Kế toán trái phiếu phát hành – Phần 2

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 05/11/2015 - 22526 lượt xem.

Kế toán chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hiền

Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo các điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành. Theo quy định tại Thông tư 200 thì chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi được phân bổ dần phù hợp với kỳ hạn trái phiếu theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa. Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi được ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu. Định kỳ, kế toán phân bổ chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi bằng cách ghi tăng giá trị nợ gốc và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa phù hợp với việc ghi nhận lãi vay phải trả của trái phiếu.

Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi được xác định bằng cách chiết khấu giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai (gồm cả gốc và lãi trái phiếu) về giá trị hiện tại theo lãi suất của trái phiếu tương tự trên thị trường nhưng không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu và trừ đi chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Như vậy Thông tư 200 không quy định hạch toán trái phiếu chuyển đổi chi tiết theo từng thành phần: mệnh giá, chiết khấu, phụ trội. Việc quy định như vậy làm cho việc tính toán và hạch toán trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên các công ty vẫn có thể mở các tài khoản chi tiết của tài khoản 3432 để theo dõi chi tiết mệnh giá, chiết khấu, phụ trội, chi phí phát hành của trái phiếu chuyển đổi.

Kế toán tại thời điểm phát hành

Công ty B phát hành 2.000.000 trái phiếu chuyển đổi tại ngày 1/1/2015 để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Số trái phiếu này có thời hạn 4 năm với lãi suất danh nghĩa là 6%/năm, được phát hành theo mệnh giá là 1.000.000 đồng mỗi trái phiếu (tổng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu là 2.000.000 triệu đồng), tiền lãi được trả hàng năm vào ngày 31/12. Mỗi trái phiếu có thể chuyển đổi thành 250 cổ phiếu thường với mệnh giá 10.000 đồng. Lãi suất thị trường của các trái phiếu tương tự nhưng không có điều khoản chuyển đổi là 9%/năm. Chi phí phát hành số trái phiếu trên là 24.000 triệu đồng được trừ vào số tiền nhận từ phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Như vậy trái chủ sẽ nhận được tiền lãi hàng năm là = 2.000.000 x 6% = 120.000 triệu đồng và được thanh toán theo mệnh giá trái phiếu là 2.000.000 triệu đồng (nếu không chuyển đổi sang cổ phiếu thường). Thành phần nợ của trái phiếu được xác định là giá trị hiện tại của các khoản thu nhập trên theo lãi suất 9%:

2.000.000 x 0,70843 + 120.000 x 3,23972 = 1.805.616 triệu đồng.

Thành phần vốn chủ của trái phiếu chuyển đổi là:

2.000.000 – 1.805.616 = 194.384 triệu đồng

Theo Thông tư 200, chi phí phát hành được trừ vào cấu phần nợ của trái phiếu nên giá trị của khoản nợ từ phát hành trái phiếu sau khi trừ phí phát hành là:

1.805.616 – 24.000 = 1.781.616 triệu đồng.

Tổng chi phí phát hành và chiết khấu trái phiếu =194.384 + 24.000 = 218.384 triệu đồng (và cùng bằng chênh lệch giữa mệnh giá trái phiếu và giá trị ghi sổ của trái phiếu = 2.000.000 – 1.781.616 triệu đồng).

Khi sử dụng phương pháp lãi thực thì cần tính lại lãi suất thực tế của khoản đi vay từ trái phiếu chuyển đổi. Tỷ lệ lãi suất thực tế của khoản vay này sau khi điều chỉnh chi phí phát hành là lãi suất để tổng giá trị hiện tại của các dòng tiền chi trả cho trái phiếu bằng với giá trị ghi sổ của trái phiếu tại thời điểm ghi nhận ban đầu = 9,4%.

