Vai trò của việc lập kế hoạch tài chính trong doanh nghiệp

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 24/05/2023 - 2276 lượt xem.

Kế hoạch tài chính là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp xác định được chiến lược tài chính và định hướng phát triển trong tương lai. Việc lập kế hoạch tài chính sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh. Hãy cùng tham khảo thêm về những vai trò của việc lập kế hoạch tài chính thông qua bài viết sau đây cùng Webketoan bạn nhé!

lập kế hoạch tài chính

Lập kế hoạch tài chính là gì?

Lập kế hoạch tài chính (tiếng anh là Financial Planning) là quá trình xác định mục tiêu tài chính của một doanh nghiệp và lên kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó thông qua quản lý thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.

Lập kế hoạch tài chính sẽ bắt đầu bằng việc đánh giá toàn diện về tình hình tài chính của một cá nhân hoặc doanh nghiệp và những kỳ vọng trong tương lai với sự hỗ trợ của một nhà hoạch định tài chính. Với bản kế hoạch tài chính toàn diện, bạn sẽ đưa ra được quyết định tài chính thông minh và đạt được mục tiêu của mình nhanh nhất có thể.

Theo thời gian, kế hoạch tài chính có thể được chia thành kế hoạch ngắn hạn (1 đến 3 năm), kế hoạch trung hạn (3 đến 5 năm) và kế hoạch dài hạn (5 đến 10 năm hoặc cả đời).

Vai trò của việc lập kế hoạch tài chính với doanh nghiệp

Xác định tính khả thi của hoạt động kinh doanh

Điều hành một doanh nghiệp phát triển bền vững không phải là điều dễ dàng. Một kế hoạch kinh doanh kèm theo một kế hoạch tài chính sẽ là một nghiên cứu khả thi và những gì mà một doanh nghiệp cần để thành công.

Nếu các nguồn lực vượt quá khả năng của bạn, bạn thiếu kinh nghiệm hoặc thị trường hiện tại quá biến động, kế hoạch tài chính có thể nêu rõ điều này. Qua đó, bạn sẽ thấy rằng bạn định giá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. Hoặc giá cả phù hợp nhưng chi phí sản xuất của bạn quá cao dẫn đến việc không thể có lãi.

Phân tích sự khác biệt giữa thực tế và kỳ vọng

Theo dõi kết quả thực tế và so sánh chúng với ngân sách chi tiết trong kế hoạch tài chính của bạn sẽ cho bạn cơ hội thực hiện những điều chỉnh cần thiết để doanh nghiệp nhanh chóng trở lại đúng hướng. 

Một bảng kế hoạch tài chính sẽ chỉ ra được các giả định đằng sau mỗi dự báo, điều này rất quan trọng để tìm ra lý do tại sao các kỳ vọng lại không phù hợp với thực tế. Nói cách khác, bạn cần biết mình đang làm tốt ở đâu và sai ở đâu.

Dự báo các yêu cầu tài chính

Trước khi triển khai bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng cần có vốn. Các dự đoán trong kế hoạch tài chính của bạn sẽ cho bạn biết bạn cần bao nhiêu tiền và khi nào thì nên sử dụng số tiền đó.

Kế hoạch tài chính cũng chỉ ra được đâu là giai đoạn có khả năng xảy ra thiếu hụt để các nhà quản lý có thể điều chỉnh dự báo doanh thu và chi tiêu phù hợp nhằm đảm bảo doanh nghiệp sẽ chuẩn bị sẵn sàng các quỹ dự phòng khác để kịp thời trang trải bất kỳ khoản thiếu hụt nào.

Thu hút các khoản tài trợ và đầu tư

Các nhà đầu tư và tài trợ luôn yêu cầu được xem kế hoạch kinh doanh của một doanh nghiệp xin vay vốn, bao gồm kế hoạch tài chính với các dự đoán, giả định và kỳ vọng có thể xảy ra trong tương lai.

