Tham gia thị trường phái sinh – tại sao không?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 25/06/2013 - 5385 lượt xem.

Vào ngày 17-6, tại Hà nội và TPHCM tổ chức hai hội thảo lớn mà chủ đề đều cùng bàn về “thị trường phái sinh”.

Tại Hà nội, hội thảo có tên “Tương lai của thị trường tài chính: sản phẩm phái sinh”. Dự kiến đây sẽ là một cuộc hội thảo nghiêng về toán học ứng dụng, tụ họp các nhà toán học và nghiên cứu kinh tế, nhằm hiểu rõ hơn về các lợi thế và rủi ro của các thị trường phái sinh khi hòa vào dòng chảy thị trường tài chính thế giới. Chính vì thế, nó được bảo trợ bởi Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN).

Ở TPHCM, hội thảo được ngân hàng ANZ bảo trợ có chủ đề “Kỹ năng viết báo ngành tài chính-ngân hàng trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á đầy biến động”. Thực ra, nội dung của hội thảo tại thành phố phía Nam cũng sẽ tập trung vào các sản phẩm phái sinh trong ngành ngân hàng.

Đối với ai hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các từ “sản phẩm và thị trường phái sinh” được thực hiện hàng ngày như cơm bữa. Nhưng đối với người bình thường, các từ này vẫn khá lạ lẫm.

Khi nói đến mua bán trao đổi các sản phẩm dịch vụ tài chính, đấy chỉ là cách nói chung chung. Để đảm bảo cho một thương vụ tài chính được vận hành theo đúng như mục đích, yêu cầu của người tham gia thị trường, mỗi thương vụ đều có một cách thức hoạt động, phương tiện xử lý riêng và có luật chơi riêng. Các cách thức, phương tiện, luật chơi ấy có thể gọi là sản phẩm, thị trường phái sinh. Như vậy, thị trường phái sinh được hiểu như những công cụ thực hiện, trước tiên nhằm giảm thiểu và loại trừ rủi ro tài chính, kinh doanh tài chính trong hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Trong thị trường tài chính, các sản phẩm phái sinh có nhiều nhưng mạnh nhất là các hợp đồng kỳ hạn (futures contracts), hợp đồng giao ngay/giao sau (spot/forward), hợp đồng quyền chọn (options), và hợp đồng hoán chuyển (SWAP)…

Thực ra, nhiều công ty và cá nhân ở nước ta đã từng biết và tham gia vào các thị trường này khá nhiều. Các hội thảo lần này hy vọng sẽ giúp lay động lại cách nhìn và cách tham gia của giới kinh doanh nước nhà.

Rất nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu nước ta đang thực hiện, đều có dính dáng đến các thị trường kỳ hạn, quyền chọn… Từ cà phê, cao su thiên nhiên, gạo, tiêu hạt, đường ăn, bông vải, bắp, đậu nành, sắt thép, đồng chì, dầu thô, vàng bạc… hầu như tuyệt đại bộ phận người kinh doanh trên thế giới đều thực hiện thông qua các thị trường phái sinh, như cà phê chẳng hạn.

Đối với mặt hàng cà phê, cứ hôm nào thị trường kỳ hạn robusta Liffe (Sở Giao dịch kỳ hạn và quyền chọn tài chính quốc tế London – London International Financial Futures and Options Exchange) hoạt động, là hầu như nhiều nhà xuất khẩu, đại lý, kể cả nhiều anh nông dân kêu nhau ơi ới trên điện thoại để theo dõi xem giá thế nào rồi, nên mua hay nên bán. Nếu như ai có con mắt “ngoại cảm”, có thể thấy các trao đổi của họ không ngưng nghỉ trên đường dây điện thoại và sóng wifi.

