Đề xuất về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 13/03/2018 - 4973 lượt xem.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi.

                                                   Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet

 

Theo dự thảo,

Điều 65 Luật quản lý thuế năm 2007, việc xoá nợ tiền thuế, tiền phạt được áp dụng đối với hai (02) trường hợp:

(i) Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt;

(ii) Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ.

Từ ngày 01/7/2013, theo khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 thì việc xóa nợ thuế được áp dụng bổ sung đối với “các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc 02 trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá mười năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi.”

Đồng thời, đối với các khoản tiền thuế nợ, tiền phạt còn nợ không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01/7/2007, giao Chính phủ tổ chức thực hiện xóa nợ và báo cáo Quốc hội.

Thực hiện quy định của Luật quản lý thuế Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp cho NNT kịp thời, đúng quy định của pháp luật, kết quả từ ngày 01/7/2007 đến ngày 31/7/2017 tổng số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp được cơ quan thuế xem xét xóa là 1.122 tỷ đồng1, chiếm tỷ lệ 3,3% số nợ không có khả năng thu.

Qua rà soát, tổng hợp, Bộ Tài chính thấy rằng giải pháp xoá nợ thuế đối với 04 (bốn) trường hợp nêu trên chưa bao quát được hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan cũng như chưa phản ánh hết công tác quản lý nợ thuế mà ngành thuế, Hải quan được giao thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế.

Mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền chậm nộp thuế. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế TNDN khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt kinh doanh.

Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp

Qua tổng kết tình hình thực hiện quản lý nợ thuế và tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế (báo cáo tổng kết, đánh giá và báo cáo kinh nghiệm quốc tế trình kèm), Bộ Tài chính đề nghị xử lý xóa nợ, khoanh các khoản nợ không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu hồi như sau:

1. Khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá 01 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Xóa nợ tiền chậm nộp do nguyên nhân khách quan bất khả kháng

Gồm có:

– Xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN, hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.

– Xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng.

Các trường hợp khó khăn bất khả kháng bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước chậm trả lời, chậm thông báo, thay đổi quy hoạch/kế hoạch làm ảnh hướng đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; ngân sách nhà nước chậm thanh toán; doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa thực hiện giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp; đối tác trong nước hoặc người ngoài phá sản; những trường hợp theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu

Đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 01/01/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Diễn đàn Webketoan