Nỗi lòng “Kế toán tổng hợp” tại doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 21/09/2017 - 29794 lượt xem.

– Tôi là một cựu kế toán đã trải qua thăng trầm của nghề nhà kế đến nay khoảng hơn 20 năm và đi từ các vị trí từ thủ quỹ, thủ tho, kế toán vật tư, kế toán thanh toán, kế toán giá thành, kế toán tổng hợp và đã lên vị trí Kế toán trưởng đến hiện tại khoảng trên 10 năm. Đã từng trải qua tất cả các loại hình doanh nghiệp và quyết toán thuế cho nhiều các công ty Doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, và cũng đã từng tuyển rất nhiều nhân viên kế toán cho các loại hình Doanh nghiệp.

– Chính vì vậy tôi rất thấu hiểu một nhân viên kế toán ra trường chỉ mới có kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm thậm chí nhân viên kế toán vừa mới ra trường và được học qua các lớp Kế toán thực tế, thì họ chỉ làm được các công việc nào của kế toán và làm như thế nào để có hiệu quả cho doanh nghiệp và đây cũng chính là phân khúc nhân viên kế toán mà các ông chủ Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã tuyển về làm “Kế toán tổng hợp” cho Doanh nghiệp.

– Trước khi tuyển “ Kế toán tổng hợp” cho Doanh nghiệp thì các ông chủ nên tìm hiểu như thế nào là kế toán tổng hợp đã.

Chúng ta hiểu một các đúng nghĩa của Kế toán tổng hợp tại Doanh nghiệp là việc ghi chép, phản ánh một cách tổng quát trên các tài khoản, sổ kế toán và các báo cáo tài chính theo các chỉ tiêu giá trị của doanh nghiệp và bao gồm các nghiệp vụ sau:

• Kiểm tra toàn bộ các định khoản, các nghiệp vụ phát sinh.
• Kiểm tra, đối chiếu giữa số liệu chi tiết và số liệu tổng hợp.
• Kiểm tra số dư cuối kỳ có hợp lý và đúng với thực tế không.
• Xác định và đề xuất lập dự phòng hoặc xử lý công nợ phải thu khó đòi.
• Tính giá thành, định khoản các nghiệp vụ về giá thành.
• Kết chuyển doanh thu, chi phí, lãi lỗ.
• In sổ kế toán.
• Lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thống kê,…
• Lập các báo cáo thuế.
• Cùng kế toán trưởng giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu cho các cơ quan như: thuế, kiểm toán, các đoàn thanh tra kiểm tra khi có yêu cầu.
• Kiến nghị và đề xuất các biện pháp khắc phục cải tiến

Nhưng tại các Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hiện nay các ông chủ tuyển “Kế toán tổng hợp” như thế nào? và đã giao họ làm các công việc gì trong vị trí đó?. Đã vào các Doanh nghiệp này kế toán phải biết sáng tạo làm tuốt tuồn tuột từ A đến Z, trong khi đó bản thân kế toán chưa thành thạo mà đã phải “ Sáng tạo” thì hiệu quả công việc sẽ ra sao? Họ phải đè lên đôi vai mình các công việc sau:

+ Làm công việc của hành chính văn phòng, và các công việc không tên ( Văn thư, tạp vụ …)
+ Làm cả sang công việc của kinh doanh (hợp đồng, báo giá, đặt hàng, gọi hàng…)
+ Thậm chí còn phải làm thêm cả công việc của kỹ thuật ( làm hồ sơ thầu, bóc dự toán …)
+ Vừa làm công việc của một nhân viên kế toán, một kế toán tổng hợp và luôn cả các công việc của “Kế toán trưởng”.
+ Làm tất cả công việc của kế toán thuế và nội bộ và nếu may thì có thể Doanh nghiệp họ đi thuê kế toán thuế ở ngoài.

                                 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

– Đây quả là cả một “Núi” công việc đối với một kế toán đấy ạ.
Doanh nghiệp thì nhỏ, siêu nhỏ thật, nhưng công việc thì lại là quá “nhớn” đối với một hoặc chỉ đến hai kế toán mà các ông chủ đã tuyển về cho mình.

– Không ai thấu hiểu nỗi khổ công việc mà họ đang làm, chỉ có những người ở trong nghề như chúng tôi thì mới có thể hiểu được họ. Nếu họ có chia sẻ với các ông chủ thì cũng chỉ nhận được câu trả lời ôi! Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì kế toán làm gì có việc mấy để mà làm. Chính suy nghĩ ấy đã dẫn đến cảm xúc mặc kệ không quan tâm đến kế toán và giao cả một “Núi” công việc để họ làm rồi cuối cùng các ông chủ sẽ nhận được kết quả ra sao?.

