Thông tư 80/2021/TT-BTC một số nội dung cần lưu ý

Đăng bởi: Cộng tác viên - Tuesday 14/12/2021 - 7835 lượt xem.

Bài viết tóm lược một số nội dung thay đổi cần lưu ý trong Thông tư 80/2021/TT-BTC về phân bổ thuế với đơn vị phụ thuộc, hoàn thuế, miễn giảm thuế, kiểm tra thuế, quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022.

1. Hướng dẫn về việc phân bổ thuế phải nộp đối với Người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh nơi đặt trụ sở chính

(Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư 80/2021/TT-BTC):

Phân bổ Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”):

Bỏ quy định về khai thuế GTGT đối với hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh đối với cơ quan thuế quản lý tại địa phương.

Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và hoạt động xây dựng: mức phân bổ thuế GTGT phải nộp là 1% doanh thu phát sinh tại tỉnh đó thay vì 2% như quy định trước đây.

Đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất thì tỷ lệ hay cách phân bổ không có thay đổi so với quy định cũ, vẫn áp dụng tỷ lệ 1% đối với sản phẩm chịu thuế suất GTGT 5% và tỷ lệ 2% đối với sản phẩm chịu thuế suất 10%. Trường hợp cơ sở sản xuất điều chuyển thành phẩm hoặc bán thành phẩm cho đơn vị khác trong nội bộ để bán ra thì doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất sản phẩm.

Trường hợp nếu số thuế phải phân bổ tại các tỉnh lớn hơn tổng số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì thực hiện phân bổ theo tỷ lệ doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại từng tỉnh trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra của người nộp thuế.

Phân bổ Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”):

Phân bổ thuế TNDN: Phân bổ theo tỷ lệ chi phí thực tế phát sinh trong kỳ. Trường hợp cơ sở sản xuất có ưu đãi thì khai thuế riêng và theo hướng dẫn tại Nghị định 126.

Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản: số thuế phải phân bổ bằng doanh thu nhân tỷ lệ 1%. Không còn quy định trường hợp tính trên doanh thu trừ chi phí như quy định trước đây.

Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế thì được xác định là số thuế nộp thừa và xử lý theo quy định.

Phân bổ Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”):

Thu nhập từ tiền lương, tiền công: phân bổ theo số thuế thực tế đã khấu trừ của từng cá nhân làm việc tại từng tỉnh. Trường hợp người lao động được điều chuyển, luân chuyển, biệt phái thì căn cứ thời điểm trả thu nhập, người lao động đang làm việc tại tỉnh nào thì số thuế thu nhập cá nhân khấu trừ phát sinh được tính cho tỉnh đó. Số thuế TNCN đã nộp cho từng tỉnh không xác định lại tại thời điểm quyết toán.

2. Hoàn Thuế

Về hồ sơ hoàn thuế thì so với quy định cũ, Thông tư 80 có bổ sung thêm nhiều tài liệu mà doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin hoàn cũng như xử lý trong một số trường hợp phát sinh sau hoàn thuế. Chi tiết hồ sơ hoàn thuế được quy định tại Điều 28, 29, 30 và 31 của Thông tư 80.

Số thuế còn được hoàn tại trụ sở chính được bù trừ với số tiền thuế nợ của đơn vị phụ thuộc và ngược lại.

Trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp kiểm trước hoàn sau, nếu cơ quan thuế xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn thì giải quyết hoàn trả số thuế đã đủ điều kiện hoàn cho người nộp thuế, không chờ kiểm tra xác minh toàn bộ hồ sơ hoàn thuế; đối với số thuế cần kiểm tra xác minh hoặc yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung hồ sơ thì cơ quan thuế xử lý hoàn thuế khi có đủ điều kiện theo quy định.

3. Miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác:

Điều 62 Thông tư 80 bổ sung quy định về việc cơ quan thuế sẽ phải ra thông báo về việc người nộp thuế thuộc hoặc không thuộc diện miễn giảm thuế theo Hiệp định thuế hoặc Điều ước quốc tế khác. Thời hạn ra thông báo là 30 ngày hoặc 40 ngày (trường hợp cần kiểm tra thực tế) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

4. Kiểm tra thuế (Điều 71, Điều 72 Thông tư 80/2021/TT-BTC)

Kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hằng năm (kể cả kế hoạch, chuyên đề sau điều chỉnh) phải được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc thông báo cho người nộp thuế và cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế (thông báo bằng văn bản hoặc điện thoại hoặc thư điện tử) chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt hoặc điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề kiểm tra.

Dự thảo biên bản kiểm tra thuế phải được công bố công khai trước Đoàn kiểm tra và người nộp thuế để có ý kiến, giải trình. Người nộp thuế nếu có ý kiến, giải trình thì phải thực hiện trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Sau đó, nếu người nộp thuế vẫn có ý kiến thì được ghi tại biên bản hoặc lưu cùng biên bản đã ký bởi Trưởng đoàn kiểm tra và người nộp thuế.

Bổ sung quy đinh về giám sát hoạt động đoàn kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.

Nếu người nộp thuế đáp ứng điều kiện để sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, không nhất thiết phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

5. Quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và dịch vụ khác mà nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (Điều 73 Thông tư 80/2021/TT-BTC):

Ban hành hướng dẫn chi tiết cho việc đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử; khai thuế và tính thuế trực tiếp của nhà cung cấp nước ngoài; uy quyền thực hiện thủ tục về thuế tại Việt Nam.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện khai và nộp thuế theo quy định này thì nếu người mua hàng là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam sẽ phải thực hiện khai thuế, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định. Nếu người mua hàng là cá nhân thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định.

Việc đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ thời điểm có thông báo của Tổng cục Thuế về hệ thống đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài trên Cổng Thông tin điện tử đi vào hoạt động.

Việc kê khai, khấu trừ, nộp thay và theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như hướng dẫn được thực hiện kể từ khi Tổng cục Thuế gửi thông báo cho Hội sở chính của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Quý độc giả tham khảo chi tiết Thông tư 80/2021/TT-BTC tại thư viện của Trung tâm tư vấn Webketoan.

 

CTV Nguyễn Thị Thu Hồng

Diễn đàn Webketoan