Rủi ro

Đăng bởi: Hân Trần - Friday 10/03/2023 - 501 lượt xem.

CHUYÊN ĐỀ III : QUẢN LÝ RỦI RO

BÀI 2 – RỦI RO

Một đặc điểm mà hầu như tất cả mọi người đều giống nhau là chúng ta không thích rủi ro và những gì không chắc chắn. Tuy nhiên, một trong những thực tế mà chúng ta phải đối mặt là không ai trong chúng ta có thể kiểm soát mọi điều sẽ xảy ra trong tương lai và có một số rủi ro rất tự nhiên mà mỗi người trong chúng ta phải đối mặt.

Có ba loại rủi ro chính : rủi ro cá nhân, rủi ro tài sản và rủi ro liên quan đến nợ phải trả hoặc rủi ro trách nhiệm pháp lý. Bất kỳ rủi ro nào mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày đều có thể thuộc một trong các rủi ro này.

– Rủi ro cá nhân, bao gồm nguy cơ chấn thương mà chúng ta có thể phải đối mặt, sức khỏe kém trong tương lai hoặc có thể có nguy cơ mất việc làm và thất nghiệp trong một khoảng thời gian.

– Rủi ro tài sản sẽ bao gồm bất cứ điều gì sẽ liên quan đến việc mất tài sản mà chúng ta sở hữu, hoặc việc mất giá trị của tài sản mà chúng ta sở hữu.

– Rủi ro trách nhiệm, đề cập đến thiệt hại đối với tình trạng của người khác hoặc tài sản của người khác mà chúng ta có trách nhiệm.

Các rủi ro này liên quan đến sức khỏe hay gây thương tích cho chúng ta, liên quan đến việc gây thiệt hại cho tài sản của chúng ta, và cả những thiệt hại xuất phát từ hành vi cẩu thả của chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe, hay tài sản hoặc giá trị tài sản của người khác.

Một số ví dụ mà chúng ta có thể thấy ở thực tế.

  • Chúng ta có thể gặp rủi ro liên quan đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một loại bệnh nào đó, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc của chúng ta trong tương lai, từ đó gây ra mất thu nhập. Thêm nữa là chúng ta cần chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp này thuộc rủi ro cá nhân.
  • Tuy nhiên, nếu như gặp tai nạn xe hơi, chúng ta có cả rủi ro cá nhân liên quan đến thương tích từ vụ tai nạn, cả rủi ro về tài sản gây ra hư hỏng xe của chúng ta, và tai nạn có thể gây ra hư hỏng xe của người khác, có thể gây thương tích hay tử vong cho họ, đó là rủi ro trách nhiệm.

Rủi ro có thể phân loại thành :

  • Rủi ro có thể tránh được : bằng cách điều chỉnh hành vi hoặc không thực hiện các hành động tiềm ẩn rủi ro.
  • Rủi ro không thể tránh : là các rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Cách thức chúng ta tiếp cận và quản lý những rủi ro này sẽ phụ thuộc vào nhóm của chúng.

Vậy chính xác thì quản lý rủi ro là gì? Quản lý rủi ro thường được nói đến như một quá trình về cơ bản bao gồm hai bước chính.

– Trước hết, chúng ta sẽ xem xét và xác định và đánh giá các rủi ro khác nhau mà chúng ta phải đối mặt. Chúng thuộc loại nào : rủi ro cá nhân, rủi ro tài sản hay rủi ro trách nhiệm pháp lý. Qua đó chúng ta sẽ đánh giá mối nguy hiểm là gì hoặc những kết quả tiêu cực tiềm ẩn mà chúng ta có thể phải đối mặt từ mỗi rủi ro đó có thể là gì.

– Thứ hai, một khi chúng ta đã hiểu rõ về hồ sơ rủi ro mà chúng ta phải đối mặt, chúng ta sẽ sử dụng các công cụ và nguồn lực và chiến lược sẵn có để quản lý những rủi ro đó ra sao?

