Phá sản không phải là ‘ngày tận thế’ của doanh nghiệp

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 29/08/2012 - 5929 lượt xem.

 

Khi doanh nghiệp phá sản thì nhà xưởng, người lao động vẫn tồn tại, nhưng sẽ có ông chủ khác giỏi hơn tiếp quản.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh tăng cao. Tính đến hết ngày 30/4, trong tổng số 647.627 doanh nghiệp đã được thành lập thì hiện chỉ còn 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 71,6%), 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

Nhằm lấy ý kiến xây dựng chính sách phù hợp đối với hiện tượng nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường như hiện nay, mới đây hội thảo những giải pháp pháp lý cần xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo doanh nghiệp rút khỏi thị trường do Bộ Tư pháp và Viện Khoa học pháp lý đã được tổ chức tại Hà Nội.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong thực tế kinh doanh ở Việt Nam, các doanh nghiệp ít hay nhiều đều mắc mốt số sai phạm như hai sổ sách, lách luật, trốn thuế… Nếu đệ đơn phá sản, tòa sẽ thụ lý và xem xét tất cả các hồ sơ, chứng từ có liên quan và rất có thể một vụ phá sản thuần túy dân sự có thể trở thành một vụ phá sản hình sự. Vì vậy, nhiều doanh nhân rất e ngại khi phải đệ đơn xin phá sản thay vì được luật pháp bảo hộ, họ có thể dễ dàng bị truy cứu hình sự.

Doanh nghiệp phá sản không phải là 'ngày tận thế'. Ảnh minh họa.

Các chủ nợ ở Việt Nam cũng không muốn con nợ của mình tuyên bố phá sản vì khả năng thu hồi vốn thấp và danh tiếng về một “con nợ bị phá sản” vẫn còn khá nặng nề. Thực tế cho thấy không ít chủ nợ đã tìm mọi cách gây áp lực lên con nợ để ngăn cản con nợ tuyên bố phá sản, đồng thời thu hồi vốn cho vay. Nhiều xã hội đen đã được huy động để đòi nợ.

Kết quả là trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại và hoạt động không ít những “xác chết biết đi”. Đối với những chủ doanh nghiệp đã phá sản tiếp tục duy trì một doanh nghiệp không có tương lai là một bi kịch, thậm chí, có thể là một thảm kịch về tinh thần, tài chính. Đối với nền kinh tế, những “xác chết biết đi” này sẽ đầu độc môi trường kinh doanh, làm tăng thêm rủi ro, vì họ tiếp tục chiếm dụng vốn ngân hàng và của các doanh nghiệp khác, làm cho nợ xấu tăng lên. Điều này đã và đang diễn ra với rất nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Ông Doanh khẳng định, do đó việc thực hiện phá sản theo đúng quy định của luật pháp là một yêu cầu của một nền kinh tế phát triển lành mạnh, có hiệu quả. Có thể coi Luật Phá sản là một công cụ sàng lọc doanh nghiệp, hạn chế những doanh nghiệp quá yếu kém…

Cũng theo ông Doanh, phá sản doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường được coi là việc bình thường, không thể tránh khỏi, doanh nghiệp phá sản có thiệt hại kinh tế, phải rút ra những bài học kinh nghiệm song chắc chắn không phải là “ngày tận thế”. Các chủ doanh nghiệp phá sản được phép lập các công ty mới để kinh doanh. Alois Schumpeter, nhà kinh tế được coi là xuất sắc nhất của thế kỷ 20, đã không xem phá sản là tai họa như trước đó mà nhận thức phá sản là sự “tàn phá sáng tạo” vì trong quá trình phá sản nhà xưởng vẫn còn, đội ngũ người lao động vẫn tồn tại, chỉ có ông chủ không trả được nợ sẽ thay thế một ông chủ khác mạnh hơn, giỏi hơn. Ông này sẽ đầu tư, cấu trúc lại doanh nghiệp phá sản đề “một con phương hoàng sẽ bay lên từ đống tro tàn”.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng khẳng định, nếu các doanh nghiệp nhận thức được điều này thì sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ thái độ của xã hội đối với sự phá sản doanh nghiệp, người ta có thái độ khoan dung hơn, không coi phá sản doanh nghiệp như là một tội hình sự, là sự xấu xa, nhục nhã mà mong muốn tạo ra cơ hội tái lập nghiệp của những doanh nhân bị phá sản.

Với mong muốn để nhiều con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn hơn nữa, ThS. Cao Đăng Vinh, Vụ pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp cũng nhận định, cần phải hoàn thiện Luật Phá sản bởi Luật này vẫn có nhiều điểm còn hạn chế.

Theo ông Vinh, Luật phá sản phải tạo ra khả năng để tối đa hóa giá trị của tài sản con nợ; có những quy định đảm bảo sự cân bằng giữa việc thanh lý và tổ chức lại công ty; đảm bảo sự đối xử công bằng với các chủ nợ; xây dựng theo hướng phi nhà nước hóa việc giải quyết một số vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý vụ việc phá sản; tăng cường tính nhân đạo hóa trong cách ứng xử của các cơ quan nhà nước đối với con nợ. Và cuối cùng, các thủ tục tiến hành vụ việc phá sản cần đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên.

(Nguồn: http://taichinh.vnexpress.net)

Diễn đàn Webketoan