Điều đáng tiếc là từ trước đến nay, không mấy ai sử dụng các công cụ này để bảo hiểm các rủi ro trong kinh doanh của mình, mà chủ yếu đầu cơ giá, được nhiều người cho là “đánh bạc trên mạng”. Do khá mới đối với nước ta, một số ngân hàng cung cấp sản phẩm phái sinh như giao dịch kỳ hạn, quyền chọn, đều quá chú trọng đến lượng giao dịch và tiền huê hồng mà quên nắn doanh nghiệp vào các cách thức chống rủi ro một cách nghiêm túc.

Từ năm 2008, thị trường hàng hóa thế giới đầy rủi ro, ăn thua, do các quỹ bảo vệ (hedge funds), các quỹ kinh doanh hàng hóa (Exchange-Traded Funds – ETF) bơm tiền vào cực mạnh, đặt cược vào các sàn kỳ hạn hàng hóa hàng ngàn tỉ đô la Mỹ nên quan hệ mua bán nhiều khi thuần túy giữa tiền và tiền. Có lẽ vì vậy mà nhiều ngân hàng nước ngoài trước đó rất tích cực cấp tín dụng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng nông sản, nhưng rồi phải rút lui từ đấy, do rất nhiều nhà xuất nhập khẩu của ta chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu và chống rủi ro. Phải chăng vì vậy mà nhiều nơi thua lỗ nặng nề, thậm chí dẫn đến sập tiệm, như trong mua bán vàng, cà phê, bông vải, tiêu hạt…

Đầu cơ nay được hiểu là khi tham gia mua bán, người kinh doanh kỳ vọng giá thị trường theo ý của riêng mình. Nền tảng thương vụ mình làm để kiếm lợi, chỉ dựa vào cầu mong, kỳ vọng. Như nhiều anh khi tham gia thị trường vàng trước đây, khi thấy giá tăng lên 1.920 đô la/oz vào cuối năm 2011, cứ tưởng giá sẽ tăng nữa mà mua vào. Một khi mua vào xong, giá vàng kỳ hạn đùng đùng đảo chiều đi xuống, không theo ý của mình, thua lỗ nặng nề.

Hay trong mua bán cà phê, nhiều người thấy giá lên 46.000 đồng/kg vẫn không chịu bán chốt lời. Rồi mong giá tăng nữa, phải lên cho được 52.000 đồng/kg như mùa cũ mới “mở kho”. Nhưng thị trường mấy hôm nay đã không theo ý họ và giá chỉ còn dưới 38.000 đồng/kg.

Từ năm 2008 đến nay, đầu cơ tài chính “tiền muôn bạc vạn” đã thực sự khuynh loát các thị trường phái sinh, đặc biệt các thị trường kỳ hạn, bằng tiền. Cách kinh doanh trên các sàn nay cũng thay đổi. Hầu như nhiều sàn kỳ hạn đã chuyển qua hình thức kinh doanh “bấm nút máy tính”. Nên, tương tác giữa đơn chào bán và chào mua rất vô tình, và khớp lệnh tự động một cách “vô hồn”. Vả lại, các hợp đồng phái sinh được quyền mua khống, bán khống nên ai mạnh tiền, chỉ cần chọn thời cơ, bung tiền ra “một phát” là giá trên sàn chịu ảnh hưởng lên hay xuống ngay.

Cho nên, đối với trong nước, bàn chuyện học hỏi và tham gia thị trường phái sinh đến nay là đã quá muộn. Đối với các hãng kinh doanh nước ngoài, hiếm có nếu không muốn nói không có vị quản lý nào mà không không biết và sử dụng nhuần nhuyễn các sản phẩm tài chính phái sinh nhất là trước những bão dông tài chính thế giới hiện nay.

Thực vậy, nếu như xem bóng đá không cá độ dễ mất hứng thì trong kinh doanh hàng hóa hiện nay, không tham gia các thị trường phái sinh thì chỉ đưa công ty mình làm mồi cho cá mập.

Nguồn KTSG Online

Diễn đàn Webketoan