Thị trường ERP Việt Nam

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 02/10/2015 - 13488 lượt xem.

Thời của ERP nội?

ERP từ lâu được coi là chìa khóa giúp các doanh nghiệp đạt được thành công trong kinh doanh. Tuy vậy, sau nhiều năm triển khai, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi, lựa chọn ERP nội hay ngoại.

ERP là gì?

ERP – Enterprise Resource Planning  về cơ bản là một hệ thống phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, có tác dụng tối ưu hoá và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp.

Về lý thuyết, khi triển khai, sử dụng hệ thống ERP, doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát tốt hơn các hạn mức về tồn kho, công nợ, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, đồng thời có khả năng tối ưu hóa các nguồn lực như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực.

Với hệ thống ERP, các thông tin của doanh nghiệp khá đầy đủ, kịp thời và có khả năng chia sẻ cho mọi đối tượng cần sử dụng thông tin như khách hàng, đối tác, cổ đông. Sử dụng hệ thống ERP cũng đồng nghĩa với việc tổ chức lại các hoạt động của DN theo các quy trình chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, do đó nó nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của DN.

Bên cạnh đó, ERP cũng là công cụ quan trọng để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp tiếp cận tốt hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trên thực tế, doanh nghiệp khi mới bắt đầu kinh doanh, quy mô nhỏ nếu ứng dụng ERP ngay thì sẽ có thuận lợi là dễ triển khai và DN sớm đi vào nề nếp. Sự chậm trễ trong việc ứng dụng ERP sẽ khiến doanh nghiệp gây khó khăn cho chính mình và tạo lợi thế lớn cho đối thủ.

Từ những năm 2000, thị trường ERP Việt Nam đã bắt đầu “chớm nở” với sự có mặt của những tên tuổi lớn như SAP, Oracle, Dynamic. Cùng với đó, hàng loạt tên tuổi nội cũng xuất hiện như Tinh vân, Bravo, Lạc việt,  Fast  v.v…đã tạo nên một sự sôi động trong việc ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp.

 

Nhìn lại thị trường ERP Việt

Khái niệm ERP tại Việt Nam xuất hiện từ những năm 2000, khi những sản phẩm của SAP, Oracle, Dynamic bắt đầu được giới thiệu đến các doanh nghiệp nội địa.

Cho đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm ERP nổi tiếng của SAP, Oracle, Dynamic đều xuất hiện tại Việt Nam dưới sự tư vấn, triển khai của các đối tác bản địa.

Còn về các sản phẩm nội địa, hầu hết những tên tuổi ngày nay như Tinh Vân, Lạc Việt, Bravo, Fast đều phát triển hệ thống ERP của mình từ những kinh nghiệm triển khai phần mềm kế toán. Nói đúng hơn, họ đã nâng cấp phần mềm kế toán, trở thành những ứng dụng ERP nội địa và bước vào cuộc cạnh tranh cùng các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, nói rằng cạnh tranh cũng không đúng, bởi hệ thống ERP của các doanh nghiệp nước ngoài đều nhắm tới doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam. Theo thống kê, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn đều sử dụng những sản phẩm ERP của Oracle và SAP. Có thể lấy ví dụ, đó là SAP ERP được triển khai tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trị giá lên tới 12,6 triệu USD; Vietsovpetro nhắm đến giải pháp ERP của Oracle v.v…Ngoài ra, ERP còn được triển khai tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam v.v…

Các sản phẩm nội địa cũng không nằm ngoài cuộc cạnh tranh, tuy nhiên, phân khúc mà những thương hiệu Việt nhắm tới đều là những doanh nghiệp có quy mô vừa phải và đang đứng trước yêu cầu thay đổi, tái cơ cấu toàn diện.

Có thể thấy, từ thời điểm bắt đầu bùng nổ, thị trường ERP được phân hóa một cách rõ nét. Những tập đoàn, tổng công ty lớn đều sử dụng những hệ thống lớn, được thế giới công nhận, phần còn lại là cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt của những sản phẩm nội địa mà nổi lên là những cái tên như Lạc Việt, Tinh Vân, Bravo, Fast v.v…

Tuy vậy, sau một thời gian bùng nổ, sức nóng của ERP cũng dần lắng xuống, có vẻ như các doanh nghiệp không còn mấy mặn mà với thị trường này. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn, tái cơ cấu hoặc đổ vỡ. Một lần nữa, ERP lại trở thành cứu cánh của các doanh nghiệp mà theo các chuyên gia, sau khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ ngày càng tìm đến ERP nhiều hơn.

Nhưng, quá trình phát triển của ERP tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã bộc lộ rõ những ưu, khuyết điểm của các sản phẩm nước ngoài cũng như nội địa. Chính đặc thù thị trường Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm ưng ý.

