TẠI SAO CÁC CÔNG TY LẠI PHÙ PHÉP LỢI NHUẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 21/11/2012 - 8846 lượt xem.

 2 giáo sư Ilia Dichev và Shiva Rajgopal đã tiến hành khảo sát 169 CFO tại các công ty niêm yết trên thị trường Mỹ và tiết lộ rằng ít nhất 20% công ty có phù phép lợi nhuận trong báo cáo tài chính hàng quý. Và mức tiêu biểu họ thường bóp méo là khoản 10% so với EPS của báo cáo.

Chưa có cuộc khảo sát ở Việt Nam, nhưng con số 10% thì quá ít so với các công ty ở VN, có lẽ các CFO Hoa Kỳ cần qua VN 1 thời gian học các tuyệt chiêu lãi giả lỗ thật hay cách dấu lãi chuyển lỗ khá kín đáo và hợp pháp của nhiều công ty.

Trở lại với cuộc khảo sát, lí do quan trọng nhất khiến các công ty bùa chú lợi nhuận là vì muốn thao túng giá cổ phiếu, được 93.48% bầu chọn. Lí do tiếp theo là bị các áp lực từ bên ngoài khiến cho công ty buộc phải bóp méo lợi nhuận. Áp lực từ bên ngoài có thể là từ ngân hàng đòi hỏi phải duy trì 1 mức lợi nhuận nào đó mới cho vay vốn kinh doanh, từ nhà cung cấp, hoặc vì lí do IPO phải làm báo cáo đẹp lên đôi chút. Áp lực từ bên trong công ty, cũng như những khoản tiền thưởng béo bở cho giám đốc nếu công ty có lợi nhuận tốt cũng là 1 động lực của việc phù phép lợi nhuận. Dưới đây là bảng tổng hợp chi tiết các lí do còn lại.
Để đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán cần có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng phù phép lợi nhuận này từ 3 đối tượng chủ yếu sau:
Trước hết, doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm đầu tiên về BCTC của mình. Doanh nghiệp cần siết chặt hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm phát hiện những điểm sai sót và bất hợp lí trong BCTC của mình và thường xuyên báo cáo cho hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị phải xử lí nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tạo thành 1 quy luật, xây dựng văn hóa công ty luôn minh bạch, trung thực. Cuối cùng, những người trực tiếp kí BCTC như Kế toán trưởng, giám đốc phải có đủ trình độ và đạo đức nghề nghiệp. 

 

Luật pháp phải có những chế tài thật nghiêm minh và rõ ràng nhằm răn đe các hình thức bóp méo thị trường. Pháp luật lỏng lẻo và quá nhẹ tay (chỉ phạt tiền) là 1 nguyên nhân lớn khiếp cho BCTC của các công ty niêm yết ngày càng thiếu tin cậy. Các sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến túi tiền của nhà đầu tư nhưng hình thức xử phạt lại quá nhẹ.

Ngay cả BCTC được kiểm toán bởi 1 công ty kiểm toán uy tín hàng đầu thế giới ở VN vẫn bị bùa chú và cty đó phá sản 1 thời gian ngắn sau khi báo lãi. Kiểm toán viên, công ty kiểm toán vẫn sống khỏe, giám đốc lừa đảo chỉ bị 4 năm tù (và mới là người đầu tiên bị đi tù vì thao túng giá CK), hàng chục tỉ đồng tiền mồ hôi nước mắt của NĐT bị biến thành giấy vụn chỉ có NĐT tự gánh chịu.
Những nhân tố khác tham gia vào thị trường như nhà báo, chuyên gia phân tích tài chính, nhà đầu tư cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát hiện các dấu hiệu gian lận của công ty. Ở thị trường phát triển như Mỹ, có quá nhiều cao thủ phân tích ẩn mình nên các công ty rất sợ phù phép vì khả năng bị các cao thủ phát hiện & tố cáo là rất cao. Hơn nữa, người dân Mỹ lên kế hoạch & quản lý tiền bạc rất tốt, tôi có tiền nhưng không có kỹ năng đầu tư tôi sẽ thuê chuyên gia, đưa tiền cho các quỹ đầu tư hộ, không dại gì làm chuyên gia chứng khoán để mất tiền oan. Vì vậy thành phần tham gia thị trường hầu hết đều có hiểu biết nhất định về thị trường tài chính.
Có thể nhận thấy trình độ của các nhà đầu tư trong nước đã nâng lên đáng kể. Sau cơn sốt chứng khoán những năm 2007 và hòn tuyết lăn năm 2008 nhấn chìm hầu hết các nhà đầu tư nghiệp dư, các chiến binh cuối cùng bám trụ lại thị trường đã nâng cấp kiến thức đầu tư của mình rất nhiều, từ PTCB, PTKT, nắm bắt xâu chuỗi thông tin…Tuy nhiên, máu đỏ đen của NĐT, chỉ thích lao theo các cổ phiếu thua lỗ và có mùi làm giá lại càng thúc đẩy các công ty bùa chú, bóp méo lợi nhuận hơn nữa.
Đỉnh cao của cổ phiếu làm giá là năm 2011, hầu hết các cổ phiếu “hot” không thấy trần và cản thời đó bây giờ giao dịch rất ảm đảm. Về lâu về dài, những công ty có báo cáo đẹp nhờ bùa chú mà không có tiềm năng thật sự sớm muộn sẽ quay trở lại giá trị thực của mình. Dù thủ đoạn làm giá thế nào thì nội tại của doanh nghiệp vẫn là nhân tố then chốt quyết định giá cổ phiếu trong dài hạn!
(Theo Minh PHCVfpress)
Nhập môn kế toán quản trị