Nếu không có kế hoạch tài chính hoặc nếu kế hoạch tài chính không đủ sức thuyết phục, doanh nghiệp sẽ khó có thể nhận được bất kỳ khoản vay vốn hoặc đầu tư nào. Một lý do khác giải thích tại sao kế hoạch tài chính lại đóng vai trò quan trọng chính là vì chúng có thể cho bạn biết đâu là loại tài chính và hình thức tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp của bạn.

Quản lý tiền mặt

Nhiều doanh nghiệp sẽ trải qua biến động doanh thu hàng tháng hoặc theo mùa. Chính vì vậy, khi lập bản kế hoạch tài chính, chủ sở hữu sẽ có thể tính được đến được các chu kỳ này để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu hơn trong các giai đoạn dự báo doanh thu thấp.

Hơn thế nữa, quản lý tiền mặt kém sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như không thể trả lương cho nhân viên. Một kế hoạch tài chính tốt và luôn có một quỹ tiền mặt dự phòng sẽ giúp các nhà quản lý yên tâm hơn trong việc giải quyết các rủi ro. Khi tiền mặt được quản lý phù hợp, những khoản dự trữ còn cho phép doanh nghiệp tận dụng nhiều cơ hội phát sinh, chẳng hạn như cơ hội mua hàng tồn kho từ các nhà cung cấp với mức chiết khấu tạm thời.

Tầm nhìn dài hạn

Trong kinh doanh, các nhà quản lý thường có xu hướng tập trung quá nhiều vào những khủng hoảng trước mắt hoặc những vấn đề phát sinh hàng ngày. Điều này kéo theo việc họ không dành đủ thời gian để lập kế hoạch cho những việc cần làm nhằm phát triển doanh nghiệp lâu dài.

Lập kế hoạch tài chính hướng tới tương lai sẽ cung cấp cho các chủ doanh nghiệp ý tưởng tốt hơn về chi phí cần thiết để duy trì đà phát triển, dẫn đầu đối thủ cạnh tranh và cải thiện liên tục hoạt động của doanh nghiệp.

Phát hiện xu hướng

Lập kế hoạch tài chính sẽ giúp bạn thiết lập được các mục tiêu định lượng và so sánh với hiệu suất thực tế trong quá trình thực hiện. Từ đó, người điều hành có thể thấy được các xu hướng thay đổi hoặc mối tương quan giữa các số liệu liên quan, chẳng hạn như liệu việc tăng chi phí quảng cáo có thúc đẩy doanh số bán hàng hay không. 

Xác định các khoản chi ưu tiên

Tối ưu các nguồn tài chính và ngân sách của một doanh nghiệp là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công. Quá trình lập kế hoạch tài chính giúp chủ doanh nghiệp xác định rõ các chi phí quan trọng nhất, những chi tiêu có thể ngay lập tức cải thiện năng suất, hiệu quả hoặc khả năng thâm nhập thị trường.

Đo lường tiến độ

Nhận ra kết quả thực tế tốt hơn so với dự kiến ​​trong kế hoạch ban đầu sẽ tạo được khuyến khích và động lực cho chủ doanh nghiệp. Lập kế hoạch tài chính với dữ liệu rõ ràng, con số cụ thể và biểu đồ cho thấy thu nhập tăng trưởng ổn định hoặc số dư tiền mặt ngày càng tăng là những động lực quan trọng để thực hiện các chiến lược trong tương lai mà doanh nghiệp hướng đến.

Thông qua bài viết trên, Webketoan mong muốn có thể mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về kế hoạch tài chính và những vai trò của việc lập bản kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch tài chính đóng vai trò quan trọng trong quản lý và điều chỉnh tình hình tài chính của doanh nghiệp. Quá trình lập kế hoạch này cũng có thể giúp các nhà quản lý đặt ra được các mục tiêu tài chính rõ ràng, điều chỉnh chi tiêu, quản lý tiết kiệm và đầu tư, giảm thiểu các rủi ro tài chính và đảm bảo một tương lai tài chính ổn định.

Nguồn tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp – Học viện tài chính.  investopedia.com