Mua bán nợ: Tắc nghẽn do nhiều rào cản

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 13/12/2012 - 4830 lượt xem.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thành lập công ty mua bán nợ, phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam để góp phần tạo ra hướng đi mới, cải tổ các công ty, NH có nợ xấu đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, thực tế thị trường mua bán nợ ở nước ta hiện nay vẫn còn gặp những rào cản về chính sách nên khó phát triển.

Ảnh minh họa

Thiếu động lực, nhiều sức ép  

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), cho biết hiện nay có nhiều hình thức xử lý nợ xấu (từ phổ biến như khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, bán nợ… đến hình thức mới như dịch vụ quản lý thu nợ, bán nợ theo lô, tái cơ cấu doanh nghiệp…), nhưng qua thực tế hoạt động của DATC còn rất nhiều rào cản.

Thứ nhất, về vấn thuế cần có cơ chế ưu đãi với doanh nghiệp đang nợ giống như thành lập mới một doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp có nợ xấu đang nợ đọng về thuế, nhưng theo cơ chế hiện hành của Luật Quản lý thuế, nếu doanh nghiệp không nộp thuế mỗi một ngày tính lãi 17%/năm, tích lũy lại rất lớn.

Do vậy cần có sự chia sẻ một bên trách nhiệm của Nhà nước, một bên doanh nghiệp nếu muốn tái thiết doanh nghiệp.

Thứ hai, phải có cơ chế để doanh nghiệp hoãn xử lý nợ thuế, hoãn xử lý nợ bảo hiểm xã hội, để xử lý trả dần theo tiến trình phục hồi của doanh nghiệp mới mong xử lý nợ xấu và phục hồi doanh nghiệp.                                                       

 Liên quan đến việc phát triển thị trường mua bán nợ của Việt Nam, theo ông Thường, trong Quyết định 254 và Quyết định 929 của Chính phủ về thực hiện chương trình tái cấu trúc đồng bộ hệ thống tài chính và doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đề cập đến hàng tồn kho, nợ xấu… là những thủ phạm gây ra tắc nghẽn dòng chảy của vốn. Tuy nhiên, thực chất nợ xấu không phải là thủ phạm mà thủ phạm chính là cách làm của các TCTD.

Cụ thể, giai đoạn vừa qua khi các doanh nghiệp làm ăn được, NHTM vì lợi ích tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu yêu cầu doanh nghiệp mở rộng sản xuất và bơm vốn ra, khi NHNN siết tín dụng, các NHTM rút tiền về, dòng tiền doanh nghiệp chảy về NH được giữ lại không cho vay nữa.

“Đơn cử, Công ty Thủy sản Phương Nam, 1 năm dòng vốn lưu động chảy về khoảng trên 200 tỷ đồng, nhưng ngay lập tức NH cắt vốn làm doanh nghiệp này lao đao. Hoặc nhiều doanh nghiệp có khả năng sản xuất để trả được nợ nhưng vì NH đưa ra các điều kiện ngặt nghèo như phải có phương án kinh doanh hiệu quả, vốn đối ứng, tài sản bảo đảm, không có nợ xấu… Đây là rào cản, tắc nghẽn nếu không có cơ chế giải quyết thì không thể tái thiết được nền kinh tế” – ông Thường nói.

Nợ xấu đè nợ xấu

Hiện nay DATC với vốn điều lệ khá khiêm tốn, khoảng 2.481 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp, nên không thể đáp ứng nhu cầu xử lý nợ xấu quá lớn và cấp bách của nền kinh tế. Bên cạnh đó, với quy định của Bộ Tài chính, DATC phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản đối với khách nợ là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Điều này càng giới hạn hơn nữa khả năng đáp ứng của DATC. Do đó, cần thiết phải nâng tầm DATC cả quy mô về vốn, phạm vi hoạt động, kỹ năng chuyên môn… đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và trở thành một AMC quốc gia.TS. PHẠM HỮU THÁI, Trường ĐH Tài chính Marketing

Theo bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM, NHNN đã cho phép hàng chục NHTM mua bán nợ xấu doanh nghiệp và yêu cầu các NHTM này xem xét cho vay các dự án có hiệu quả. Điều này gần giống như “nợ xấu đè nợ xấu”, tức các NHTM được tham gia mua bán nợ cũng đang vấp phải nhiều khoản nợ xấu đang gia tăng hàng ngày cùng với các khoản nợ mới.

Vướng mắc đặt ra là các chủ nợ mới sẽ cơ cấu lại các khoản nợ cũ và tiếp tục cho vay ra sao? Đây là vấn đề không dễ. Vì theo quy chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro hiện nay, tất cả các khoản nợ mới nối tiếp khoản nợ cũ phải phân loại theo nhóm nợ cũ.

Cũng theo bà Hiền, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế việc mua bán nợ ở Việt Nam: Thứ nhất, do quy định về xử lý mua bán nợ còn phức tạp, yêu cầu phải có đủ tài liệu chứng minh nên việc này cũng khó cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không có tài liệu chứng minh do nhiều lý do khác nhau.

Thí dụ, các doanh nghiệp đó có thể do thay đổi tổ chức nhân sự liên quan đến việc theo dõi thanh toán nợ, nên việc tìm những tài liệu chứng minh rất khó; hay những doanh nghiệp có những khoản nợ tuy là nợ phải thu nhưng không xác định được (tiền lương, tiền thưởng doanh nghiệp đã chi quá quy định…).

Thứ hai, đối với nợ phải thu khó đòi, quy định doanh nghiệp chỉ trích lập dự phòng tối đa bằng 20% tổng nợ phải thu. Do đó, đối với doanh nghiệp có khả năng tài chính sẽ bị hạn chế về việc trích lập dự phòng và không phản ánh đúng vấn đề tài chính của doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong kỳ, sợ giảm lãi hoặc đang từ lãi chuyển thành lỗ, tăng lỗ, nên không chủ động xử lý nợ phải thu, không trích lập quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Bổ sung khung pháp lý

Theo một chuyên gia NH, phát triển hoạt động mua bán nợ là hướng đi tích cực của thị trường, bởi nợ xấu cũng là một hàng hóa. Khi đó, phát triển thị trường đó với cách bán các quyền trong tương lai, đây là cách thức để tạo ra một hạ tầng trong xã hội để có điều kiện ứng phó với khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.

Để phát triển thị trường mua bán nợ, ở đây có 2 cấp độ thị trường, sơ cấp và thứ cấp: Sơ cấp là trực tiếp giao dịch giữa một bên là TCTD và các tổ chức xử lý nợ; thứ cấp là mua bán giữa các nhà đầu tư với nhau trên thị trường thứ cấp. 2 phạm trù khác hẳn nhau và cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường đó cũng khác nhau.

Ông Phạm Mạnh Thường kiến nghị nên kết hợp mô hình xử lý nợ xấu tập trung và phát triển thị trường mua bán nợ để làm sao xã hội hóa nguồn cầu trong đầu tư nợ xấu của Việt Nam. Nhà nước cũng cần có cơ chế “cây gậy và củ cà rốt” để phát triển thị trường mua bán nợ sơ cấp.

Bởi nếu không có chế tài của NHNN để ép các TCTD phải có trách nhiệm hơn trong xử lý nợ xấu, họ vẫn để nợ xấu từ từ xử lý, mất 7-10 năm mới xong. Thí dụ, NHNN có thể đưa ra quy định trong vòng bao nhiêu năm đó, NHTM không giảm được tỷ lệ nợ xấu thì không được mở rộng hoạt động, yêu cầu trích lập dự phòng trên 100%. Thực tế có những quốc gia yêu cầu trích lập dự phòng 150-250%. Gần đây, NHNN cũng có động thái nhất định như không cho NHTM trả cổ tức nếu không trích đủ dự phòng rủi ro.

Theo một chuyên gia NH, để thúc đẩy mua bán nợ ở Việt Nam, thứ nhất phải sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý nợ tồn đọng theo hướng thông thoáng hơn, nhất là các quy định về tài liệu chứng minh nợ tồn đọng.

Đối với khoản nợ phải thu phát sinh từ 5 năm trở lên, nếu không có tài liệu chứng minh, con nợ không tồn tại hay đang thi hành án dân sự thì coi là nợ không có khả năng thu hồi. Với trường hợp này doanh nghiệp được xử lý xóa nợ và tính vào chi phí kinh doanh và bán nợ cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng.

Giải pháp thứ hai là đẩy mạnh việc xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp thông qua việc đánh giá xử lý nợ không có tài sản bảo đảm, xóa nợ lãi vay của doanh nghiệp, cần thực hiện khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị thua lỗ và thực hiện trước khi cơ cấu lại doanh nghiệp hoặc xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu. Ngoài ra, đối với HĐQT, tổng giám đốc công ty không xử lý kịp thời nợ có khả năng thu hồi, trích đủ… thì phải chịu trách nhiệm.

Mai Thảo
Theo báo sài gòn đầu tư

Diễn đàn Webketoan