– Ở đây tôi chưa nói đến tiền lương họ được nhận là bao nhiêu? Có xứng đáng với “Núi” công việc kia không? Mà vấn đề cót lõi chính ở đây là, công việc quá tải ngoài khả năng, ngoài tầm kiểm soát, họ không xử lý được hoặc chưa có đủ “độ chín”, kinh nghiệm để xử lý và dẫn đến tình trạng làm được việc này thì sẽ không hiệu quả ở việc khác thậm chí có những việc họ chỉ còn bằng cách “ nhắm mắt” làm cho xong. Có thể bản thân họ không muốn thế nhưng chính các ông chủ đã buộc họ phải làm.

– Và cuối cùng quy luật nhân quả ắt sẽ xảy ra đây là một quy luật tự nhiên của cuộc sống, kết quả các ông chủ nhỏ, siêu nhỏ không bao giờ ổn định được nhân sự kế toán của Doanh nghiệp. Và cuối cùng thì chỗ các ông chủ lại là nơi để tập sự lần thứ 3 cho các nhà kế toán trẻ ( Vì thứ nhất là ở nhà trường, thứ 2 là ở trung tâm và thứ 3 là tại Doanh nghiệp của các ông chủ).

– Còn dân nhà kế thì sao có được lợi gì không? Có đấy chứ, chính vì sự vật lộn bươn chải một mình, nên cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ nơi này vì quy luật nhân quả mà, sau đó tự tìm cách phát triển thêm bản thân để tìm một chỗ khác lương cao hơn phù hợp hơn hoặc cũng có thể thu nhập không cao hơn nhưng đỡ áp lực công việc hơn.

– Thường thì sau khi kế toán cũ ra đi đã “Tặng” lại cả một bãi chiến trường cho Doanh nghiệp, khi kế toán mới vào làm tiếp thì không biết phải bắt đầu từ chỗ nào?. Lại một mớ bòng bong không biết gỡ từ đâu? Nhất là những Doanh nghiệp rơi vào cảnh chuẩn bị quyết toán thuế mà kế toán cũ lại nghỉ thì quả đúng là một “trận chiến” đối với Doanh nghiệp và kế toán mới.

– Kế toán mới không đủ năng lực, kinh nghiệm để xử lý thì lại phải thuê Dịch vụ kế toán để làm lúc này doanh nghiệp lại tốn thêm một khoản chi phí để làm lại hồ sơ sổ sách trước khi quyết toán. Và có những khoản hồ sơ đã “thành án” thì Dịch vụ kế toán cũng đành bó tay và Doanh nghiệp đành phải ngậm ngùi chấp nhận tiền truy thu, tiền phạt, tiền nộp chậm.

– Cũng có những Doanh nghiệp đã thuê Dịch vụ kế toán làm ngay từ đầu nhưng do trả chi phí không xứng đáng nên giá nào Dịch vụ kế toán họ cũng nhận làm và rồi thì tiền nào của ấy và cuối cùng lại khổ thân cho kế toán đang làm tại Doanh nghiệp vì đến lúc quyết toán, thì chỉ có bộ BCTC và được mấy quyển số họ in ra đưa cho là xong, còn chứng từ họ lại mặc kệ cho Doanh nghiệp tự xử lý.

– Cùng một thời điểm tại Doanh nghiệp thì bao giờ các ông chủ cũng ưu tiên cho kinh doanh trước và đây là vấn đề định hướng đúng không sai. Nhưng điều mà các ông chủ chưa nhìn thấy được là gì? Chỉ nhìn thấy và quan tâm đến cái “Giỏ” đựng tiền nhưng không quan tâm cái “Hom” để giữ tiền nằm ở chỗ nào?. Bởi vì kinh doanh thì ta nhìn thấy ngay kết quả, nhưng công việc kế toán thì phải mất một thời gian dài có thể 3 đến 5 năm hoặc thậm chí còn dài hơn nữa, vì chỉ khi quyết toán thuế thì mới biết được kết quả của kế toán.

– Đấy là vấn đề thuế còn về kế toán quản trị nội bộ thì sao? một lúc đè lên đôi vai của họ nhiều việc quá thì kế toán cũng không thể kiểm soát hết được công việc và dẫn đến sự thất thoát cho Doanh nghiệp là điều không thể trách khỏi.

– Chính vì vậy mà Doanh nghiệp cần có nhân sự kế toán ổn định, Kinh doanh thì kiếm ra tiền nhưng kế toán lại là người giữ tiền cho Doanh nghiệp.

– Và một lúc nào đó các ông chủ cứ thử đặt mình vào vị trí của kế toán xem tự mình xử lý “ Tuốt tuồn tuột “ từ A-Z cả “Núi” công việc trên thì mới thấy hiệu quả công việc thế nào? Có như mình mong muốn không? Không lại đến lúc mới nhận ra chính mình đã hại mình thì đã quá muộn.

Tác giả viết bài này vì cái tâm của nghề nên chỉ mong muốn giữa các ông chủ Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có cái suy nghĩ và nhìn nhận đúng để sử dụng nhân sự phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng và kinh nghiệm của họ để họ phát huy hết năng lực của bản thân, cộng tác gắn bó lâu dài với Doanh nghiệp để cùng Doanh nghiệp phát triển bền vững và Thịnh vượng.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Tác giả Ngô Thị Lụa