Mục đích của một kế hoạch quản lý rủi ro là xác định những rủi ro tiềm ẩn và đưa ra một kế hoạch để thay đổi mức độ rủi ro mà chúng ta phải đối mặt hoặc giảm thiểu độ rủi ro xuống mức mà chúng ta có thể chấp nhận được với tư cách cá nhân. Đây là một điểm rất quan trọng mà chúng ta cần hiểu trong suốt phần quản lý rủi ro. Tất cả chúng ta là những cá nhân khác nhau, có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Vì vậy, không có câu trả lời đúng hay sai về các chiến lược và các hành động quản lý rủi ro.

Để quản lý rủi ro thì có các công cụ sau :

    • Chấp nhận rủi ro. Là cách thức chấp nhận chịu đựng tổn thất, gây nên hậu quả về tài chính. Đây là cách quản lý rủi ro thụ động, có thể áp dụng đối với các rủi ro có hậu quả thấp, trong phạm vi chấp nhận được. Hình thức đơn giản của việc chấp nhận rủi ro là chúng ta lập các quỹ dự phòng khẩn cấp để trang trải cho các chi phí phát sinh đột xuất, để bù đắp thu nhập bị mất đi do mất việc, tai nạn hay bệnh tật …
    • Tránh né rủi ro. Cụ thể là sẽ không thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến rủi ro. Cách thức này đơn giản, giải quyết triệt để vấn đề và chi phí thấp nhưng lại làm mất đi những cơ hội mang lại lợi ích từ việc thực hiện hoạt động đó. VD, một nhà đầu tư lớn tuổi muốn đầu tư an toàn, do vậy họ sẽ không đầu tư vào lớp cổ phiếu, trái phiếu mà sẽ gởi tiết kiệm.
    • Giảm thiểu rủi ro. Cụ thể là các chiến lược hoặc hành động mà một cá nhân có thể thực hiện để trực tiếp thay đổi khả năng rủi ro xảy ra hoặc nếu rủi ro đó xảy ra, sẽ giảm thiểu tác hại rủi ro đó. VD cụ thể về quản lý rủi ro trong đầu tư là thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư; quản lý rủi ro khi lái xe là không sử dụng điện thoại để giảm thiểu khả năng gây ra tai nạn; quản lý rủi ro liên quan đến sức khỏe bằng cách tập thể dục đều đặn và ăn uống lành mạnh…
    • Cách khác Chuyển giao rủi ro. Chiến lược này không thay đổi khả năng xảy ra rủi ro hay giảm thiểu tác hại của rủi ro mà sử dụng các nguồn lực để thay đổi kết quả khi những rủi ro đó xảy ra, với tư cách cá nhân. Một cách để chuyển giao rủi ro là thông qua việc sử dụng hợp đồng bảo hiểm, qua đó chúng ta sẽ chuyển các rủi ro hoặc tổn thất từ cá nhân sang công ty bảo hiểm.

TÓM TẮT

Quá trình quản lý rủi ro liên quan đến việc xác định và đánh giá rủi ro mà một cá nhân phải đối mặt và sau đó đưa ra một chiến lược để sử dụng các chiến lược, các công cụ và thực hiện các hành động tốt nhất, kết hợp hiệu quả nhất các phương án để quản lý rủi ro đó, đưa rủi ro tổng thể cá nhân chúng ta xuống mức có thể chấp nhận được.

Mức độ chấp nhận được này là khác nhau giữa các cá nhân. Vì vậy, không có câu trả lời đúng hay sai về số tiền bảo hiểm bạn nên có hoặc quỹ khẩn cấp của bạn có thể cần lớn như thế nào.

Nguồn : Hana Tran

Biên tập : Trần Thị Mai Hân ( Hana Tran )

An toàn tài chính – Webketoan – Tư vấn Kế toán online

Diễn đàn Webketoan