BẢNG PHÂN BỔ CHI PHÍ PHÁT HÀNH, CHIẾT KHẤU TRÁI PHIẾU THEO PHƯƠNG PHÁP LÃI THỰC

Ngày 6% tiền lãi trả theo mệnh giá Chi phí tài chính theo lãi suất 9,4% Điều chỉnh tăng giá trị ghi sổ trái phiếu  Giá trị ghi sổ
01/01/2015 1.781.616
31/12/2015 120.000 167.473 47.473 1.829.089
31/12/2016 120.000 171.935 51.935 1.881.024
31/12/2017 120.000 176.817 56.817 1.937.842
31/12/2018 120.000 182.158 62.158 2.000.000

Ngày 01/01/2015, khi phát hành trái phiếu chuyển đổi:

Nợ TK 111, 112                    1.976.000

Có TK 3432                           1.781.616

Có TK 4113                              194.384

Ngày 31/12/2015, ghi nhận chi phí tài chính sau khi điều chỉnh tiền lãi đã trả và các khoản phân bổ:

Nợ TK 635                             167.473

Có TK 111, 112                    120.000

Có TK 3432                             47.473

Ngày 31/12/2016:

Nợ TK 635                             171.935

Có TK 111, 112                    120.000

Có TK 3432                             51.935

Ngày 31/12/2017:

Nợ TK 635                             176.817

Có TK 111, 112                    120.000

Có TK 3432                             56.817

Ngày 31/12/2018:

Nợ TK 635                             182.185

Có TK 111, 112                    120.000

Có TK 3432                             62.185

Ngày 01/01/2019, nếu các trái chủ không thực hiện quyền chuyển đổi thì công ty phải thanh toán cho các trái chủ mệnh giá trái phiếu:

Nợ TK 3432              2.000.000

Có TK 111, 112                    2.000.000

Đồng thời kết chuyển quyền chọn chuyển đổi trái phiếu sang thặng dư vốn cổ phần:

Nợ TK 4113              194.384

Có TK 4112                           194.384

Nếu tại ngày 01/01/2019, các trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi thì kế toán công ty B ghi nhận việc phát hành trái phiếu để thanh toán cho các trái chủ:

Nợ TK 3432              2.000.000

Có TK 4111                             500.000

Có TK 4112                           1.500.000

Đồng thời kết chuyển quyền chọn chuyển đổi trái phiếu sang thặng dư vốn cổ phần:

Nợ TK 4113              194.384

Có TK 4112                           194.384

Thông tư 200 không nói đến có cho phép phân bổ khoản chênh lệch giữa mệnh giá trái phiếu và giá trị ghi sổ của khoản nợ trái phiếu chuyển đổi tại ngày phát hành theo phương pháp đường thẳng hay không. Việc phân bổ khoản chênh lệch này theo phương pháp đường thẳng tuy không phản ánh chính xác chi phí đi vay nhưng lại đơn giản hơn. Giả sửa chi phí phát hành và khoản chiết khấu từ trái phiếu được phân bổ theo phương pháp đường thẳng thì có bảng phân bổ sau:

BẢNG PHÂN BỔ CHI PHÍ PHÁT HÀNH, CHIẾT KHẤU TRÁI PHIẾU THEO PHƯƠNG PHÁP ĐƯỜNG THẲNG

Ngày 6% tiền lãi trả theo mệnh giá Phân bổ chi phí phát hành và chiết khấu Chi phí tài chính ghi nhận  Giá trị ghi sổ
01/01/2015 1.781.616
31/12/2015 120.000 54.596 174.596 1.836.212
31/12/2016 120.000 54.596 174.596 1.890.808
31/12/2017 120.000 54.596 174.596 1.945.404
31/12/2018 120.000 54.596 174.596 2.000.000

 

Bút toán phản ánh nghiệp vụ phát hành trái phiếu như sau:

Ngày 01/01/2015, khi phát hành trái phiếu chuyển đổi

Nợ TK 111, 112                    1.976.000

Có TK 3432                           1.781.616

Có TK 4113                              194.384

Ngày 31/12/2015, ghi nhận chi phí tài chính sau khi điều chỉnh tiền lãi đã trả và các khoản phân bổ:

Nợ TK 635                             174.596

Có TK 111, 112                    120.000

Có TK 3432                             54.596

Cuối các năm 2016, 2017, 2018 kế toán phản ánh khoản chi phí đi vay tương tự như cuối năm 2015.

