Một số việc cần làm về An toàn lao động trong tháng 5 hằng năm

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Monday 27/02/2017 - 5840 lượt xem.

Ngày 20/02/2017, Bộ lao động thương binh xã hội ban hành thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn tổ chức tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trong tháng 5 hàng năm.

Theo đó, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì các hoạt động thường xuyên về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật và tập trung vào các nội dung cơ bản sau:

Tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, quan trắc môi trường lao động;

 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

• Xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh;

Xây dựng, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn; tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng máy, thiết bị, từng phân xưởng, tổ, đội để có biện pháp khắc phục;

• Rà soát, tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin và tư vấn, hướng dẫn cho người lao động biết cách tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; rà soát, thực hiện kiểm định đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

Tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, thực hành sơ cấp cứu; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các phân xưởng, tổ, đội phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị, cơ sở;

• Khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trong đơn vị, cơ sở; tổ chức khen thưởng về an toàn, vệ sinh lao động cho các tập thể, cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung lồng ghép tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với điều kiện của cơ sở.

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 5 hằng năm.

Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức vào 01 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng 5 hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 4 năm 2017 và thay thế việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ hàng năm theo Hướng dẫn số 4280/BCĐTLQG-ATLĐ ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn, vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ Trung ương.

Tải Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH: TẠI ĐÂY

Một số xử phạt vi phạm hành chính về an toàn lao động (Khoản 13, Điều 1, Nghị định 88/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2013/NĐ-CP)

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ngừng hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) Không điều trị hoặc khám sức khỏe định kỳ hoặc lập hồ sơ sức khỏe riêng biệt cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp;

c) Không có giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định;

d) Sử dụng người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động mà không có chứng chỉ huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định;

đ) Không thông tin về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động;

e) Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định;

g) Không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định;

h) Không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa;

i) Không thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng khi hết giờ làm việc.

2. Phạt tiền người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động, người học nghề, tập nghề đúng theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người trở lên.

3. Phạt tiền người sử dụng lao động vi phạm quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu;

d) Từ 02 đến 03 lần tổng giá trị phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ theo quy định của pháp luật.

 

 

Diễn đàn Webketoan