Niêm yết sàn ngoại: Chuông rè tắt tiếng xứ người

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 06/09/2012 - 4481 lượt xem.

 

Cách đây 5 – 7 năm, một loạt các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đánh tiếng thực hiện kế hoạch huy động vốn quốc tế bằng con đường niêm yết sàn ngoại. Tuy nhiên, đến nay, số lượng cổ phiếu, trái phiếu “xuất khẩu” được thành công mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hoàng Anh Gia Lai: Tàu sớm hồi hương

Từng là một trong những cổ phiếu dẫn dắt VN-Index nhưng ngay cả đơn vị tư vấn Credit Suisse Singapore cũng khuyên Hoàng Anh Gia Lai nên sớm bỏ cuộc chơi tại sàn SGX của Singapore.

 

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thông báo từ trung tuần tháng 8 hủy niêm yết toàn bộ trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). Mặc dù theo kế hoạch ban đầu, lượng trái phiếu trị giá 90 triệu USD của HAGL đến tận năm 2016 mới chính thức đáo hạn. Bất ngờ là chỉ sau 15 tháng ngắn ngủi du ký trên sàn ngoại, HAGL chấp nhận sớm dừng cuộc chơi.

 

Theo ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAGL, có hai lý do chính dẫn đến việc trái phiếu hủy niêm yết tại SGX: Thứ nhất, lượng trái chủ nắm giữ trái phiếu không nhiều nên việc tiếp tục niêm yết không thực sự cần thiết. Thứ hai, việc hủy niêm yết sẽ giúp HAGL tiết kiệm được chi phí thường niên duy trì việc niêm yết.

Đề cập sâu hơn về vấn đề này, ông Võ Trường Sơn Phó tổng giám đốc Phụ trách vấn đề tài chính của HAGL cho biết, trái phiếu của HAGL phát hành đầu năm 2011. Số tiền được đầu tư cho các dự án thủy điện và cao su.

Theo kế hoạch ban đầu, HAGL kỳ vọng thu về 200 triệu USD. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế thế giới không thuận lợi, đặc biệt là do ảnh hưởng của sự kiện sóng thần tại Nhật Bản, nên lượng trái phiếu phát hành thành công chỉ tương ứng với 45% kỳ vọng ban đầu.

Dù vậy, thực hiện theo cam kết, HAGL vẫn đem trái phiếu niêm yết trên SGX. Thế nhưng, sau thời gian lên sàn, thanh khoản của trái phiếu không cao. Sau khi hội ý với đơn vị tư vấn là Credit Suisse Singapore Ltd., HAGL đi đến quyết định xin hủy niêm yết.

Việc trái phiếu của HAGL xuất ngoại được quan tâm bao nhiêu thì việc hủy niêm yết cũng được đem ra mổ xẻ kỹ càng bấy nhiêu. Bình luận về vấn đề này, ông Trịnh Thanh Cần, Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Chứng khoán TP.HCM, đánh giá:

“Nhiều khả năng trái chủ nắm giữ trái phiếu của HAGL là các khách hàng lớn của Credit Suisse. Vì vậy, khi định chế tài chính này đã tư vấn cho HAGL phát hành trái phiếu và niêm yết tại SGX thì họ cũng có thể đứng ra làm trung gian môi giới chuyển nhượng trái phiếu. Khi trái phiếu của HAGL có thanh khoản thấp, việc tiếp tục niêm yết không thật sự cần thiết”.

Một lãnh đạo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam đưa ra cách lý giải khác. Theo đó, HAGL phải trả cho người nắm giữ trái phiếu trái tức 9,875%/năm – chi phí vốn không hề thấp khi lãi suất cho vay USD tại nhiều nước phát triển nằm trong khoảng từ 4 – 5%/năm.

Theo vị này, định mức tín nhiệm của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến mức trái tức. Công ty càng được các tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá cao bao nhiêu thì giới đầu tư quốc tế nhìn nhận độ rủi ro của các công cụ nợ thấp bấy nhiêu. Vì vậy, độ rủi ro và trái tức luôn tương quan tỷ lệ thuận cùng chiều. Rủi ro cao thì trái tức cao và ngược lại.

Trở lại trường hợp của HAGL, dù đã đầu tư mạnh mẽ và lấn sân sang nhiều lĩnh vực mới như khai thác mỏ, trồng cây cao su, mía đường, thủy điện nhưng trong năm 2012, nguồn thu chính vẫn phụ thuộc vào bất động sản. Với tình hình thị trường nhà đất trầm lắng, HAGL đối diện với rủi ro mất cân đối về dòng tiền.

Gần đây, các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới như Standard & Poor’s (S&P), Fitch đồng loạt lên tiếng và cảnh báo vấn đề này. Giới đầu tư quốc tế vì vậy buộc phải cẩn trọng với trái phiếu HAGL phát hành. Không giành được sự quan tâm thực sự nên trái phiếu của HAGL ít có giao dịch. Niêm yết trên sàn ngoại nhưng không đạt được mục đích thanh khoản, HAGL chọn hướng hủy niêm yết là tất yếu.

Cần nhắc lại là vào tháng 7 vừa qua, S&P hạ bậc tín nhiệm của HAGL khi cho rằng hoạt động kinh doanh của Công ty dễ bị tổn thương trước các rủi ro tài chính: HAGL mở rộng hoạt động sang trồng cây cao su và các dự án thủy điện khiến chi phí vốn tăng vọt song chưa có nguồn thu. Sự chậm trễ trong việc xin giấy phép khởi động các mỏ khai thác quặng sắt ở Lào và Campuchia cũng khiến rủi ro trong đầu tư của HAGL tăng lên.

Trước đó vào, đầu tháng 3 năm nay, tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch cũng đã điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của HAGL từ mức ổn định xuống tiêu cực. Phản ứng trước các nhận định này, phía HAGL cho rằng các hãng xếp hạng tín nhiệm không cập nhật và theo sát tình hình tài chính của Công ty.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố cho thấy 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận thuần của HAGL giảm tới 72% so với cùng kỳ. Một nửa niên độ tài chính đã trôi qua nhưng HAGL mới hoàn thành 18% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

 (Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn)