Sóng ngầm ngoại tệ

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 25/06/2013 - 8347 lượt xem.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên tục được điều chỉnh tăng giá, mức tăng ngày càng nhanh trong những ngày gần đây và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. NHNN đã bắt mạch được vấn đề này và dự kiến tới đây sẽ áp dụng nhiều giải pháp để xử lý tỷ giá.

Bán USD vượt trần

Sau thời gian dài duy trì mức giá bán ra 21.005 đồng/USD, độ nóng của đợt tăng giá bắt đầu từ ngày 6-6 khi giá bán USD được NHNN niêm yết đẩy lên kịch trần 21.036 đồng/USD. Đến giữa tháng 6, các NHTM rục rịch tăng giá mua vào 21.030-21.035 đồng/USD và bán ra 21.036 đồng/USD.

Thị trường tự do cũng không bỏ lỡ cơ hội, đẩy giá giao dịch lên trên 21.250 đồng/USD, chênh lệch hơn 214 đồng và được giữ suốt tuần qua. Nhưng đến cuối tuần, thị trường tự do đã đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh so với tỷ giá niêm yết tại các NHTM.

Cụ thể, ngày 21-6, NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên NH 20.828 đồng/USD, các NHTM 21.015-21.030 đồng/USD, bán ra 21.036 đồng/USD, trong khi các tiệm vàng ở TPHCM, giá mua vào dao động 21.350-21.360 đồng/USD và bán ra 21.400 đồng/USD. Tuy vậy, giao dịch tại các tiệm vàng chủ yếu hỏi mua, lượng khách bán USD rất ít, với số tiền nhỏ.

Theo nhận định của nhiều người, giá USD thị trường tự do tăng 50-60 đồng do lãi suất tiền đồng giảm, người dân rút tiền mua USD để gửi tiết kiệm. Một yếu tố nữa kích thích giá USD thị trường tự do tăng cao do tỷ giá của các NHTM tăng kịch trần.

Bên cạnh đó, do giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới quy đổi khá lớn, vài ngày qua nhiều người tìm đến thị trường chợ đen mua USD với số lượng lớn để nhập khẩu vàng hưởng chênh lệch, khiến giá USD nóng lên.

Trước tình hình biến động tỷ giá, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản cho biết lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu muốn mua được USD phải trả cao hơn so với giá NH niêm yết, khoảng 21.100-21.200 đồng/USD. Trước đây, tỷ giá tăng ngành xuất khẩu có lợi, nhưng hiện doanh nghiệp phải vay ngoại tệ để mua nguyên liệu. Nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tự ta hại ta?

Lãi suất tiền đồng giảm trong khi lãi suất huy động USD vẫn giữ 2%, lợi thế tiền đồng không còn để tạo sự ổn định tỷ giá. NHNN nên giảm lãi suất huy động USD xuống còn 0%/năm, đồng thời giám sát hoạt động đầu cơ làm giá của doanh nghiệp lẫn NHTM.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, dù trong 2 tháng vừa qua nước ta nhập siêu nhưng chưa nhiều, cán cân vốn và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Cung cầu ngoại tệ thanh toán không có gì căng thẳng. Còn tỷ giá căng thẳng có phần từ các NHTM, khi khá dồi dào tiền đồng không cho vay ra được đã mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái.

“Đúng là NHTM nào trạng thái ngoại tệ yếu quá, cải thiện một chút không sao nhưng phải “liệu cơm gắp mắm”. Bởi nếu làm quá tự ta hại ta, đi vào luẩn quẩn. Tức khi các NHTM mua ngoại tệ, tỷ giá nâng lên, buộc NHNN hút tiền về, khi đó tiền đồng hiếm, lãi suất tăng trở lại gây khó cho các NHTM trong huy động và cho vay những tháng cuối năm” – Thống đốc Bình nói.

NHNN cho biết sẽ ổn định tỷ giá nhưng không quá 2%, đồng thời sẽ giảm mạnh lãi suất huy động ngoại tệ để tạo lợi thế cho tiền đồng. Về vấn đề này, hầu hết NHTM đều ủng hộ, cho rằng NHNN cần giảm ngay trần huy động USD đối với khách hàng cá nhân từ 2% xuống 1,5%, thậm chí 1%/năm để tạo khoảng cách an toàn giữa lãi suất VNĐ và USD.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết đồng tình chủ trương hạ lãi suất USD nhưng vẫn có một bộ phận người dân thích nắm giữ ngoại tệ. Thay vì đẩy người dân ra chợ đen để mua, NHNN nên cho phép họ mua ngoại tệ ở NHTM và gửi tiết kiệm tại các NHTM, với điều kiện đến lúc rút ra người dân phải bán ngoại tệ cho NHTM. Cũng theo ông Bình, dù nhu cầu vay ngoại tệ không lớn trong hệ thống nền kinh tế nhưng vẫn có, khi hạ lãi suất ngoại tệ khả năng huy động ngoại tệ giảm. Để bù đắp cho nguồn vốn tín dụng ngoại tệ các NHTM sẽ phải vay mượn NH nước ngoài.

Hiện nay, có tình trạng nhiều doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ đã tạm ngưng bán USD cho NH, hoặc nâng giá bán cao, trong khi nhiều tổ chức tài chính lớn lại tranh thủ mua ngoại tệ để có USD trả nợ vay ngoại tệ trong tương lai tránh rủi ro về giá.

Dù hiện nay NHTM bị khống chế trạng thái ngoại tệ không quá 30% vốn tự có, nhưng nhiều NHTM có nguồn ngoại tệ từ khách hàng xuất khẩu lớn đã tranh thủ găm giữ làm giá trên thị trường ngoại tệ liên NH. Điều này vừa gây sức ép lên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa tạo sóng cho thị trường tự do.

“Doanh nghiệp không thuộc đối tượng vay ngoại tệ phải chuyển qua mua ngoại tệ, bị ép giá hoặc không có ngoại tệ mua sẽ phải tìm ra thị trường tự do để mua ngoại tệ hợp thức hóa bán cho NHTM, làm chi phí gia tăng…” – một vị chuyên gia chia sẻ.

Yên Lam – Mai Thảo
Nguồn SGĐT

Diễn đàn Webketoan