Tỷ suất lợi nhuận là gì? Ý nghĩa, vai trò và công thức tính ROS

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Wednesday 31/05/2023 - 5068 lượt xem.

Tỷ suất lợi nhuận là thuật ngữ giúp đo lường mức độ hiệu quả đối với các hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà các cách tính tỷ suất lợi nhuận cũng như những yếu tố tác động đi kèm luôn được quan tâm bởi các doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về khái niệm, ý nghĩa, vai trò và công thức tính tỷ suất lợi nhuận chính xác nhất, hãy cùng Webketoan tham khảo bài viết sau đây. 

Xem thêm: Tổng hợp các Tỷ số tài chính quan trọng trong phân tích Tài chính doanh nghiệp

Tỷ suất lợi nhuận là gì?

Tỷ suất lợi nhuận (Return On Sales – ROS) là thước đo tài chính cơ bản, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Thể hiện tỷ lệ lợi nhuận kiếm được dựa trên tổng số vốn cố định và vốn lưu động được sử dụng trong cùng kỳ. Đơn vị của tỷ suất lợi nhuận là % (phần trăm).

Các doanh nghiệp thường quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận (ROS) vì tỷ suất này có thể xác định được lợi nhuận thực tế của công ty và nắm được lợi nhuận ròng của các cổ đông trong doanh nghiệp.

tỉ suất lợi nhuận

Ý nghĩa của tỷ suất lợi nhuận

Việc xác định tỷ suất lợi nhuận giúp doanh nghiệp đánh giá đúng hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Nói cách khác, chỉ số trên phản ánh nhiều cái nhìn sâu sắc về các khía cạnh khác nhau trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp, cụ thể:

  • Lợi nhuận và sự hoạt động ổn định của doanh nghiệp
  • Khả năng quản lý chi phí
  • Chiến lược giá
  • Tiềm năng đầu tư

Do đó, dựa vào tỷ suất lợi nhuận, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp có thể theo dõi xem hoạt động kinh doanh của mình đang lãi hay lỗ. Từ đó đưa ra chiến lược định giá chính xác nhất cho các sản phẩm và dịch vụ của mình. 

Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận cũng là tiền đề quan trọng, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong ngành và thu hút các nhà đầu tư. Bởi, doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao đồng nghĩa với việc chiếm được thị phần cao trong thị trường. 

Vai trò của tỷ suất lợi nhuận

Trong kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận được coi là một yếu tố thu hút vốn. Khi một doanh nghiệp muốn huy động vốn từ bên ngoài, họ cần phải tăng chỉ số này. Ngoài ra, tỷ số lợi nhuận còn nắm giữ nhiều vai trò khác nhau, như:

  • Đánh giá tình hình kinh doanh: Việc xác định tỷ suất lợi nhuận giúp doanh nghiệp đánh giá đúng tình hình hoạt động kinh doanh của mình. Biết dự án nào có lãi và dự án nào thua lỗ. 
  • Đánh giá hiệu quả tài chính: Tỷ suất lợi nhuận giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn về các khía cạnh khác nhau của hoạt động tài chính. Cụ thể là khả năng quản lý chi phí, chiến lược định giá, lợi nhuận và sự ổn định của doanh nghiệp, tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp.
  • Hoạch định chiến lược phù hợp: Thông qua khả năng đánh giá được tình hình kinh doanh và hiệu quả tài chính, tỷ suất lợi nhuận giúp công ty xây dựng được những chiến lược phù hợp nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ bằng cách đánh giá các điều kiện kinh doanh và hiệu quả tài chính.

Khẳng định vị thế của doanh nghiệp và thu hút đầu tư: Trên thực tế, lợi nhuận của một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp mà còn dựa vào nhiều yếu tố khách quan khác. Do đó, tỷ suất lợi nhuận càng lớn thì càng chứng tỏ doanh nghiệp có thị phần cao trên thị trường và dễ dàng thu hút vốn đầu tư.

Cách tính tỷ suất lợi nhuận

Để tính được tỷ suất lợi nhuận dựa trên doanh thu, chúng ta có công thức như sau:

Tỷ suất lợi nhuận = Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần x 100%

Trong đó:

  • Doanh thu thuần là doanh số thu được từ việc bán các sản phẩm, dịch vụ sau khi đã giảm trừ
  • Lợi nhuận sau thuế là khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sau khi đã chi trả các khoản thuế doanh nghiệp theo kỳ.

Hai khoản này đều dựa trên số liệu báo cáo kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp có được.

Ví dụ minh họa:

Giả sử doanh nghiệp ABC có doanh thu thuần là 500 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế là 75 triệu đồng trong năm 2022.

Áp dụng công thức, ta có:

Tỷ suất lợi nhuận = (75 triệu đồng / 500 triệu đồng) x 100% = 15%

Vậy tỷ suất lợi nhuận của công ty ABC trong năm 2023 là 15%.

Để hoạt động kinh doanh được diễn ra nhuần nhuyễn, nhà quản trị cần phải hiểu được thế nào là một ROS tốt. Thông thường, ROS được chia làm sẽ có 3 cấp độ:

• Cấp độ 1: ROS < 0 (âm)
Như đã nói ở trên, ROS âm có nghĩa là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh lỗ. Những nhà đầu tư thường gần như bỏ qua doanh nghiệp có con số ROS âm này. Tuy nhiên, cần nhìn rộng hơn ra ROS của doanh nghiệp đó trong những năm trước đó để phòng trường hợp một vài doanh nghiệp có những chiến lược khiến cho ROS âm vào giai đoạn đầu.

• Cấp độ 2: 0 < ROS < 10%
Với những doanh nghiệp có chỉ số ROS nằm trong khoảng này, các nhà đầu tư sẽ xếp vào danh sách những doanh nghiệp tiềm năng, tức là những công ty hoạt động kinh doanh có lãi nhưng chưa ổn định và cần xem xét kỹ lưỡng trước khi xuống tiền đầu tư.

• Cấp độ 3: ROS > 10%:
Đây là một doanh nghiệp vững mạnh, trong đà phát triển nhanh và rất đáng đề các nhà đầu tư quan tâm.

Nói tóm lại, một ROS được coi là tốt khi nó trong khoảng >10%. Tuy nhiên mỗi ngành nghề đều có một tính chất khác nhau, từ đó yêu cầu về cấu trúc kinh doanh khác nhau. Vì vậy cần đặt chỉ số ROS vào mức trung bình của riêng ngành đó để có cái nhìn khách quan nhất, chính xác nhất về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, tỷ suất lợi nhuận là chỉ số nên được doanh nghiệp theo dõi thường xuyên để có thể điều chỉnh và thay đổi các kế hoạch kinh doanh kịp thời. Thông qua bài viết trên, Webketoan hy vọng có thể mang đến cho bạn những thông tin hữu ích nhất về “Tỷ suất lợi nhuận là gì” và giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm tỷ suất này cũng như ý nghĩa và cách tính toán chúng dựa trên các chỉ số tài chính.

Nguồn tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp UEH, investopedia.com, sapp.edu

Nhập môn kế toán quản trị