Nợ khó đòi – Những điểm cần lưu ý

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 26/06/2017 - 11640 lượt xem.

Nợ phải thu khó đòi là khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ (các cam kết nợ khác) hoặc nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng..) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

                              Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Dưới đây là tổng hợp một số hướng dẫn về Nợ khó đòi từ ngành thuế, mời độc giả xem qua.

A. HƯỚNG DẪN TỪ TỔNG CỤC THUẾ

1. Nợ phải thu khó đòi – thiếu hồ sơ, chứng từ sẽ không được chấp nhận

Doanh nghiệp được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nếu doanh nghiệp:

+ Có các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, được ghi trên:

• Hợp đồng kinh tế
• Các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác

+ Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ, bao gồm:

• Hợp đồng kinh tế
• Khế ước vay nợ
• Bản thanh lý hợp đồng
• Cam kết nợ, đối chiếu công nợ và các chứng từ khác.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nếu có khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, có đầy đủ, hồ sơ chứng từ quy định ở trên.
( Công văn 920/TCT-TS, ngày 09/03/2016)

2. Mua bán nợ có được trích lập dự phòng nợ khó đòi?

Trường hợp doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề và hoạt động mua bán nợ theo đúng quy định của pháp luật, doanh nghiệp có một số khoản nợ mua về nhưng chưa bán được hoặc bán được nhưng đến hạn thanh toán mà chưa thu được tiền thì đều được coi là khoản nợ phải thu, do đó, các khoản nợ phải thu này nếu đủ điều kiện là khoản nợ khó đòi(căn cứ vào thời hạn chưa trả nợ so với kỳ trả nợ) thì doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC.
Số trích lập dự phòng tối đa bằng số mà công ty đã bỏ tiền ra để mua nợ.
(Công văn 58/TCT-CS, ngày 07/01/2016)

3. Có được trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu tiền cổ tức?

Theo đó, doanh nghiệp có thực hiện trích lập dự phòng nợp phải thu khó đòi đối với các khoản phải thu tiền cổ tức (doanh nghiệp đã hạch toán phải thu tiền cổ tức từ các doanh nghiệp khác tại thời điểm có thông báo chia tiền cổ tức nhưng thực tế chưa nhận được tiền do doanh nghiệp chia cổ tức gặp khó khăn về tài chính) là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC.

Do đó, doanh nghiệp không được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
(Công văn 1797/TCT-CS, ngày 12/05/2015)

4. Điều kiện xử lý các khoản nợ khó đòi

Theo quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC thì điều kiện xử lý các khoản nợ khó đòi như sau:
–  Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ, bao gồm: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ và các chứng từ khác.

Các khoản không đủ căn cứ xác định là nợ phải thu theo quy định này phải xử lý như một khoản tổn thất.

– Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

+ Nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác.

+ Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng..) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

(Công văn số 932/TCT-CS ngày 16/3/2012)

 

B. HƯỚNG DẪN TỪ CHI CỤC THUẾ

1. Còn nợ chưa giải thể, có đủ điều kiện để ghi nhận là nợ khó đòi

Trường hợp khách hàng là tổ chức đang còn nợ doanh nghiệp nhưng khách hàng chưa giải thể, phá sản, chưa có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập về việc tổ chức (khách hàng) đã ngưng hoạt động, không còn khả năng thanh toán thì khoản nợ của khách hàng chưa đủ điều kiện để ghi nhận là khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.

(Công văn 10467/CT-TTHT, ngày 26/10/2016)

2. Nợ phải thu phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và phản ánh tối thiểu là 10 năm 

Các khoản nợ phải thu sau khi đã có quyết định xử lý, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và được phản ánh ở ngoài bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm, tối đa là 15 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào các khoản thu nhập khác (Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC)

(Công văn 20094/CT-HTr, ngày 14/04/2016)

3. Nợ khó đòi nếu đáp ứng đúng quy định mới được tính vào chi phí được trừ

Trường hợp Công ty trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nếu đáp ứng được điều kiện và phương pháp lập quy định tại Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

(Công văn 84623/CT-HTr, ngày 30/12/2015)

 

 

 

 

Nhập môn kế toán quản trị