Làm sao để triển khai ERP hiệu quả?

Đây là một câu hỏi không dễ có lời giải đáp bởi đặc thù kinh doanh của thị trường Việt Nam. Trên thực tế, đã có không ít các doanh nghiệp phải vất vả khi triển khai các giải pháp nổi tiếng từ nước ngoài. Lý do, không phải bởi những sản phẩm đó chất lượng kém mà do chính đặc thù của thị trường Việt Nam.

Theo Thạc sỹ Trịnh Hoài Sơn, Phó Trưởng Bộ môn Hệ thống thông tin Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: “Vẫn biết là ERP của thế giới cực kì hiện đại, nhưng nếu có hiện đại mấy nhưng không phù hợp với hiện trạng của các doanh nghiệp Việt thì lại trở thành vô ích. ERP của nước ngoài thì giống như con đường cao tốc chỉ dành cho ô tô. Còn doanh nghiệp Việt thì lại giống như chiếc xe đạp đang phải cố chạy trên đường cao tốc”.

Tuy vậy, chính sự đặc thù khiến những sản phẩm nước ngoài không đáp ứng được đã tạo điều kiện để hàng loạt hệ thống ERP Việt Nam có đất để phát triển.

Sự phát triển của các hệ thống ERP nội địa được biết đến, đó là nhờ những am hiểu thị trường, những thay đổi trong chính sách. Hệ thống ERP do các doanh nghiệp Việt sáng tạo nên có một sự phù hợp cũng như linh hoạt với thực tế kinh doanh của thị trường Việt Nam.

Khi được hỏi về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai ERP, ông Trần Bá Kim Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm Meliasoft (www.meliasoft.com), doanh nghiệp được biết đến trên thị trường với slogan “ERP cho người Việt” cho biết: “ Xét về tổng thế, đó là doanh nghiệp chưa có một người đủ tầm thực sự am hiểu hệ thống và nghiệp vụ đứng vai trò giám đốc dữ liệu. Bên cạnh đó, những quy trình lộn xộn không chuẩn hoặc không có quy trình cũng trực tiếp tạo nên những khó khăn khi triển khai hệ thống. Cùng với đó, là sự mâu thuẫn giữa đội ngũ nhân viên do quan điểm về công việc và cách giải quyết khác nhau.

Để giải quyết điều này, theo ông Ngọc, cần thái độ và sự nhìn nhận đúng đắn của lãnh đạo đối với việc triển khai ERP để thay đổi bộ mặt doanh nghiệp bởi trình độ tin học mỗi người là  khác nhau dẫn đến sự chấp nhận thay đổi khác nhau

Bên cạnh đó, nguyên nhân bên ngoài, còn do các quy định liên quan đến tài chính, thuế của Việt Nam vẫn còn chưa ổn định, thay đổi thường xuyên, nên bài toán về quản trị và kế toán của DN Việt Nam khá lắt léo, dẫn đến ERP không thể phù hợp với 97,6% DN nhỏ và vừa ở Việt Nam – Ông Ngọc nói thêm.

Tuy có nhiều khó khăn, song đã có khá nhiều đơn vị triển khai thành công hệ thống ERP, trong đó có hệ thống ERP của người Việt (Meliasoft) như: Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang, Công ty CP Giấy Việt trì, Công ty TNHH Bao Bì Hương Sen.

Nhận định về tương lai của ERP tại Việt Nam, vị Giám đốc của Meliasoft cho biết, thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng hệ thống ERP nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và thị trường này sẽ hết sức sôi động. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ nhu cầu của mình đến đâu thì có thể triển khai đến đó.

Với kinh nghiệm triển khai các hệ thống ERP tại Việt Nam, ông Trần Bá Kim Ngọc cũng khẳng định, sự thành bại của ERP ngoài những yếu tố bên trong doanh nghiệp còn một điểm vô cùng quan trọng đó là sự am hiểu của người phụ trách dự án. Nếu người phụ trách hay Giám đốc dự án thực sự am hiểu về quy trình, nghiệp vụ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp thì việc triển khai sẽ vô cùng thuận lợi. Đây cũng chính là điểm yếu của khá nhiều nhà cung cấp ERP tại Việt Nam khi hầu như Giám đốc dự án không đủ kinh nghiệm cũng như am hiểu về những quy trình, nghiệp vụ.

Có thể thấy, thị trường ERP Việt Nam sẽ lại bắt đầu một sự sôi động mới trong tương lai. Và, không như thời điểm cách đây một thập kỷ, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có những lợi thế để sẵn sàng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường ERP. Phải chăng, đã đến thời của ERP nội?

Nhập môn kế toán quản trị