Thực hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung DN tuân thủ tốt pháp luật thuế sẽ được nhiều ưu tiên

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 08/04/2013 - 5930 lượt xem.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế (QLT) sửa đổi, bổ sung để kịp trình Chính phủ ban hành hướng dẫn áp dụng từ 1/7/2013. Xung quanh các nội dung mới, có liên quan đến DN và cơ quan thuế, phóng viên Tạp chí Thuế đã phỏng vấn ông Vũ Văn Cường – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế.

 dsc_1480

Thưa ông, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật QLT sửa đổi sẽ tập trung vào những nội dung nào?
 
Luật QLT sửa đổi, bổ sung có 2 Điều. Điều 1 có 38 khoản, tương ứng với 38 vấn đề sửa đổi, bổ sung, trong đó có 9 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, gồm: Quản lý rủi ro; áp dụng chế độ ưu tiên; xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế; áp dụng CNTT trong QLT; về tần suất kê khai; kê khai các khoản thu từ đất, lệ phí trước bạ, thời hạn nộp thuế đối với các khoản thu từ đất, lệ phí trước bạ; xoá nợ tiền thuế, tiền phạt; nộp dần tiền thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
 
Thêm vào đó, một số nội dung tại Luật sửa đổi cũng cần phải quy định chi tiết hơn tại nghị định để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, bao gồm: Về khai thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa nhập khẩu; tiền chậm nộp; địa điểm và hình thức nộp thuế; xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; gia hạn nộp thuế; về thẩm quyền ấn định thuế; trách nhiệm cơ quan thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế; trao đổi thông tin với cơ quan nước ngoài và kiểm tra thuế
 
Ngoài ra, cũng cần sửa đổi một số nội dung khác để khắc phục vướng mắc phát sinh trong thực tế và phù hợp với các chính sách thuế mới, đó là các nội dung về thủ tục tạm ngừng kinh doanh; về đăng ký thuế, khai thuế (thay đổi thông tin đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai bổ sung, khai thuế GTGT, khai thuế tài nguyên, khai các khoản thu từ đất, khai thuế nhà thầu, khai thuế liên quan hồ sơ áp dụng hiệp định thuế và các thỏa thuận quốc tế khác, khai thuế TNDN, khai thuế đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu thô và hoạt động sản xuất thủy điện, khai thuế TNCN); địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, thứ tự thanh toán tiền thuế, ngày nộp thuế; trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước; về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm tra, thanh tra thuế.
 
Vậy đâu là những điểm mới của dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật QLT sửa đổi, thưa ông?
 
Điểm nổi bật nhất là cơ chế quản lý rủi ro. Để làm được việc đó thì phải xây dựng cơ chế quản lý rủi ro trong từng khâu, nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nộp thuế (NNT) có rủi ro cao và có biện pháp ưu tiên đối với DN tuân thủ tốt pháp luật thuế. Tiếp đến là, áp dụng biện pháp ưu tiên thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, sẽ phân loại NNT để có biện pháp quản lý phù hợp. Theo đó, đối với NNT ở những lĩnh vực, địa bàn có độ rủi ro thấp, có lịch sử tuân thủ pháp luật tốt được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Về tần suất kê khai, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho NNT quy mô nhỏ, NNT được quyền lựa chọn khai thuế GTGT theo quý (thay cho việc khai thuế GTGT theo tháng như hiện nay). Về khai thuế, sẽ rà soát toàn bộ nội dung về khai các loại thuế, đảm bảo phù hợp với thực tế, giảm hơn nữa thủ tục hành chính về thuế nhưng vẫn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
 
Mặt khác, sẽ giảm thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế, quy định rõ hơn thời gian hoàn trả các khoản nộp thừa và thời gian giải quyết hoàn thuế; đồng thời, quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của cơ quan QLT trong việc kiểm tra hoàn thuế. Để hạn chế các trường hợp bị cưỡng chế thuế, đồng thời tạo điều kiện giúp DN có thể tiếp tục hoạt động SXKD, nghị định mới sẽ quy định chi tiết các trường hợp được phép nộp dần tiền thuế, trách nhiệm của NNT, hồ sơ nộp dần tiền thuế và thẩm quyền chấp thuận nộp dần tiền thuế. Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về gia hạn nộp thuế, để đảm bảo thống nhất, minh bạch, rõ ràng hơn.
 
Riêng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), đây là một trong những biện pháp bổ sung cho quản lý chống chuyển giá. So với việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá, việc áp dụng APA sẽ đạt hiệu quả do các bên cùng hợp tác để đạt thoả thuận chung. Thêm vào đó, APA có nhiều điểm thuận lợi như giảm chi phí tuân thủ thuế, đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ chứng từ; cơ quan thuế chủ động hơn trong việc hành thu, vì APA có sự đảm bảo nhất định về khả năng thu; tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. 
 
Vậy, cơ chế quản lý, điều kiện và chế độ ưu tiên sẽ được quy định như thế nào, thưa ông?
 
Nội dung mới, được nhiều người quan tâm nhất là chế độ ưu tiên đối với NNT tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế. Theo đó, NNT thuộc diện này sẽ được cơ quan hải quan ưu tiên thống nhất về xác định mã số các mặt hàng DN đã xuất, nhập khẩu; được ưu tiên áp dụng chế độ tự thanh khoản, hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo thủ tục đơn giản; được ưu tiên rút ngắn về thời gian, đơn giản hồ sơ hơn khi thực hiện thủ tục về thuế với cơ quan hải quan.
 
Theo ông, khi Luật QLT chính thức được áp dụng và nghị định hướng dẫn được ban hành thì các tổ chức, cá nhân nộp thuế sẽ có những thuận lợi gì so với trước?
 
Khi Luật QLT chính thức được áp dụng và nghị định hướng dẫn được ban hành thì chính sách QLT sẽ rõ ràng, minh bạch và thống nhất hơn, tạo thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ thuế; giảm chi phí do giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT; công tác hiện đại hoá hệ thống thuế ngày càng hoàn thiện, giúp NNT thực hiện nghĩa vụ thuế đơn giản hơn, đặc biệt là NNT nước ngoài dễ dàng hơn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.
 
Xin cảm ơn ông! 
Việt Tuấn 
Nguồn TCT Online