Bàn thêm về hạch toán chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi

Thông tư 200 quy định chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi được trừ vào thành phần nợ của trái phiếu chuyển đổi. Việc quy định như vậy là cho quá trình tính toán trở lên đơn giản hơn nhưng chưa phản ánh đúng giá trị cần báo cáo của thành phần nợ và thành phần vốn của trái phiếu chuyển đổi. Chuẩn mực kế toán quốc tế số 32 (IAS 32)[i]. Theo đó chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ cho thành phần nợ và thành phần vốn chủ của trái phiếu theo tỷ lệ với giá trị được phân chia giữa nợ và vốn chủ.

Nếu thực hiện việc phân bổ chi phí phát hành trái phiếu cho cả thành phần nợ và thành phần vốn thì chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi 24.000 triệu đồng được phân bổ như sau:

Giá trị phân bổ ban đầu Phí phát hành phân bổ Giá trị ghi sổ sau phân bổ
Cấu phần nợ      1.805.616,00             21.667,39     1.783.948,61
Cấu phần vốn chủ         194.384,00               2.332,61        192.051,39
Cộng      2.000.000,00             24.000,00     1.976.000,00

 

Theo cách phân bổ này tỷ lệ chi phí đi vay thực tế của khoản vay từ phát hành trái phiếu chuyển đổi là 9,36% và bảng phân bổ như sau:

Ngày 6% tiền lãi trả theo mệnh giá Chi phí tài chính theo lãi suất 9,36% Điều chỉnh tăng giá trị ghi sổ trái phiếu  Giá trị ghi sổ
01/01/2015 1.783.949
31/12/2015 120.000 166.993 46.993 1.830.942
31/12/2016 120.000 171.392 51.392 1.882.334
31/12/2017 120.000 176.203 56.203 1.938.536
31/12/2018 120.000 181.464 61.464 2.000.000

 

Ngày 01/01/2015, khi phát hành trái phiếu chuyển đổi:

Nợ TK 111, 112                    1.976.000

Có TK 3432                           1.783.481,61

Có TK 4113                              192.051,39

Ngày 31/12/2015, ghi nhận chi phí tài chính sau khi điều chỉnh tiền lãi đã trả và các khoản phân bổ:

Nợ TK 635                             166.993

Có TK 111, 112                    120.000

Có TK 3432                             46.993

Viêc thay đổi quy định trong hạch toán chi phí phát hành trái phiếu trong Thông tư 200 làm cho việc trình bày báo cáo tài chính đối với chi phí phát hành trái phiếu phản ánh đúng bản chất hơn. Bài viết trên trình bày cách tính toán và phân bổ chi phí phát hành trái phiếu với hy vọng giúp người làm kế toán hiểu hơn về cách hạch toán theo quy định mới này. Ngoài ra bài viết cũng bàn đến việc phân bổ chi phí phát hành của trái phiếu chuyển đổi cho cả thành phần nợ và thành phần vốn để phản ánh đúng đắn hơn giá trị ghi sổ của các thành phần liên quan khi phát hành trái phiếu chuyển đổi. tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn đọc gần xa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC – Hướng dẫn kế toán doanh nghiệp

FASB (2015), Accounting Standards Update 4/2015

IASB (2010), IAS 32 – Financial Instruments: Presentation

[i] Đoạn 38 IAS 32

 PHẦN 1: http://www.webketoan.vn/ke-toan-phat-hanh-trai-phieu-phan-1.html

Diễn đàn Webketoan