trần Xảo Cơ, Chủ tịch Công ty Hữu Liên Á Châu (HLA) và vợ đã chuyển nhượng hơn 4,7 triệu cổ phiếu về công ty riêng là Công ty Đầu tư Xảo Cơ Lan Phương do hai người sở hữu 100%. Trường hợp đầu tiên khởi đầu xu hướng này là trường hợp của Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, đã chuyển toàn bộ hơn14,2 triệu cổ phiếu SSI sang công ty riêng là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nguyễn Duy Hưng hồi cuối năm 2009.

Lý do thường được đưa ra khi thực hiện động thái này là để quản lý danh mục đầu tư hiệu quả hơn, vì một người có thể giữ nhiều loại cổ phiếu. Tuy nhiên, theo vị chuyên viên nghiên cứu thuộc quỹ đầu tư nói trên, cái lợi lớn nhất nằm ở thuế. Nếu cá nhân đóng thuế thì lãi lỗ đều tính chỉ cho 1 năm. Nhưng nếu doanh nghiệp lỗ thì có thể được trừ vào lợi nhuận trong 5 năm sau đó. Mặt khác, dù chỉ quản lý danh mục giống như một cá nhân đầu tư nhưng doanh nghiệp còn được trừ ra nhiều loại chi phí như chi phí quản lý, chi phí hoạt động trước khi quy về mức lợi nhuận phải đóng thuế. 

 

Giản Phúc

Nguồn: NCĐT