Doanh nghiệp không dám lớn

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 04/08/2017 - 4352 lượt xem.

Không phải doanh nghiệp không muốn lớn. Nhìn vào những nỗi khổ mà doanh nghiệp đang gánh, doanh nghiệp dường như không dám lớn.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON tỏ ra rất tâm đắc sau khi nghe bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp năm 2017.

Khổ vì thuế, phí

“Bộ trưởng Dũng nói đúng nỗi khổ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam đang chịu thuế quá cao. Không phải chỉ doanh nghiệp kêu ca”, ông Khoa nói. Bộ trưởng Dũng đã nói, chi phí nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam cao nhất ASEAN, chiếm 39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore.

Không chỉ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói vậy. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng lý giải, 20% trong số thuế mà doanh nghiệp phải nộp là thuế thu nhập doanh nghiệp, số còn lại là các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Mức này cũng cao hơn so với các khoản phải chi cho bảo hiểm của các nước ASEAN.

Đúng là doanh nghiệp Việt Nam không chỉ khổ bởi thuế cao. Trong các nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp Việt cũng đang gánh các khoản chi phí kinh doanh thuộc diện cao nhất khu vực.

Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.

Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines.

Đặc biệt, tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%, cho dù với mục tiêu đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4-5%, còn mức doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm lên tới 22% lương tháng. Tỷ lệ này rất cao so với Malaysia (13%) và Philippines (10%).

Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.

Ngoài ra, các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. 66% doanh nghiệp trong Khảo sát PCI năm 2016 xác nhận trả loại phí này.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn thừa nhận, nợ đọng xây dựng cơ bản, thanh toán chậm và thủ tục phiền hà đối với các dự án và dịch vụ công do doanh nghiệp cung cấp chưa được giải quyết dứt điểm. “Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến chi phí và rủi ro tài chính của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nói với Thủ tướng và hơn 2.000 đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Trong báo cáo của VCCI, hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015. Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

Khó vì điều kiện

“Việc tiếp cận với các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp rất khó”, ông Khoa nói. FECON không phải là doanh nghiệp nhỏ, lại có tên trong danh sách những doanh nghiệp có nhiều ứng dụng công nghệ mới, nhưng ông Khoa nói, FECON không được hưởng bất cứ chính sách ưu đãi gì liên quan đến mảng này.

Chúng tôi cũng đã tiếp cận quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng phức tạp quá, đành thôi”, ông Khoa thừa nhận.

Ngay cả những quy định hiện hành về các khoản chi cho khoa học công nghệ cũng khó hạch toán. Ông Khoa kể, theo quy định, doanh nghiệp có quyền chi cho đầu tư khoa học 10% lợi nhuận sau thuế. Nhưng cơ quan thuế bắt doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm, dịch vụ đó gắn với công nghệ thế nào, có hóa đơn, chứng từ chứng minh không… Trong khi đó, ở nhiều nước, doanh nghiệp được hỗ trợ, ưu đãi thuế một khoảng thời gian với doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới. Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp có tích lũy, từ đó đầu tư trở lại cho công nghệ…

“Có thể điều này lý giải tại sao chỉ có 30% doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư công nghệ mới. Doanh nghiệp muốn đầu tư lắm, nhưng nguồn lực hạn chế, không có ưu đãi, rồi chi phí lớn…”, ông Khoa thừa nhận. Vấn đề nằm ở chỗ các cơ chế, chính sách dường như không song hành với doanh nghiệp.

Thậm chí, như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, còn có những chính sách can thiệp bất hợp lý, thô bạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Nếu yêu cầu Boeing cũng phải có cái máy thủ công sản xuất ra ốc vít như các quy định ở trên thì Boeing cũng… bó tay không đáp ứng được điều kiện kinh doanh của Việt Nam”, ông Lộc nói.

Để sản xuất ra một chiếc máy bay, người ta cần có hàng trăm cơ sở sản xuất tại vài chục quốc gia cùng hợp tác. Mỗi nơi chỉ làm một vài chi tiết, một vài công đoạn, không có bất kỳ cơ sở nào có thể làm được toàn bộ. Thế nhưng, nhiều quy định về điều kiện kinh doanh lại không đi theo cách đó. Điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm trong Nghị định 87/2016 lại yêu cầu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp mút xốp; thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết)….

Ông Lương Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Hùng Hậu cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là khâu sản xuất mút xốp của mũ bảo hiểm, do đầu tư dây chuyền này cần có vốn lớn, diện tích nhà xưởng cũng phải lớn. Nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất với quy mô nhỏ thì rất lãng phí. Trong khi đó, hiện nay cả nước có nhiều công ty chuyên sản xuất mút xốp có thể đáp ứng cho cả thị trường. Hay như Nghị định 60/2014 về điều kiện kinh doanh ngành in quy định các cơ sở in không được hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm và hợp đồng mà mình nhận, phải thực hiện đúng số lượng sản phẩm in ghi trong hợp đồng.

Với cách quy định này, doanh nghiệp bị bắt buộc phải thực hiện tất cả mọi khâu của quy trình sản xuất ra thành phẩm, thay vì tham gia chuỗi giá trị, tận dụng tối đa hiệu quả sản xuất của nhiều nhà máy để cùng tạo nên một sản phẩm.

Điều đáng nói, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ vốn, nguồn lực để tham gia vào chuỗi sản xuất trên…
“Doanh nghiệp cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn. Nếu thủ tục nhiêu khê, chính sách không rõ ràng, thiếu nhất quán “sớm nắng chiều mưa”, doanh nghiệp sẽ không dám lớn”, ông Lộc nói.

Nguồn: Minh Anh – enternews.vn

Diễn đàn Webketoan