Đôi dòng tản mạn về Nghề kế toán

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 26/06/2017 - 8976 lượt xem.

Nhân việc vừa đọc bài của anh Nguyen Hai Tam về việc học và khiếu đối với các nghề kế toán, tài chính, kinh doanh, mình thấy có 1 nội dung cũng khá liên quan đó là khái niệm về Kế toán và Kế toán chuyên nghiệp (Professional Accountant).

Đôi khi chúng ta cứ dễ dãi, sinh viên mới ra trường làm kế toán ở công ty nào đó thế là đã tự gọi mình là Accountant. Mình nghĩ rằng đa phần cũng mới chỉ bắt đầu sự nghiệp của mình là Book-keeper. Còn Accountant thực tế đó là một nghề. Khái niệm Accountant trong môi trường chuyên nghiệp khác hơn rất nhiều:

– Accountant ở đây không có nghĩa là kế toán mà rộng hơn nhiều. Trong ngành, khi nói là Accountant, người ta hiểu đó là Professional Accountant. Mà chỉ để định nghĩa cái từ ‘Professional Accountant” Liên đoàn kế toán quốc tế IFAC có hẳn một Paper dài 12 trang với tiêu đề ‘A proposed Definition of Proffessional Accountant’

          Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Facebook

– Mình tạm dịch sang Tiếng Việt đoạn định nghĩa thế này ‘Kế toán chuyên nghiệp là người có chuyên môn trong lịch vực kế toán, chuyên môn đó có được từ đào tạo bài bản và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và đó là người:
(1) Thể hiện và duy trì năng lực
(2) Tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp
(3) Nắm rõ chuẩn mực nghề nghiệp ở mức cao
(4) Chịu sự quản lý của tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp hoặc các chế tài quy định khác.

– Và mặc dù cùng có tên chung là kế toán nhưng nghề nghiệp của họ có thể rộng hơn nhiều. Người làm kế toán trong doanh nghiệp, bao gồm cả làm phân tích, tài chính, đầu tư… (Proffessional Accountant in Business), hoặc làm kiểm toán viên (Professional Auditor), hoặc làm kế toán trong giáo dục như các thầy cô, giáo sư trong các trường chẳng hạn (professional accountant in education) và kế toán trong khu vực công ví dụ như kiểm toán viên nhà nước, chuyên gia tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp, công chức ngành thuế… (proffessional accountant in public sector)

– Như vậy để được gọi là Kế toán, người đó phải chịu sự quản lý của tổ chức nghề nghiệp. Ví dụ hội viên của Hội kế toán công chứng Anh (ACCA), hội viên của Viện kế toán công chức Anh và xứ Wales (ICAEW), hội viên hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Mà để trở thành hội viên bạn phải học và thi lấy chứng chỉ, đảm bảo tiêu chuẩn về đạo đức, học cập nhật đủ giờ, và một điều rất quan trọng là phải đóng đủ phí hội viên ☺

– Và khi đã gọi là nghề thì cần thiết phải có các tiêu chuẩn để tuân theo. Các chuẩn mực chuyên môn (chúng ta có chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực về giáo dục.. ) là phải tuân thủ. Và chuẩn mực đạo đức nữa cũng như các nghề khác chúng ta cũng có như y đức chẳng hạn.

– Việc cập nhật kiến thức chính là cơ sở và bằng chứng cho việc duy trì năng lực, bởi rằng xã hội thay đổi từng ngày, chứng chỉ anh học từ 20 năm trước giờ còn phù hợp nữa không. Vậy nên các tổ chức nghề nghiệp đều quy định hội viên của mình phải duy trì năng lực bằng việc mỗi năm tối thiểu bao nhiêu giờ cập nhật đó, cập nhật có thể là học, có thể là đọc, có thể là đi dạy… chỉ để chứng minh rằng anh theo kịp với xu hướng.

– Vậy nên ngẫm xem đa phần các em sinh viên mới ra trường đã thực sự đáp ứng được các điều kiện này chưa, nếu chưa thì có nên tạo áp lực cho các em ấy với cái mác “Accountant” không? Thực tế ở Việt Nam, số lượng làm kế toán thì rất đông nhưng những người thực sự đủ điều kiện như trên chắc chỉ vài ngàn. Tất nhiên vẫn có một số lượng nào đó, họ không có đủ các điều kiện trên nhưng họ cực giỏi và đương nhiên họ được xã hội thừa nhận.

Và mình nghĩ rằng, muốn nâng chất lượng nghề nghiệp thì cần thiết phải nâng tỷ lệ Proffessional accountant lên, rất khó, nhưng Việt Nam những năm gần đây đã có những bước đột phá, các em sinh viên đã năng động hơn và chủ động thay đổi mình hơn rất nhiều so với các thế hệ anh chị đi trước.

Và nghề kế toán, thực sự rất đáng trân trọng, và có ý nghĩa vai trò vô cùng lớn đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức và nền kinh tế nói chung. Chúng ta có quyền tự hào về nghề của mình. Sự thay đổi của xã hội và kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về nghề này để thấy được tầm quan trọng của nó. Lúc nào rảnh, mình sẽ viết một bài về ‘Tương lai của nghề kế toán’ mong rằng sẽ có thêm một lý do để mọi người yêu nghề hơn.

Đôi dòng tản mạn về nghề, rất mong các anh chị em cùng tham gia trao đổi vì lợi ích của cộng đồng.
Thân ái!

Nguồn: Facebooker Mai Hương