Hoàn thuế – Những hướng dẫn mới từ ngành thuế

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 05/09/2017 - 7751 lượt xem.

Hoàn thuế đã có sự thay đổi lớn khi Thông tư 130/2016/TT-BTC được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 01/07/2016.

Mời đọc giả cùng điểm qua một số hướng dẫn mới của ngành thuế về vấn đề này:

1. Hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu cung cấp để sản xuất hàng xuất khẩu

Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu;

b) Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được hoàn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm thực tế xuất khẩu;

c) Sản phẩm xuất khẩu được làm thủ tục hải quan theo loại hình sản xuất xuất khẩu;

d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm.

Trường hợp Công ty nhập khẩu hàng hóa sau đó bán cho Công ty khác để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, do Công ty không có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không trực tiếp sản xuất sản phẩm, không trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu nên không đáp ứng các quy định để được hoàn thuế nhập khẩu nêu ở trên.

(Công văn 11080/BTC-TCHQ, ngày 18/08/2017)

2. Hàng xuất khẩu chỉ được hoàn tối đa 10 % doanh thu

Căn cứ quy định tại Thông tư 130/2016/TT-BTC (hiệu lực từ ngày 01/07/2016) thì trường hợp doanh nghiệp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ bán trong nước thì  số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải được hạch toán riêng, nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì Công ty sẽ được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, số thuế được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sẽ không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (X) với 10%.

(Công văn 3719/TCT-CS, ngày 17/08/2017)

3. Thuế vãng lai xét hoàn như thế nào?

Trường hợp công ty có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết (bao gồm cả số thuế GTGT đã nộp vãng lai ngoại tỉnh) lũy kế ít nhất 12 tháng hoặc 4 quý tính từ tháng/quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết (trước ngày hiệu lực của Thông tư 130/2016/TT-BTC, Nghị định 100/2016/NĐ-CP) thì Công ty sẽ được xem xét hoàn thuế theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC nếu đáp ứng được các điều kiện về kê khai, khấu trừ và hoàn thuế theo quy định.

(Công văn 3589/TCT-KK, ngày 11/08/2017)
(Công văn 3449/TCT-KK, ngày 03/08/2017)

4. Hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu do nộp nhầm

Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT khi nhập khẩu máy móc, thiết bị nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế thì được xem là nộp thừa thuế.

Doanh nghiệp phải làm việc với cơ quan thuế nội địa, kiểm tra xác định doanh nghiệp đã kê khai, khấu trừ thuế GTGT hay chưa:

– Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì không được điều chỉnh lại.
– Trường hợp chưa kê khai khấu trừ, chưa làm thủ tục hoàn thuế thì thực hiện thủ tục hoàn trả thuế GTGT hàng nhập khẩu nộp nhầm, nộp thừa tại cơ quan hải quan theo hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 132 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

(Công văn 5112/TCHQ-TXNK, ngày 02/08/2017)

Tham khảo thêm:
Công văn 52330/CT-TTHT, ngày 04/08/2017
Công văn 51187/CT-TTHT, ngày 31/07/2017
Công văn 50828/CT-TTHT, ngày 28/07/2017

Nhập môn kế toán quản trị